► Vụ thu 2 triệu/máy gặt ở Nghệ An: Cần điều tra nếu có dân xã hội đen bảo kê?
► Nghệ An: Huyện Yên Thành trả lại dân tiền thu sai
► Nghệ An: Nhiều chủ máy gặt “méo mặt” vì bị… công an xã thu tiền “bảo kê”?
Chính quyền tự ý làm hợp đồng
Trước đó báo điện tử Dân trí đã có bài viết: “Nhiều chủ máy gặt “méo mặt” vì bị… công an xã thu tiền “bảo kê”? Trong đó bài viết phản ánh nội dung: Để được hoạt động yên ổn trên địa bàn xã, các chủ máy gặt phải ký vào bản cam kết và đóng số tiền cho công an lên tới 2 triệu đồng. Vấn đề này đang diễn ra tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Trước vụ thu hoạch UBND thị trấn Yên Thành đã gửi giấy mời đến những hộ gia đình có máy gặt để "họp" thống nhất các nội dung liên quan đến việc "thu hoạch".
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, UBND huyện Yên Thành đã ra Văn bản hỏa tốc số 857/UBND - VP, ngày 6/9 về việc xử lý thông tin báo Dân trí phản ánh. Chỉ đạo và yêu cầu: UBND xã Bắc Thành tiến hành kiểm tra báo cáo nội dung vụ việc cho UBND huyện trước ngày 8/9.
Mặc dù vấn này đã được báo chí, dư luận quan tâm trong thời gian qua nhưng tình trạng không hề lắng xuống mà còn “leo thang” mở rộng ra nhiều địa bàn trên toàn huyện Yên Thành như: UBND Thị Trấn, xã Nhân Thành, Long Thành...
Ông Phan Doãn Hữu chủ tịch Thị Trấn khẳng định việc làm của chính quyền là hoàn toàn đúng và sẽ chịu trách nhiệm trước vấn đề này.
Theo đó nhiều chủ máy gặt ở xã Bắc Thành phản ánh khi đến gặt lúa tại địa bàn xã này đã phải ký vào bản cam kết do công an xã này lập ra đồng thời nộp phí 2 triệu đồng để được đảm bảo về an ninh trong quá trình gặt. Tính ra, UBND xã Bắc Thành đã được 42 triệu đồng.
Một chủ máy gặt dấu tên cho hay: “Tôi và nhiều người đã phải đóng phí 2 triệu đồng mới được gặt lúa. Công an thu mà không có hóa đơn chứng từ nào cả, hỏi thì họ nói là để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự khi có máy gặt về hoạt động”?
Theo lý giải của lãnh đạo xã này, việc thu khoản phí 2 triệu đồng là để đảm bảo an toàn trên địa bàn, một phần bồi dưỡng cho anh em công an, một phần giành cho việc tu sửa các con đường nội đồng.
Chính quyền các địa phương tự ý làm những "hợp đồng" trái luật như thế này với các chủ máy gặt.
Trong ngày 7-8/9, PV Dân trí đã có mặt tại nhiều địa phương để nắm bắt tình trạng này. Theo ghi nhận, tại xã Nhân Thành, nhiều chủ máy gặt cũng đã phải đóng khoản phí 1 triệu đồng để được vào gặt tại xã này. Chưa kể, họ còn phải đặt cọc 2 triệu đồng để làm “tin” phòng khi trong quá trình gặt lúa gây hư hỏng đường, cống.
Ông Nguyễn Thọ Tuy - Chủ tịch UBND xã Nhân Thành thừa nhận: Xã đã thu được 27 triệu đồng. Số tiền phí 1 triệu là để trích một phần về các xóm, cho anh em làm nhiệm vụ, lấy kinh phí cho HTX hoạt động. Còn số tiền cọc 2 triệu đồng là một cách để giữ máy tránh phá hợp đồng, gặt xong sẽ trả lại. Ông Tuy cũng cho biết thêm việc làm này là chủ trương của UBND xã và giao cho HTX làm, xã cũng đã xin và được UBND huyện đồng ý.
Để yên ổn đi gặt thuê một chủ máy đã phải đặt cọc số tiền 2 triệu đồng cho địa phương.
Cũng chung nỗi khổ này tại các địa phương khác như thị trấn Yên Thành, Hoa Thành, Long Thành... cũng đã phải nộp tiền đặt cọc hàng triệu đồng thì mới được vào gặt.
Khi PV hỏi: Việc thu khoản phí, tiền đặt cọc đối với các chủ máy gặt là đúng hay sai, ai cho chủ trương? Ông Phan Doãn Hữu - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành khẳng định: “Đây là chủ trương đúng do xã ban hành và tôi sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này”.
Phải chăng đây là đường dây ‘bảo kê” có tổ chức?
Khi trực tiếp tiếp xúc và làm việc tại các địa phương, chúng tôi được chính lãnh đạo các đơn vị thừa nhận là đang có chuyện xã hội đen “bảo kê máy”, “cò máy gặt”... kiếm lời trên mồ hôi, công sức của người nông dân.
Ông Nguyễn Thọ Tuy chủ tịch UBND xã Nhân Thành đã thừa nhận việc làm là sai nhưng "có lợi" cho dân.
Các địa phương mà chúng tôi trực tiếp về làm việc cũng đã thú nhận: Nếu không thu tiền đặt cọc, tiền phí thì nạn “cò” hợp đồng với các chủ máy gặt sẽ lộng hành hơn nữa, sẽ làm khổ dân.
Ông Phan Doãn Hữu - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành còn chứng minh: Vụ xuân vừa rồi, các chủ máy gặt về lấy giá 120 ngàn đồng/sào nhưng sau đó có "cò" vào nên đã đẩy giá lên 180-200 ngàn đồng/sào, nên ông đã quyết định ký hợp đồng với 2 chủ máy đó là ông Phan Đăng Cần và ông Tiến còn các máy khác về trên địa bàn không được phép hoạt động vì sợ xảy ra tranh chấp.
Trên địa bàn huyện Yên Thành nhiều địa phương đã ngang nhiên làm trái luật khi yêu cầu các chủ máy gặt đặt cọc hoặc thu nhưng khoản phí trái luật. Những chủ máy đã phải đóng khoản phí phi lý này để được yên ổn làm ăn.
Còn ông Hoàng Văn Lý - Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành cho biết: “Vừa rồi có mấy cá nhân bảo kê đẩy giá máy gặt lên cao, dân phản ứng dữ dội nên xã buộc phải mời công an huyện về dẹp thì mới yên”.
Trước vấn nạn này, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Vương Ngọc cho biết: “Việc đưa máy gặt vào trong sản xuất là đương nhiên và là một khâu của quá trình sản xuất nên không tránh khỏi những hệ lụy xảy ra. Vấn đề khó nhất là kiểm soát, ngăn chặn tiêu cực thế nào. Huyện không có chủ trương cho các xã thu tiền phí, các xã hợp đồng như thế là sai. UBND các xã là tổ chức chính trị xã hội chứ không phải tổ chức kinh tế xã hội nên không có chức năng hợp đồng kinh tế làm những việc này”.
Trước sự việc xảy ra như những ngày quá, phía UBND huyện xử lý như thế nào? Ông Ngọc nhấn mạnh: “Sẽ xử lý nghiêm túc không để tình trạng các xã tự ý ký hợp đồng để thu tiền vì điều này làm hoang mang cho người dân”.
Còn hiện tượng có "cò" bảo kê?. Ông Ngọc cho hay: “Từ đầu vụ đã giao cho công an huyện làm rõ các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý. Như năm ngoái đã xử lý một vụ “cò” lộng hành tại xã Bắc Thành. Hành động này chẳng khác nào ăn cướp”.
Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh tế ở địa phương để họ đứng ra đảm nhận việc hợp đồng gặt lúa cho dân thông qua UBND xã để tránh các hệ luỵ, tiêu cực xảy ra... Huyện sẽ cố gắng tìm phương pháp tốt nhất để có lợi cho bà con nhân dân.
Tác giả bài viết: Nhóm PVĐT