Chúng tôi đã từng đến nhiều bệnh viện điều trị cho bệnh nhân ung thư và không cầm được nước mắt khi nhiều đứa trẻ vừa sinh ra đã mắc phải căn bệnh này. Một đứa bé mới 7 tháng tuổi đã bị ung thư võng mạc phải khoét bỏ một mắt. Sinh ra được 7 tháng thì có 3 tháng bé phải ở viện điều trị, đôi mắt còn lại chưa biết liệu có phải khoét bỏ hay không. Một tương lai mờ mịt, tăm tối với cả gia đình và bản thân em khi mắc phải căn bệnh nan y này.
Ung thư là nỗi ám ánh của cả người giàu và người nghèo ở nước ta. Ung thư được coi là “đại dịch” trong những năm tới tại Việt Nam. Con số 70.000 người chết mỗi năm do ung thư khiến chúng ta bàng hoàng. Người dân đều quan tâm đâu là nguyên nhân chính gây ung thư, nhưng cho đến bây giờ, đây vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Mới đây, đoàn giám sát của Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm 2011-2016. Kết quả giám sát cho thấy, bệnh ung thư mỗi năm làm khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm 26,6%). Tuy nhiên, việc Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại “phản pháo” kết luận này khiến dư luận dậy sóng.
Theo đó, người đứng đầu ngành y nhấn mạnh: “Bộ Y tế đã mời chuyên gia trong và ngoài nước hội thảo và đã thông báo là hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính. Nói nguyên nhân khiến số người chết và mắc ung thư cao do thực phẩm bẩn là không chính xác".
Kết luận này của lãnh đạo ngành y đang nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, trong đó có cả đồng tình lẫn phản đối.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên đại học Y dược TP.HCM khẳng định: “Đúng là những bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính là một nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư. Tôi lấy ví dụ, bệnh viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm. Khi bệnh nhân viêm gan B, viêm gan C gây viêm gan mãn tính, dẫn đến xơ gan, ung thư gan, hoặc bệnh nhân nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori hay H.pylori) là yếu tố quan trọng nhất trong bệnh lý loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày tá tràng mạn tính. Người nhiễm khuẩn HP làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Thực tế, có nhiều phụ nữ nhiễm virus khu trú gây ung thư cổ tử cung".
PGS. Đức cho rằng, từ những ca bệnh cụ thể, những người mắc bệnh nhiễm trùng có nguy cơ ung thư cao. Tuy nhiên, để khẳng định yếu tố nào là nguyên nhân số 1 dẫn đến ung thư thì cần có nghiên cứu, khảo sát cụ thể. Hiện nay, các nhà khoa học đưa ra tổ hợp nguyên nhân gây ung thư đó là: Thực phẩm bẩn, môi trường sống, bệnh nhiễm trùng. Khi một người mắc bệnh nhiễm trùng thì bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn nếu cộng thêm các yếu tố bất lợi như: Uống rượu bia, dùng các loại thuốc độc cho gan, hệ thống miễn dịch suy giảm…
Tác giả bài viết: Lan - Thơm
Nguồn tin: