Kinh tế

Bị thuốc trừ sâu Trung Quốc chèn ép, doanh nghiệp Việt vẫn kiếm nghìn tỷ

Với quy mô thị trường lên tới trên 50.000 tấn một năm, thuốc bảo vệ thực vật đang là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp nội, ngoại đánh chiếm.

Thị trường thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam từ lâu bị chi phối bởi các sản phẩm nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi 140 triệu USD (hơn 3.080 tỷ đồng) nhập khẩu thuốc trừ sâu từ thị trường này, tương đương hơn 616 tỷ đồng mỗi tháng.

Chỉ riêng trong tháng 5, số tiền chi để nhập nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc đã lên tới 27 triệu USD. Đây là một trong 10 mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc trong tháng 5 năm nay.

Không những vậy, thống kê của Tổng cục Hải Quan 3 năm gần đây cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam dành ít nhất hàng trăm triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc, trong đó năm 2014 là 411 triệu, năm 2015 là 376 triệu USD.

Thị trường thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá là màu mỡ nhưng cũng rất cạnh tranh.


Với lượng nhập khẩu hóa chất cùng với thuốc trừ sâu Trung Quốc lớn đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt đứng trước nhiều thách thức. Theo các doanh nghiệp trong nước, hiện tượng thuốc Trung Quốc nhập lậu ngày càng tràn lan, cộng với giá thành hấp dẫn đang ngày một tạo sức ép lên sản phẩm Việt. Tuy nhiên, thị trường thuốc bảo vệ thực vật vẫn rất màu mỡ, giúp nhiều đơn vị “ăn nên làm ra”, nhất là trong năm 2015.

Điển hình nhất là Tập đoàn Lộc Trời. Báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, dù 2015 là một năm khó khăn đối với ngành nông nghiệp do hạn mặn diễn ra ở nhiều nơi khiến diện tích canh tác giảm; nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật đi xuống... nhưng hoạt động kinh doanh của công ty vẫn rất ấn tượng. Đáng chú ý là doanh thu từ bán thuốc bảo vệ thực vật rất “khủng”.

Cụ thể, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 7.856 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 319 tỷ. Trong đó, doanh thu từ bán thuốc trừ sâu đạt 4.170 tỷ đồng, ngành giống đạt 748 tỷ, lương thực 2.915 tỷ, bao bì là 127 tỷ đồng. Như vậy trung bình mỗi tháng, công ty nay thu 347,5 tỷ đồng từ mảng thuốc trừ sâu.

Năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu 9.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 425 tỷ, lần lượt tăng 19,5% và 33% so với năm 2015. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu chuyên nghiệp hóa các hoạt động quản trị, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, phấn đấu đạt mức doanh thu một tỷ USD trong giai đoạn 2016-2021.

Tập đoàn Lộc Trời trước đây là Công ty bảo vệ thực vật An Giang được thành lập vào năm 1993, vốn kinh doanh ban đầu chỉ 750 triệu đồng và 23 nhân viên, chuyên cung ứng thuốc bảo vệ thực vật. Năm 1996, công ty bước vào lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống, đặc biệt là về lúa giống, trước khi chính thức đổi tên thành Lộc Trời hồi năm ngoái.

Một ví dụ khác là Công ty cổ phần Nông dược HAI mỗi năm cũng thu hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Theo báo cáo hợp nhất có kiểm toán 2015, doanh thu đạt 1.819 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 96,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 64,3% và 50,2% so với cùng kỳ 2014. Hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng chiếm trên 65% tổng doanh thu. Theo đó, trong 2015, riêng doanh thu của thuốc trừ sâu, thuốc kích thích và nguyên liệu lên trên 1.200 tỷ đồng.

Cũng có kết quả kinh doanh khá tốt, báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của Công ty cổ phần bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC) cho thấy, doanh thu đạt 894 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 36,7 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2014. Như vậy, mỗi tháng công ty thu 3 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh thuốc trừ sâu, hóa chất và phân bón.

Tính đến ngày 31/12/2015, tổng nguồn vốn công ty đạt 553 tỷ đồng, nợ phải trả là 384 tỷ đồng nhưng đa phần là nợ ngắn hạn mà người bán trả trước và nợ khách hàng… Lãi cơ bản trên cổ phiếu của SPC đạt 2.662 đồng. Công ty cũng sử dụng đồng vốn của cổ đông khá hiệu quả khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 đạt 16,67% .

Bên cạnh doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp, các nhà sản xuất nguyên liệu là hóa chất phục vụ cho hoạt động chế biến cũng đạt doanh thu hàng trăm tỷ. Chẳng hạn như Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí 2015 thu về 271,4 tỷ đồng từ bán amoniac; Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đạt 112,7 tỷ đồng doanh thu cũng từ hoá chất này…

Chính vì mức lợi nhuận hấp dẫn, thời gian gần đây, không chỉ doanh nghiệp nội tham gia kinh doanh thuốc trừ sâu, thị trường còn xuất hiện thêm khá nhiều công ty nước ngoài nhảy vào thị trường 50.000 tấn một năm này. Đặc biệt, một số công ty thâm nhập vào thị trường thông qua việc cung cấp phân bón và giống cây trồng cho người dân. Gần đây nhất là hai công ty của Mỹ và Thụy Sĩ. Họ đã bắt đầu cung cấp giống, bán phân bón và thuốc trừ cỏ cho nông dân Việt từ đầu 2016.

Dự báo về tình hình kinh doanh của lĩnh vực này trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng dù "mảnh đất" với các doanh nghiệp vẫn còn khá màu mỡ, cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt với sự xâm nhập của các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Số liệu thống kê lượng thuốc trừ sâu nhập từ Trung Quốc vào thị trường nội địa mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Thực tế, lượng hàng tuồn vào thị trường nội địa còn lớn gấp nhiều lần, thông qua các con đường tiểu ngạch mà các cơ quan chức năng chưa thể quản lý được.

Tác giả bài viết: Hồng Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP