Như đã thành lệ, cứ mỗi khi có điểm tổng kết học kỳ của học sinh, mạng xã hội lại ngập tràn các dòng trạng thái khoe giấy khen, thành tích của con từ các phụ huynh. Những bảng điểm đẹp đến hoàn hảo với 9, với 10, với những mỹ từ như “xuất sắc”, “học giỏi”, “vượt trội”... không còn xa lạ với phần đông người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, những kết quả đẹp như mơ này lại đặt ra câu hỏi lớn cho nhiều người: Chương trình học của chúng ta luôn bị phàn nàn là rất nặng, rất áp lực học sinh không theo kịp nhưng sao khi kiểm tra thì hầu hết, toàn thấy thành tích cao ngất, nhìn đâu cũng thấy học sinh giỏi?
Nhìn những bảng điểm của học sinh THCS, số đầu môn học lên tới cả chục môn. Vậy mà từ môn tự nhiên cho tới môn xã hội, công nghệ, có những học sinh gần như giành điểm tuyệt đối không chỉ trong bài thi cuối kỳ mà cả điểm kiểm tra trong kỳ. Điều đáng nói, những bảng điểm như thế này không phải là hiện tượng hiếm mà chiếm đại đa số. Có câu nói vui nhưng phản ánh rất đúng thực tế được nhiều phụ huynh nhắc đến là: Giờ tìm điểm khá và trung bình mới khó, chứ điểm giỏi thì phổ thông rồi!
Một trong những bảng điểm hoàn hảo |
Ở bậc tiểu học, các môn học ít và nhẹ, điểm cao còn là điều dễ hiểu. Ở cấp THCS và THPT, kiến thức nặng và nhiều môn vậy mà bảng điểm của học sinh vẫn rất cao. Học trò giờ quá giỏi hay cách chấm điểm, ra đề thi có vấn đề?
Những bảng điểm quá cao như vậy vô tình thành rào cản tâm lý và áp lực cho những học sinh có điểm khá và trung bình. Và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cha mẹ, đến chiến lược hay tài chính giành cho con trong nhiều gia đình. Cuộc chạy đua về điểm số hay chuyện học thêm, dạy thêm có lẽ một phần cũng vì điểm số, vì sự khoa trương, ưa thành tích này chăng?
Điểm số là một phần thước đo nỗ lực của học sinh nhưng điểm số cũng chính là nguồn cội cho những bất ổn trong trường học. Vì lẽ đó mà ở nhiều nước, thay vì dùng bảng điểm, nhà trường đã đánh giá học sinh qua nhiều yếu tố. Canada là một ví dụ.
Khi theo học trường công lập, học sinh cấp 1 sẽ có “hồ sơ” riêng và được áp dụng hệ thống đánh giá liên tục theo suốt quá trình học từ lớp một. Cách đánh giá học sinh của Canada khác nhau ở từng bang. Chẳng hạn, Saskatchewan sử dụng A+, A, B, C và Fail (điểm trượt), trong khi Ontario áp dụng A, B, C, D, R, F.
Điểm phụ thuộc vào một loạt tiêu chí như kết quả bài kiểm tra trong suốt năm, sự tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp, hoàn thành bài tập về nhà… Học sinh nhận báo cáo học tập với điểm số mỗi môn học ít nhất hai lần mỗi năm (có một số nơi lên đến sáu lần một năm).
Điều đặc biệt, tại Canada, những thông tin cá nhân của học sinh chỉ có học sinh đó và nhà trường được biết. Không có gọi điểm cả lớp sau giờ kiểm tra; không có bảng xếp thứ hàng tháng photo thành nhiều bản gửi cho phụ huynh cả lớp; không có bàn tán. Ở Canada, không có sự so sánh giữa các học sinh.
Người Phần Lan có câu nói: “Nếu phải chọn lựa giữa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống hay cho những kỳ thi, tôi chọn điều thứ nhất”. Đó là lý do không có kỳ thi nào trong những trường học tiểu học ở Phần Lan. Giáo viên sẽ tự quyết định thời điểm tiến hành các bài kiểm tra. Chỉ có một kỳ thi duy nhất là bài thi viết để xét tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học. Không có một lớp ôn luyện nào trước kỳ thi.
Sau khi tốt nghiệp, trẻ em Phần Lan sẽ biết cách trả tiền thuế, lập trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hoặc vẽ bản đồ. Giáo dục tiểu học ở Phần Lan rất ít áp lực học tập cho học sinh, không thúc đẩy để các em trở thành người giỏi nhất, mà chỉ muốn trẻ tiếp cận giáo dục theo cách riêng của từng em.
Trẻ em ở Phần Lan đi học muộn hơn hầu hết các nước khác và có rất nhiều hoạt động chân tay trong lớp học như vẽ, chơi nhạc, nặn đất sét. Sự hợp tác, làm việc nhóm cũng được đề cao khi học tập chứ không phải là sự cạnh tranh. Cách giáo dục này dường như giúp trẻ em yêu thích học tập hơn, thay vì áp lực thi cử và điểm số.
Tác giả: Vũ Thu Hương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn