Đẹp

Ám ảnh với béo, gầy, nhiều cô gái mắc chứng 'ăn vô độ tâm thần'

Sau khi nhịn ăn để giảm cân, nữ sinh bắt đầu rơi vào tình trạng thèm ăn vô độ, thường xuyên ăn uống không kiểm soát. Thế nhưng sau khi ăn cô lại hối hận, tìm cách giảm cân cực đoan như uống thuốc nhuận tràng, nhịn ăn.

ThS Vũ Tùng Sơn và BS Nguyễn Kim Anh, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về bệnh ăn vô độ tâm thần - Ảnh: D.LIỄU

Ngày 20-5, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thông tin thời gian qua tiếp nhận một số bệnh nhân thăm khám và điều trị bệnh ăn vô độ tâm thần - một bệnh lý rối loạn ăn uống.

Ăn "sướng miệng" rồi hối hận, tìm cách giảm cực đoan

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh, phó phòng điều trị rối loạn cảm xúc và ăn uống Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay mới đây bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ sinh 20 tuổi mắc chứng ăn vô độ tâm thần.

Theo chia sẻ của nữ sinh, vào năm cuối lớp 12 có yêu một người bạn trai nhưng bị từ chối vì bị chê béo. Lúc này nữ sinh cao 1,55m và nặng 50kg, chỉ số BMI hoàn toàn bình thường. Từ khi bị bạn trai từ chối, nữ sinh đã tìm mọi cách để thay đổi bản thân.

Khi vào đại học, nữ sinh giảm cân, chỉ duy trì 2 bữa/ngày. Sau 6-7 tháng, nữ sinh đã sụt giảm 8kg. Lúc này, nữ sinh lại cảm thấy hình thể gầy và nhận thấy chế độ ăn không phù hợp nên đã ăn nhiều hơn và thích ăn thức ăn giàu năng lượng.

Bác sĩ Kim Anh cho biết số lượng cơn thèm ăn của nữ sinh này ngày càng tăng lên và cô gái tìm mọi cách để ăn được nhiều. Thế nhưng sau khi ăn xong, cô gái lại cảm thấy rất hối hận, day dứt.

Để giảm cân nhanh, cô dùng lượng lớn thuốc nhuận tràng để đưa thức ăn ra ngoài, nhịn ăn sau mỗi lần ăn nhiều. Bởi vậy, dù ăn nhiều nhưng cân nặng của cô gái vẫn trong giới hạn bình thường.

Tình trạng kéo dài suốt 8 tháng khiến nữ sinh mệt mỏi, không thể đi học, xuất hiện tình trạng bi quan, chán nản, ít tiếp xúc với mọi người, không hứng thú, cáu gắt, kết quả học tập kém và được người nhà đưa tới bệnh viện khám.

"Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán nữ sinh mắc bệnh ăn vô độ tâm thần. Người bệnh được sử dụng thuốc chống trầm cảm, điều trị nội trú một tháng đã giảm các cơn ăn uống. Sau hai tháng điều trị bệnh nhân hết cơn thèm ăn, cảm xúc ổn định", bác sĩ Kim Anh chia sẻ.

Một trường hợp khác, nữ sinh 15 tuổi, nặng 52kg, cao 1,60m nhưng luôn nghĩ mình quá béo. Cô nghĩ rằng hình thể phải như người mẫu thì mới là đẹp. Sau đó, cô tìm mọi cách để giảm cân. Sau khi giảm cân trong thời gian dài, cô bé cũng bắt đầu thèm ăn và ăn vô độ.

"Cô bé luôn nghĩ mình sẽ ăn cho "sướng miệng" một trận, rồi lại giảm cân. Cứ như vậy, nữ sinh này ăn vô độ, rồi lại giảm cân bằng cách gây nôn, nhịn ăn. Hành vi này tái diễn nhiều lần.

May mắn, bệnh nhân đến thăm khám ở giai đoạn đầu nên các bác sĩ đã dùng liệu pháp tâm lý điều chỉnh, định hướng lại hành vi ăn uống, giúp bạn kiểm soát được việc ăn uống của mình", bác sĩ Kim Anh chia sẻ.

Khi nào ăn uống vô độ là biểu hiện của bệnh tâm thần?

ThS Vũ Sơn Tùng (Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) giải thích rõ ăn vô độ tâm thần là tình trạng giai đoạn ăn vô độ tái diễn, người bệnh luôn có sự bận tâm quá mức tới cân nặng cơ thể.

"Dấu hiệu ăn vô độ tâm thần là khi người cơ thể bình thường hoặc cân nặng trên trung bình nhưng luôn nghĩ rằng mình béo; họ lặp đi lặp lại việc ăn uống vô độ và không thể ngừng ăn.

Họ tự tìm cách giảm cân cực đoan như tự gây nôn, tập thể dục quá mức, lạm dụng thuốc nhuận tràng, than phiền chán nản, bận tâm quá mức tới cơ thể. Cơ thể trong trạng thái mệt mỏi, ít năng lượng, thiếu tự tin về bản thân và ngoại hình, chán ghét bản thân; cảm giác muốn ăn nhiều, không kiểm soát được hành vi ăn uống", bác sĩ Tùng nêu.

Theo bác sĩ Tùng, bệnh hay gặp ở độ tuổi vị thành niên khởi phát trước tuổi dậy thì, rất hiếm gặp ở người trên 40 tuổi. Chủ yếu bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới với tỉ lệ 3/1.

Nguyên nhân gây ăn vô độ tâm thần có yếu tố di truyền. Nhưng nguyên nhân chủ yếu do vấn đề tâm lý xã hội như sang chấn tâm lý, bị miệt thị, bị áp lực quá lớn về vấn đề hình thể.

Người ăn vô độ nếu không được phát hiện sớm điều trị sẽ có những hậu quả nghiêm trọng như tổn thương viêm dạ dày, viêm dạ dày, đau họng do tự gây nôn.

Nặng hơn bệnh nhân có thể xuất huyết tiêu hóa, mất cân bằng điện giải, rối loạn nhịp tim, thiếu máu; rối loạn kinh nguyệt, chức năng tình dục. Thậm chí, bệnh nhân có thể mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, hành vi tự hủy hoại cơ thể, tự sát.

"Đáng nói, bệnh nhân ăn uống vô độ tâm thần thường đi khám tại khoa tiêu hóa, nội tiết, tai mũi họng do việc giảm cân cực đoan gây nên mà không biết căn nguyên của bệnh. Khi cơ thể tổn thương kèm theo rối loạn tâm thần, bệnh nhân mới đến khám tâm thần.

Đối với bệnh nhân ăn vô độ tâm thần, tình trạng nhẹ có thể chỉ cần điều trị tâm lý và khỏi hoàn toàn. Khi bệnh nhân nặng sẽ phải điều trị hóa dược và các tổn thương thực thể do bệnh gây ra", bác sĩ Tùng cho hay.

Tác giả: DƯƠNG LIỄU

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP