Trong nước

Bà Nhàn AIC lấy tiền từ đâu để hối lộ?

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người thành lập "đế chế" AIC - trong quá trình phát triển đã tham gia và trúng thầu cung cấp thiết bị y tế, giáo dục khắp các địa phương.

Cơ quan điều tra thực hiện khám xét trụ sở Công ty AIC thời điểm công bố lệnh bắt bà Nhàn. - Ảnh: H.T.

Để dễ dàng trúng thầu, bà Nhàn không tiếc tay chi tiền thao túng lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.

Điểm xuất phát của dòng tiền hối lộ

Theo kết luận, Công ty AIC chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ một trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ Giao thông vận tải.

Bà Nhàn là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC - công ty có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 5 tỉ đồng, đến lần thay đổi thứ chín tăng lên 1.000 tỉ đồng.

Để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổng trị giá 665 tỉ đồng, bà Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo từ tỉnh ủy đến sở, ngành.

Cùng với đó, bà Nhàn còn thành lập ban thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương (hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) làm trưởng ban. Ban này có chức năng thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của cựu chủ tịch AIC.

Mọi việc thu chi đều được ghi chép vào sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không được hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC.

Kết quả điều tra cho thấy ban thư ký tài chính do bà Nhàn lập ra và trực tiếp chỉ đạo chính là điểm xuất phát của dòng tiền được lãnh đạo AIC mang đi hối lộ quan chức Đồng Nai. Nguồn tiền ban này có được là từ việc nâng khống giá thiết bị do các công ty sân sau chuyển về.

Từ năm 2011 - 2020, một số nhân viên của AIC đã nhận tiền từ quỹ của ban và chuyển đến tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh - nhân viên của một công ty khác do bà Nhàn lập ra và điều hành.

Mỗi lần nhận được chỉ đạo, Phương Anh rút tiền mặt để giao cho bà Nhàn và thuộc cấp mang đi "bôi trơn", chi "ngoại giao" cho các cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.

Với các cách thức trên, tại Đồng Nai, bà Nhàn đã hối lộ hơn 43 tỉ đồng cho bí thư, chủ tịch, giám đốc Sở Y tế và "biếu quà" 1 tỉ đồng cho giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư. Kết quả điều tra xác định toàn bộ số tiền này đều có nguồn gốc từ ban thư ký tài chính AIC.

Qua xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định Hoàng Thị Phương Anh có năm tài khoản tại ba ngân hàng. Từ năm 2011 - 2020, tổng số tiền các nhân viên ban thư ký tài chính đã chuyển vào ba tài khoản của Phương Anh là 464 tỉ đồng.

Hai tài khoản tại hai ngân hàng khác của Phương Anh được chuyển vào 31,5 tỉ đồng. Tổng số tiền các nhân viên của ban đã chuyển cho Phương Anh là 495,5 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ sao kê tài khoản tại các ngân hàng, trích xuất dữ liệu còn lưu trong USB cá nhân của nhân viên ban thư ký tài chính thể hiện số tiền bà Nhàn đã hối lộ ba cựu quan chức Đồng Nai.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai - Ảnh: ĐỨC TRONG

Điều tra AIC trúng thầu tại nhiều dự án có ngân sách trung ương

Theo kết luận, dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được trung ương bố trí vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và vốn Kho bạc Nhà nước (KBNN) với số tiền lớn, trong đó có việc bố trí nguồn vốn ngân sách ngoài kế hoạch vượt mức quy định.

Cụ thể, theo quy định dự án này được hỗ trợ vốn TPCP 30% của tổng mức đầu tư dự án, là gần 890 tỉ đồng. Tương ứng mức bố trí tối đa cho dự án này là hơn 266 tỉ đồng. Tuy nhiên dự án đã được bố trí hơn 336 tỉ, tức cao hơn khoảng 70 tỉ so với quy định.

Ngoài nguồn vốn bố trí trên, trong giai đoạn 2014 - 2015, Bộ Tài chính đã tạm ứng 500 tỉ đồng vốn KBNN cho ngân sách tỉnh Đồng Nai để bệnh viện thanh toán cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Toàn bộ số vốn ứng trước vốn TPCP và vốn KBNN đã được tỉnh Đồng Nai hoàn trả theo quy định.

Do Công ty AIC trúng thầu nhiều dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương nên để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các dự án có liên quan, C03 tách phần điều tra xác minh liên quan đến phân bổ, sử dụng, quyết toán nguồn vốn ngân sách trung ương để điều tra xác minh, làm rõ và xử lý sau.

Đồng thời, C03 cũng kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định. Bên cạnh đó, cần có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định của pháp luật.

Kê biên nhiều biệt thự, nhà đất của bà Nhàn

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, tuy nhiên cơ quan điều tra đã kịp thời phong tỏa hơn 100 tỉ đồng trong tài khoản của AIC và kê biên nhiều biệt thự, nhà đất đứng tên bà để đảm bảo thi hành án.

Thời điểm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã phong tỏa hơn 107 tỉ đồng là số dư trong bốn tài khoản ngân hàng. C03 đã ra lệnh kê biên đối với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 357m2 tại phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi biệt thự này bà Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên.

C03 cũng kê biên với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngôi biệt thự này đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Ngày 17-8-2022, C03 ra lệnh kê biên cùng lúc sáu căn hộ tại khu chung cư cao cấp Pacific Place trên phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong đó có bốn căn hộ liền nhau ở tầng 11 và hai căn hộ liền nhau ở tầng 17 của chung cư. Căn hộ diện tích nhỏ nhất là 67,8m2, căn hộ diện tích lớn nhất là 218,6m2. Cả sáu căn hộ này đều đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Tiếp đó, mới đây ngày 21-9, C03 đã ra lệnh kê biên đối với tài sản là một thửa đất diện tích hơn 4.000m2 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp cho Công ty AIC.

Tác giả: THÂN HOÀNG - TUYẾT MAI

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: AIC ,Bà Nhàn ,hối lộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP