Mường Lống là bản người Mông vùng biên của xã Tri Lễ (Quế Phong), cách trung tâm xã 18km, trung tâm huyện khoảng 26km. Bản có 117 hộ với 366 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, săn bắt hái lượm lâm sản.
Đường giao thông hiểm trở, khó khăn nên bao năm qua, cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn về mọi mặt.
Trong giá rét, bà con bản Mường Lống vừa ngồi bên đống lửa sưởi, vừa vui mừng nối điện thoại thăm hỏi người thân. Ảnh: Hùng Cường |
Đây cũng là nơi đứng chân của ngôi trường Tiểu học Tri Lễ 4 "nổi tiếng" với rất nhiều cái “không” như: không có giáo viên nữ, không điện lưới, không đường ô tô, không sóng điện thoại, không sóng truyền hình ...
Ngôi trường và 47 thầy giáo ở đây đã được Đài Truyền hình Việt nam VTV vinh danh Ấn tượng năm 2017, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua năm 2017, có giáo viên giỏi được TW Hội LHTN Việt Nam tặng Bằng khen.
Những khó khăn ấy, mà đặc biệt là việc chưa phủ sóng điện thoại khiến Mường Lống trở thành một "ốc đảo" biệt lập với bên ngoài. Chính vì thế, sự kiện phủ sóng điện thoại vào ngày 12/1 thực sự là một dấu ấn lớn trong đời sống đồng bào, chiến sỹ và cán bộ giáo viên nơi đây.
Giấc mơ bao nhiêu năm nay giờ đã trở thành hiện thực.
Người dân háo hức giúp Viettel gùi các thiết bị lên đồi. Ảnh: Hùng Cường |
Khi nghe thông báo sẽ phủ sóng điện thoại, tất cả mọi người đều vỡ òa niềm vui. Việc thuận tiện trong liên lạc sẽ giúp khoảng cách giữa bản làng heo hút nơi biên giới này với những địa phương khác sẽ không còn nữa...
Người dân hỗ trợ cán bộ kĩ thuật của Viettel đẩy nhanh tiến độ thi công trạm phát sóng. Ảnh: Hùng Cường |
Ông Trần Văn Hồ - Giám đốc Viettel Quế Phong cho biết: Thời gian đơn vị xây dựng trạm tiếp sóng gần 1 tháng. Thuận lợi là được bà con, chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện tạo điều kiện trong quá trình xây dựng trạm. Còn khó khăn thì do thời tiết mưa nhiều ngày nên chậm tiến độ so với kế hoạch khoảng 8 ngày. Và việc vận chuyển nguyên vật liệu và phương tiện kỹ thuật lên đây khá vất vả.
Mường Lống sẽ không còn là "ốc đảo" khi được phủ sóng di động. Ảnh: Hùng Cường |
Về kinh phí, đơn vị cũng xác định đây là trạm hoàn toàn phục vụ bà con Mường Lống nên chi phí xây dựng, vận hành hàng tháng rất tốn kém, thu không thể bù chi. Trạm được tiếp phát sóng trên nền 2G nên cơ bản là để nghe gọi, nhắn tin truyền thống, việc gửi hình ảnh, thư điện tử, lướt mạng cũng được nhưng rất chậm vì được vận hành bằng Visat. Tuy nhiên, đây cũng là một dấu ấn quan trọng của vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Tác giả: Hùng Cường
Nguồn tin: Báo Nghệ An