Kinh tế

800 tỷ đồng rót vào cảng Chu Lai

Tiếp tục mở các tuyến hàng hải quốc tế từ các cảng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản về trực tiếp cảng Chu Lai.

Ngày 6-8, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cho biết, sau gần 1 năm thi công, dự án mở rộng Cảng Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam) đã hoàn thành, nâng cao năng lực chuỗi dịch vụ logistics và hướng đến mục tiêu chiến lược xây dựng cảng Chu Lai thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Dự án mở rộng Cảng Chu Lai bao gồm các hạng mục: Mở rộng cầu cảng về phía thượng lưu; mở rộng và nâng cấp hệ thống kho bãi; hoàn thiện kết cấu hạ tầng…với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Nâng mức đầu tư xây dựng cảng Chu Lai từ năm 2010 đến nay lên gần 800 tỷ đồng.

Với 171m mở rộng thêm về phía thượng lưu, cầu cảng Chu Lai hiện có tổng chiều dài gần 500m, độ sâu trước bến là -9,5m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có tải trọng 20.000 tấn.

Cảng Chu Lai được chia làm 3 phân khu chức năng riêng biệt cho các loại hàng khác nhau, bao gồm: Hàng container, hàng rời tổng hợp và hàng lỏng, đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu và các doanh nghiệp trong khu vực khi đến cảng xếp dỡ, giao nhận hàng hóa.

Tiếp tục nạo vét đến độ sâu -12m để đón tàu có trọng tải 40.000 tấn sau năm 2020. Ảnh: LÊ PHI.

Bên cạnh hệ thống kho bãi là khu hậu cần vững chắc cho hàng hóa qua cảng, cảng Chu Lai còn đầu tư mua sắm các trang thiết bị xếp dỡ như: Cẩu hàng Liebherr, cẩu bánh lốp, xe nâng chụp, xe nâng Folk Lift với thiết bị bốc xếp hiện đại, đồng bộ, cùng với tàu lai dắt và trên 20 xe đầu kéo có công suất lớn… nhằm đảm bảo tối ưu hiệu quả hoạt động của cảng.

Bên cạnh phục vụ nhu cầu vận chuyển xe thành phẩm, vật tư, linh kiện phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Cảng Chu Lai còn cung cấp các dịch vụ lai dắt, cứu hộ; xếp dỡ hàng hóa, kiểm đếm, lưu kho; vận chuyển đường biển nội địa, giao nhận vận tải và đại lý tàu biển; dịch vụ cầu bến, cùng các dịch vụ tàu biển liên quan.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cảng Chu Lai đã tiếp nhận 150 lượt tàu cập cảng; thực hiện gần 200 lượt dịch vụ lai dắt tàu biển; xếp dỡ 23.000 lượt TEU container và 140.000 tấn hàng rời, tương đương 600.000 tấn hàng qua cảng. Trong đó, hàng container tăng 10% so với năm 2016.

Ông Trần Hữu Hoàng (Giám đốc Thaco Logistics kiêm Giám đốc Cảng Chu Lai) cho biết, trong tổng sản lượng hàng hóa qua cảng, hiện có 15% là hàng của hơn 50 doanh nghiệp bên ngoài, ngành hàng chủ yếu là lương thực, hàng nông sản, hạt nhựa, lốp xe, sơn, hóa chất, bình điện, hàng tiêu dùng.

Đối với vận tải biển, bên cạnh các tuyến vận tải nội địa, hiện có các tuyến vận tải 2 chiều Chu Lai - Fangcheng (Trung Quốc); Chu Lai - Incheon (Hàn Quốc). Thời gian tới sẽ tiếp tục mở các tuyến hàng hải quốc tế từ các cảng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản về trực tiếp cảng Chu Lai.

Mở ra cơ hội giao thương hàng hóa từ Khu kinh tế mở Chu Lai đến các cảng biển lớn trên thế giới và giảm chi phí vận chuyển cho các nhà đầu tư trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Giai đoạn 2018 - 2020, Cảng Chu Lai đề xuất tỉnh Quảng Nam hỗ trợ nạo vét tuyến luồng đến độ sâu -10,7 m để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 tấn vào năm 2019, và tiếp tục nạo vét đến độ sâu -12m để đón tàu có trọng tải 40.000 tấn sau năm 2020.

Cảng Chu Lai có công suất khai thác 1,5 triệu tấn hàng tổng hợp và 150.000 TEUs container mỗi năm.

Tác giả: LÊ PHI

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP