Xã hội

Ai chịu trách nhiệm việc bé Nô mất tích và bị sát hại?

Tôi không hiểu, chúng ta có cơ chế tìm kiếm trẻ em mất tích như người Nhật Bản không nhưng rõ ràng khi con em mình mất tích, chúng ta hầu như chỉ còn trông cậy vào… ý trời.

Khoảng thời gian này năm ngoái, nhà chức trách ở đảo Hokkaido (Nhật Bản) nhận được tin báo có một em bé 7 tuổi đi lạc trong rừng. Ngay lập tức một ủy ban tìm kiếm cứu nạn được triển khai bao gồm hàng nghìn người với chủ công là quân đội. Bảy ngày sau, điều kỳ diệu đã xảy ra.

Bé Yamato Tanooka được tìm thấy trong tình trạng sống sót sau gần một tuần giữa rừng sâu bằng cách trú ẩn trong một doanh trại quân đội và uống nước từ vòi tại đây để cầm cự.

Cậu bé chỉ được cứu khỏi khu rừng sau khi một binh sĩ tình cờ phát hiện ra em. Khi đó bé Yamato trông hơi mệt mỏi nhưng khỏe mạnh. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ xác nhận, em bị suy dinh dưỡng nhẹ và mất nước.

Đó là cách ứng phó của nhà chức trách nhiều nước khi được tin báo trẻ em mất tích.

Mong chờ ý trời?

Mấy hôm vừa qua, cộng đồng chia sẻ rất mạnh hình ảnh “Bé Nô mất tích”. Giống như nhiều vụ mất tích khác, rất bất ngờ và như một vết chém phang thẳng vào người thân, nỗi đau không bao giờ lành.

Hình ảnh tiếp theo mà tôi muốn nhắc lại là người cha đi tìm con mất tích suốt mấy năm nay và con vẫn biệt vô âm tín, người mẹ ở nhà khóc với những món đồ chơi quen thuộc của con.

Ngày 21/6/2015, anh Huynh đưa con trai út Lương Thế Vương về nhà cũ của gia đình nằm trong một rẫy cà phê cách nhà mới khoảng một cây số. Do cần đi ra vườn, anh Huynh để Vương tự chơi một mình trong nhà.

Lúc này, cổng và cửa nhà vẫn mở nhưng tầm nhìn bị khuất. 5 phút sau, anh nghe tiếng Vương gọi “bố ơi, bố ơi”. Nghĩ là mình đi lâu con gọi làm nũng nên anh chưa vào ngay mà làm cho xong việc. Chỉ một lát sau, tiếng con thét lên: “Bố ơi, cứu con với”.

Anh bỏ chậu cám đang cho cá ăn chạy vào thì không thấy con đâu. Anh sửa sang lại chiếc xe máy, in hình con kèm thông tin liên lạc dán khắp quanh xã, rồi lan dần sang các huyện lân cận. Không yên tâm, anh mang tờ rơi và ảnh con sang các tỉnh khu vực Tây Nguyên... Đến nay, việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả gì.

Người thân cháu Nô khóc ngất trước quan tài nạn nhân. Ảnh: Văn Được.

Tôi không hiểu, chúng ta có cơ chế tìm kiếm trẻ em mất tích như người Nhật không nhưng rõ ràng khi con em mình mất tích chúng ta hầu như chỉ còn trông cậy vào… ý trời.

Phát hiện bé bé Nô biến mất, gia đình báo công an, công an ra thông báo truy tìm trẻ bị bắt cóc và 5 ngày sau xác bé Nô tìm thấy cách nhà chỉ 1,5 km.

Nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân nhưng rõ ràng ở đây có sự thiếu hụt nào đó trong công việc tìm kiếm trẻ em mất tích.

Trẻ mất tích là một tình trạng khẩn cấp vì khi bị đi lạc hay tự rời đi hoặc bị bắt cóc, tính mạng và sự an toàn các em chỉ tính bằng giây. Những cuộc điều tra tìm kiếm theo kiểu thông báo như ta đã biết chỉ có tính chất ăn may.

Hãy thông báo đến nhà chức trách nơi gần nhất của bạn những thông tin dù nhỏ nhất liên quan đến việc bắt cóc trẻ em hoặc trẻ em vô thừa nhận. Điều đó có thể có ích cho gia đình những trẻ em bị bắt cóc và ngăn ngừa hiểm họa có thể đến với ngay gia đình chúng ta.

Ứng dụng tìm kiếm trẻ em mất tích

Nỗi đau của những bậc phụ huynh là như vậy, nhưng làm thế nào để hạn chế tình trạng trẻ em bị bắt cóc? Khi trẻ em bị mất tích việc phụ huynh tự đi tìm như hai trường hợp nêu trên rất khó có kết quả. Vậy vai trò của cộng đồng là gì?

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng tốt nhất là đừng để trẻ em rời xa bàn tay và tầm mắt của mình.

Chính phủ và luật pháp Việt Nam rất nghiêm khắc với tội phạm bắt cóc trẻ em nhưng như chúng ta thấy tội phạm này vẫn xảy ra. Như trên đã nói hãy thông báo đến nhà chức trách gần nhất bất cứ thông tin gì có liên quan đến bắt cóc trẻ em và trẻ em vô thừa nhận, trẻ em lạ mặt. Nghe qua thì đơn giản nhưng rất có ích, hàng nghìn vụ trẻ em mất tích, trẻ em bị bắt cóc trên thế giới đã tìm lại được nhờ những thông tin trách nhiệm như vậy từ công dân.

Cũng cần lưu ý rằng có những chia sẻ không chính xác trên mạng xã hội về tình trạng trẻ em bắt cóc gây hoang mang dư luận, làm khó cho cơ quan điều tra.

Nền tảng công nghệ thông tin và mạng xã hội cho phép triển khai nhiều ứng dụng hữu hiệu để tìm trẻ em mất tích.

Bộ An ninh Trung Quốc cho hay 611 trẻ em bị mất tích đã được tìm thấy trong năm 2016 nhờ sự hỗ trợ từ ứng dụng có tên Tuanyuan (Đoàn tựu). Ứng dụng này được phát triển bởi Alibaba, tập đoàn bán lẻ khổng lồ của tỷ phú Jack Ma, và triển khai từ hồi tháng 5/2016 cho phép các sĩ quan cảnh sát chia sẻ thông tin và phối hợp làm việc.

Người thân khóc ngất bên quan tài bé trai mất tích ở Quảng Bình Người thân, hàng xóm láng giềng đau buồn trước cái chết của bé Trần Trung Nghĩa.

Theo Tân Hoa Xã, ứng dụng này gửi đi các đoạn thông báo, gồm nhiều bức ảnh và mô tả nhận dạng tới người sử dụng ở gần khu vực nơi mà một đứa trẻ bị mất tích. Nếu đứa trẻ vẫn chưa được tìm thấy, các đoạn thông báo sẽ được gửi tới những người sử dụng ở khu vực xa hơn nữa để có kết quả.

Một phiên bản được cập nhật của ứng dụng trên ra mắt vào tháng 11/2016 đã giúp nó mở rộng được sự phối hợp giữa người dùng với các ứng dụng di động nổi tiếng khác.

Tôi mong muốn các nhà mạng Việt Nam, những bạn lập trình cùng suy nghĩ và cung cấp các phần mềm miễn phí để ngăn chặn tội ác và đem lại sự đoàn tụ cho những gia đình lâm vào hoàn cảnh này.

Các Facebooker dừng chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng về bắt cóc trẻ em, người dân hết sức bình tĩnh không manh động hành hung mà hãy thông báo cho cơ quan chức năng khi có dấu hiệu bắt cóc trẻ em.

Chúng tôi cũng tha thiết đề nghị việc thành lập các trung tâm tìm kiếm trẻ em mất tích để có thể huy động việc tìm kiếm như là tình trạng khẩn cấp vì như trên đã nêu thời gian đầu tiên khi trẻ bị mất tích là rất quan trọng với sự an toàn của trẻ.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP