Thế giới

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Làm đám cưới giả để lừa người thân 41 tỷ đồng

Một phụ nữ Trung Quốc dàn dựng đám cưới với người giả là doanh nhân bất động sản giàu có, để lừa đảo người thân mua bất động sản giá rẻ tổng số tiền 41 tỷ đồng.

Án Nước ngoài: Tổ chức lễ cưới giả để lừa tiền của người thân

Tháng 1, Đài truyền hình Thượng Hải đưa tin về câu chuyện gây chấn động mạng xã hội Trung Quốc, người phụ nữ họ Mạnh (40 tuổi) lập kế hoạch lừa đảo người thân 12 triệu Nhân dân tệ (41 tỷ đồng) khi công ty bất động sản nhỏ do kẻ này điều hành phá sản vào năm 2014.

Để thuyết phục người thân, nữ quái đề nghị một tài xế xe đóng giả làm doanh nhân bất động sản giàu có, dàn dựng một đám cưới giả. Người phụ nữ lấy lý do bị bố mẹ thúc ép cô kết hôn vì tuổi tác. Người tài xế họ Giang và đã có vợ. Tài xế này đã đồng ý và tổ chức đám cưới với thân phận khác.

Nữ quái kể với người thân rằng ông Giang chịu trách nhiệm xây dựng nhiều dự án bất động sản lớn và có mối quan hệ trong ngành giúp họ có thể mua được bất động sản mới với giá rẻ.

Sau đó, nữ quái mua một căn hộ nhỏ trị giá 1 triệu Nhân dân tệ (3,4 tỷ đồng) và bán lại cho anh họ với một nửa giá. Nữ quái cũng dẫn người thân đến phòng trưng bày của các khu dân cư mới và nói với họ rằng cô có thể giảm giá 5.000 Nhân dân tệ (17 triệu đồng) cho mỗi mét vuông, rẻ hơn khoảng 20% so với giá ban đầu.

Có ít nhất 5 người thân được cho là đã rơi vào bẫy của nữ quái và đưa cho cô một khoản tiền lớn để mua căn hộ. Một số thậm chí còn bán căn hộ họ đang sống để đổi lấy một căn hộ tốt hơn.

Lúc đầu, nữ quái họ Mạnh trì hoãn trong nhiều năm và nói rằng phải mất thời gian để sắp xếp việc giảm giá. Vào khoảng năm 2018 và 2019, kẻ này đã thuê căn hộ cho những người họ hàng đó và nói dối rằng đó là những bất động sản mà họ đã mua.

Cô không đưa cho họ giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản với lý do tạm thời không thể xin được giấy chứng nhận đối với các bất động sản được giảm giá. Chỉ đến khi một trong những nạn nhân nhận ra có điều gì đó không ổn và đi kiểm tra với chủ đầu tư bất động sản thì mới phát hiện căn hộ họ đang sống không phải là của mình.

Một nạn nhân khác, anh họ của nữ quái, thậm chí còn chi hơn 100.000 Nhân dân tệ (347 triệu đồng) để trang trí và sắm sửa đồ đạc cho một căn hộ thuê.

Với hành vi đã gây ra, tòa án đã tuyên án nữ quái họ Mạnh 12 năm 6 tháng tù vì tội Gian lận hợp đồng. Người chồng giả của cô bị kết án 6 năm tù vì là người ký hợp đồng cho thuê nhà với chủ sở hữu thực sự của căn hộ. Người anh họ của cô đã nói dối trước mặt những người họ hàng khác bị kết án 5 năm tù.

Tất cả những người liên quan đến đường dây này đều bị bắt giữ và sau đó bị phạt tù. (Ảnh: QQ.com)

Luật Việt Nam: Chiếm đoạt số tiền càng lớn, hình phạt đối diện càng cao

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và đời sống của nhân dân. Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước hết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.

Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể sử dụng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ, quyền hạn, giả danh cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…

Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Lưu ý, giá trị tài sản bị chiếm đoạt của tội Lừa đảo phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác lần đầu và chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự (tài sản bị lừa đảo có trị giá dưới 02 triệu, không phải phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội) thì bị phạt hành chính.

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ bị phạt hành chính từ 02 - 03 triệu đồng.

Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 04 - 06 triệu đồng theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144.

Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo,

Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Ở đây, nữ quái họ Mạnh đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) về những căn hộ mà cô ta sở hữu (thực chất là căn hộ cô ta thuê) khiến người thân của cô ta tin tưởng mà bỏ tiền ra mua. Bằng thủ đoạn của mình, người phụ nữ họ Mạnh đã khiến cho người thân của cô ta tin đó là thật và giao tài sản (tiền) cho cô ta, tổng cộng là 41 tỷ đồng. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc người phụ nữ họ Mạnh nhận được tiền mua nhà sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm người thân bị mắc lừa giao tiền cho cô ta.

Trong vụ án này, cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ vai trò của tài xế họ Giang. Nếu ông này biết rõ người phụ nữ họ Mạnh có hành vi lừa đảo nhưng vẫn giúp sức thì ông này sẽ bị coi là đồng phạm.

Mặt khác, mặc dù đã có vợ nhưng tài xế họ Giang vẫn đồng ý làm đám cưới với nữ quái. Việc tổ chức đám cưới giả là hành vi vi phạm đạo đức xã hội. Nếu ông Giang làm đám cưới giả với người phụ nữ họ Mạnh rồi về chung sống với nhau như vợ chồng thì cả hai có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tác giả: Ánh Dương (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP