Xã hội

Thầy thuốc mang quân hàm xanh

Được luân chuyển về Đồn biên phòng Na Loi, Kỳ Sơn và tiếp nhận trạm quân dân y kết hợp , dân bản các xã vùng biên xa xôi này đã quen với gương mặt hiền từ, giọng nói ấm áp của thầy thuốc “mặc áo xanh” – thượng úy Chế Đình Trung.


Khám bệnh miễn phí cho bà con dân bản

Nghĩa tình trạm quân dân y kết hợp

Con đường đất nằm vắt ngang lưng núi, nếu không để ý, chẳng mấy ai đi qua kịp nhìn kỹ cái biển “Trạm quân dân y kết hợp Đồn biên phòng Na Loi” đóng tại xã Na Loi, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An.

Đang lúi húi ngoài vườn thuốc, Thượng úy Chế Đình Trung chia sẻ:“Dịp này đang là mùa khô, thời tiết giá lạnh, đêm và sáng sớm sương mù nhiều, ngày lại nắng, các cây thuốc nam trong vườn rất dễ chết, nên mình phải thường xuyên ra kiểm tra”. Nói rồi, thượng úy Trung mời mời chúng tôi vào thăm trạm quân dân y được dựng bằng gỗ, gồm 4 phòng nằm trên lưng đồi. nơi anh được giao trách nhiệm khám chữa bệnh cho người dân trong bản.

Sinh 1970, tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc, Nghệ An), lớn lên, Chế Đình Trung nhập ngũ vào vào bộ đội biên phòng với ước mơ làm "Bộ đội Cụ Hồ". Ngày ấy, anh được huấn luyện tại Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1995, sau đó được cấp trên cử đi học quân y, rồi bắt đầu nghiệp y sĩ mang quân hàm xanh qua những vùng biên, vùng khó khăn của tỉnh.

Cách đây 6 năm, thượng úy Chế Đình Trung được luân chuyển đến đồn biên phòng Na Loi, phụ trách trạm quân dân y cho bà con dân bản các xã tận cùng huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An. Anh chia sẻ: Càng đi và khám chữa bệnh cho bà con, càng thấu hiểu và thương cuộc sống vất vả, thiếu thốn, còn lạc hậu của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Và từ đó, thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn.

Thượng úy Chế Đình Trung kể lại những ca cấp cứu chỉ có thể xảy ra ở nơi tận cùng xứ Nghệ An. Năm ngoái, có trường hợp cháu gái học lớp 8, người Mông, ở xã Đoọc Mạy, tự tử vì bị gia đình ngăn cấm chuyện… tình yêu. Khi gia đình đưa đến thì đã mê man, nhưng vẫn nói được nguyên nhân do “ăn là ngón”. Người bệnh cần phải cấp cứu ngay, nếu độc phát tán sẽ hoại tử đường ruột.

Trong khi phương tiện máy móc của trạm quân dân y thô sơ, không súc ruột được. Anh Trung đã tìm mọi cách gây nôn cho bệnh nhân, đồng thời cắm dịch truyền thải độc ở “cả 2 tay lẫn 2 chân”. Truyền liên tục từ 3h chiều đến 8h tối, đo huyết áp thấy đã ổn định, cháu gái cũng đã tỉnh lại, lúc đó cả bác sĩ, cả người nhà cùng thở phào nhẹ nhõm.

Không chỉ khám chữa bệnh tại trạm, cứ ở đâu có người gọi, là anh lại xách túi thuốc lặn lội đến tận nhà. Có hôm mới 4h sáng, trời mùa đông, có người gọi cửa báo trưởng bản Na Loi bị tai biến mạch máu não, anh vội đến nhà, đồng thời gọi điện cho xe cấp cứu từ thị trấn Mường Xén đi vào. Lúc ấy đo huyết áp bệnh nhân đã về 0, anh phải giữ người bệnh nằm yên, tiêm trợ sức, theo dõi cầm cự đến sáng, xe cấp cứu vào đến nơi thì hộ tống đi bệnh viện. Bệnh nhân kịp được cứu sống, và bây giờ đã “đi rẫy được rồi.

"Ở đây, đường sá xa xôi, nơi gần nhất ra trung tâm huyện cũng hơn 20km, chưa kể đến những bản xa cách hàng 60, 70km. Trời nắng ráo còn đỡ, chứ mùa mưa, đường đất sục lên quá gối, di chuyển được ra ngoài thị trấn Mường Xén, cũng mất 3, 4 tiếng đồng hồ. Vì thế, mình càng phải giúp bà con dân bản”, thượng úy Chế Đình Trung tâm sự.


Trạm quân dân y kết hợp, Đồn biên phòng Na Loi, Kỳ Sơn, Nghệ An nằm trên lưng chừng núi.

Học chữa bệnh từ dân

Ở trạm quân dân y này, thượng úy Chế Đình Trung chữa bệnh bằng cả Đông Tây y kết hợp. “Thời tiết ở đây khắc nghiệt, bà con rất hay mắc bệnh về xương khớp, nên việc châm cứu rất hữu ích. Ngoài ra, chúng tôi khám chữa bệnh, phát thuốc cho bà con. Trường hợp nặng thì chuyển lên tuyến trên. Đồng thời, phối hợp với trạm xá xã Na Loi trong các đợt tiêm phòng cho trẻ em, kiểm soát, ngăn ngừa dịch bênh…”

Để có thể cứu chữa được cho nhiều bà con dân bản hơn nữa, anh thường xuyên đọc thêm sách vở, gọi điện cho các đồng nghiệp để chia sẻ thêm kinh nghiệm chuyên môn. Liên hệ với bệnh viện tuyến huyện, tỉnh để được giúp đỡ về phương tiện chở bệnh nhân khi gặp những ca cấp cứu hiểm nghèo. Anh còn mày mò tự học tiếng Thái, tiếng Mông để có thể giao tiếp cơ bản và khám chữa bệnh cho bà con.

Chính từ sự quan tâm, chăm sóc ân cần ấy nhiệt tình ấy, mà anh đã tạo được niềm tin và tình cảm sâu sắc của người dân nghèo nơi biên giới xa xôi này. “Tây y thì không nói, nhưng Đông y, chính bản thân tôi học được rất nhiều từ bà con. Những bài thuốc dân gian, thuốc từ lá, rễ cây có thể kiếm được trên rừng, trên rẫy là do một số bà con “bí truyền” cho anh bộ đội Trung.

“Về đây, tôi còn được 1 người dân truyền cho bài thuốc trị rắn độc cắn. chỉ cho loại cây chữa rắn độc cắn, tiếng thái gọi là cây “mặc păng”. Khi bị rắn độc cắn, người bị thương nằm yên, không được di chuyển, sau đó lấy lá cây này cho nhai, nuốt lấy nước, rồi lấy bã đắp lên vết thương, sau mấy ngày là khỏi. Đây là bài thuốc “bí truyền” của gia đình, họ quý lắm mới cho mình biết, chứ họ không nói cho ai biết đâu”, thượng úy Trung chia sẻ.

Anh cũng đã tranh thủ thời gian tìm các cây thuốc về trồng. Hiện nay, vườn thuốc đông y của trạm có khoảng 10 nhóm thuốc: cảm cúm, tiêu hóa, thần kinh, xương khớp, rắn cắn, thuốc bổ…

Đang ngồi trò chuyện thì một phụ nữ địu theo cháu đến trạm “nhờ anh Trung coi cho cái lưng mấy bữa ni đau quá”. Bà là Lô Thi Tuyết (49 tuổi) người dân tộc Thái, bản Na Khướng, Na Loi, Kỳ Sơn: “Ở đây, anh Trung như là người nhà của dân bản rồi. Khi mô thấy đau trong người, không biết kêu ai, thì lại tìm đến bộ đội Trung, nhờ anh khám, rồi phát thuốc cho về nhà uống”.

Người vùng cao vốn thật thà, ít nói, “không biết cách thể hiện tình cảm như người dưới xuôi”, nhưng nếu đã yêu quý ai, thì hết lòng hết dạ. Cái sự yêu quý đó, nhiều khi chỉ là những cử chỉ hết sức đơn giản nhưng khiến người quân y xúc động vô cùng.

“Dân bản ở đây còn nghèo lắm, khi mình chữa bệnh cho bà con dân bản, họ chỉ biết nắm tay cảm ơn. Nhưng sau đó, cứ có gì lại mang sang cho, khi thì củ khoai, củ sắn, khi thì gói xôi. Nhiều khi mang đến cho mà không dám đưa, cứ giấu giấu sau lưng, rồi lén đặt ở trạm, khiến mình nghĩ lại vừa xúc động, vừa bật cười”, thượng úy Trung kể.

Không chỉ khám và điều trị bệnh cho bà con dân bản, anh còn kết hợp tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phổ biến cho người dân biết các chương trình y tế quốc gia như: HIV/AIDS; Dân số gia đình và trẻ em; phòng, chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng; giúp bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, vận động các cháu đến trường…

Điều mà thượng úy Chế Đình Trung, cũng như những quân y khác và tập thể đồn biên phòng Na Loi băn khoăn nhất là đời sống người dân còn nghèo, vất vả, số trẻ em suy dinh dưỡng còn nhiều. Trạm quân dân y kết hợp còn thô sơ, không đủ điều kiện phương tiện, thuốc men cho bà con. “Tuy nhiên, chúng tôi được thông báo thời gian tới trạm sẽ được nâng cấp lên thành phòng khám của khu vực 3 xã tuyến Na loi, Độc Mạy, Keng Đu huyện Kỳ Sơn. Hi vọng rằng lúc đó, chúng tôi sẽ phục vụ được bà con tốt hơn nữa”.

Trung tá Hoàng Nghĩa Quân, Đồn trưởng cho biết: “Trạm quân dân y kết hợp phục vụ khám, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho bà con dân bản. Hằng năm, Đồn biên phòng được cấp phát một lượng thuốc men nhất định, chúng tôi đã trích ra cho Trạm quân dân y kết hợp, để phục vụ miễn phí cho bà con. Tuy nhiên số thuốc này cũng có hạn. Ngoài ra có những loại thuốc bệnh nhân cần chúng tôi không có. Những lúc như thế, hoặc quân y sẽ kê đơn cho người dân ra ngoài mua, hoặc bà con không có phương tiện đi lại, có thể nhờ bộ đội mua giúp”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP