Giáo dục

Bao giờ trường học mới thật sự là nơi hạnh phúc khi ra rả kêu đóng tiền?

Để không bị trừ điểm thi đua, không muốn hiệu trưởng phê bình thì giáo viên vào lớp công việc đầu tiên là đọc tên những học sinh chưa đóng tiền.

Trên các tờ báo, mạng xã hội vừa qua tràn ngập thông tin hiệu trưởng một trường tiểu học của tỉnh Đắk Nông giữ lại hồ sơ cuối cấp của một học sinh chỉ vì em này chưa đóng 550 ngàn đồng các loại quỹ.

Đây là một học sinh nghèo, cha mẹ bỏ nhau và đều bỏ đi, em sống với ông ngoại, gia đình thuộc hộ cận nghèo. Ông ngoại làm nghề nhặt rác còn em phải đi chăn bò.

Bạn bè tôi làm nhiều ngành nghề khác nhau và có cả những nhà giáo đều tỏ ra băn khoăn, xót xa trước sự việc này. Họ càng tỏ ra ngán ngẩm, bức xúc khi hiệu trưởng thản nhiên trả lời báo chí: "Nguyên tắc đi học thì phải đóng tiền và đã thỏa thuận mọi vấn đề với nhà trường này thì phải chấp nhận. Còn không đóng tiền thì chúng tôi có biện pháp để giữ… Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ và tôi làm hoàn toàn đúng".

Một giáo viên đang dạy học tại trường tiểu học chia sẻ: Việc học sinh phải đóng nhiều loại tiền phí, đủ loại quỹ trong trường học như quỹ cha mẹ học sinh, quỹ lớp, tiền vệ sinh trường lớp, tiền đồng phục, dụng cụ học tập, tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, học phí… quả thật rất khó đối với gia đình khó khăn.

Nhà trường hô hào, chỉ đạo giáo viên thu, thầy cô rất mệt mỏi, chán ngán với những công việc ngoài chuyên môn này. Không thu được, không thu đủ là bị hiệu trưởng nhắc nhở trong các cuộc họp, trừ điểm thi đua, thậm chí mới kết thúc học kỳ 1 đã hối thúc giáo viên phải thu 100% các loại quỹ. Giáo viên nào thu thiếu thì được cho là làm công tác chủ nhiệm yếu kém.

Thầy cho biết thêm, để không bị trừ điểm thi đua, không muốn hiệu trưởng phê bình thì giáo viên vào lớp công việc đầu tiên là đọc tên những học sinh chưa đóng tiền.

Thương học trò nghèo lắm nhưng vẫn phải nói, vẫn phải ra rả kêu các em đóng tiền, phải làm "căng" với học sinh. Thầy đặt câu hỏi: Các cấp lãnh đạo ngành giáo dục chỉ đạo là phải xây dựng trường học hạnh phúc mà nặng nề thu đủ các loại quỹ với học sinh nghèo thì bao giờ giáo viên, học sinh mới thật sự được hạnh phúc trong ngôi trường của mình?!

Tình trạng nhiều trường học kêu gọi phụ huynh đóng các loại quỹ, đóng tiền mua sắm ti vi, máy chiếu, sửa chữa cơ sở vật chất trên tinh thần tự nguyện là có.

Thế nhưng việc "bổ đồng" mỗi học sinh, giao chỉ tiêu mỗi lớp phải đóng với số tiền bằng này bằng nọ đã làm khó giáo viên, học sinh nghèo, khiến nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nặng gánh tiền trường. Đó là chưa kể nhiều khoản học tập phải đóng khác như học kĩ năng sống, tiếng Anh tăng cường…

Vẫn mãi cứ trăm dâu đổ đầu giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh như vậy thì đến bao giờ trường học mới thật sự là nơi hạnh phúc?

Tác giả: Hồng Đào

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP