Bún nước lèo
Ở Bạc Liêu, bún nước lèo được bán khắp nơi từ những gánh hàng rong cho đến những quán ăn gia truyền nổi tiếng. Có thể thưởng thức món ăn này vào nhiều thời điểm trong ngày: ăn sáng, xế, tối hay ăn khuya, nhưng không gì bằng vào buổi chiều trời mát, sau khi xong việc bè bạn rủ nhau đi ăn tô bún nước lèo.
|
Nguyên liệu đi kèm là cá, tôm - phải là cá lóc đồng tươi sống làm sạch luộc nguyên con, bỏ xương lấy nạc, tôm đất tươi còn nhảy cũng luộc rồi lột vỏ. Hỗn hợp nước luộc cá, luộc tôm được cho vào nồi mắm, thêm nước dừa xiêm và sả nguyên cây đập dập nấu tiếp. Tuy nhiên, nước lèo có hương vị đậm đà hơn khi có thêm củ ngải bún đâm nhuyễn vắt lấy nước, trước khi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Nước lèo ngon nhờ chất ngọt của tôm cá, nước dừa, nhưng không được quá mặn dù phải dậy mùi mắm.
Bánh tằm bì
Bánh tằm bì có ở nhiều nơi nhưng chỉ riêng tại Bạc Liêu thì bánh tằm bì phải nói là ngon thuộc hàng đặc sản. Bánh tằm bì công phu từ khâu chọn gạo đến giai đoạn làm bì cũng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo tay. Bánh tằm bì của Bạc Liêu còn đặc biệt hơn ở chỗ điểm xuyết thêm một vài viên xíu mại giúp cho đĩa bánh tăng thêm chất lượng.
|
Ăn cùng bánh tằm bì không thể thiếu nước cốt dừa, nước mắm và rau cải đi kèm. Riêng nước mắm chan phải là thứ nước đầy đủ bốn vị: chua, cay, mặn, ngọt mới tăng độ đậm đà. Khi ăn nhất thiết phải có xà lách, húng, giá và dưa leo xắt nhỏ. Chính mùi thơm thanh của rau cải hòa quyện với cái bùi bùi của bì và vị béo của nước cốt dừa càng kích thích thêm sự thèm ăn cho thực khách.
Bún bò cay
Bún bò cay là một trong những đặc sản nổi tiếng của xứ Bạc Liêu. Bởi món bún bò cay được chế biến khá cầu kỳ, công đoạn nấu nướng phải qua một vài lần cho quen tỷ lệ nêm nếm gia vị thì tô bún bò cay mới ngon được. Đúng theo tên gọi của món ăn, bún bò cay được nấu với rất nhiều ớt sừng trâu tươi, chín làm cho nước bún có màu đỏ tự nhiên và nguyên chất, kích thích vị giác và bắt mắt người ăn.
|
Tô bún sẽ có màu vàng sẫm pha đỏ, với những sợi bún trắng và những cục thịt bắp, gân bò thả vào giữa tô nhìn rất đã mắt. Bên cạnh tô bún đặt đĩa rau ngò gai, quế tươi xanh để ăn kèm. Bún bò cay chỉ chấm với muối hột đâm ớt. Khi ăn, ta vắt thêm chanh vào tô bún, ngắt rau quế, ngò gai cho vào, trộn đều và kẹp thịt với rau chấm muối ớt đưa vào miệng. Bạn sẽ có cùng lúc những hương vị thơm, ngon, ngọt, bùi, giòn, dai, béo, chua, cay…
Bánh củ cải
Bánh củ cải có nguồn gốc của người Hoa. Đi vào chợ Bạc Liêu, đi dạo một vòng, bạn sẽ thấy có một vài chỗ bán bánh củ cải. Bánh củ cải có bao ngoài làm bằng bột mỳ trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh chính là phần quyết định chất lượng của món ăn. Trong nhân có tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn.
|
Pha nước mắm chanh, đường, tỏi ớt cho vừa ăn như nước chấm ăn bánh xèo. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, giấp cá, húng nhủi, húng cây, quế và ít xà lách. Bánh thơm, hăng hăng và đặc biệt ngọt vị của con tôm đất.
Ba khía muối
Ba khía muối là món ăn phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Bạc Liêu, có nguồn gốc từ dân tộc Khmer. Ba khía là một loại cua theo cách gọi của người Việt, có hình thù giống cua đồng, nhưng nhỏ hơn đôi chút và sống chủ yếu ở vùng nước mặn.
|
Đây là món mặn, được ăn kèm các món canh, nhất là canh chua. Trước khi dùng, ba khía có thể được thêm một số gia vị như đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó. Người ta xé nhỏ ba khía rồi trộn đều gia vị, để khoảng 15 phút cho gia vị ngấm là ăn được. Đôi khi cũng có thể không trộn gia vị. Ai đã một lần ăn ba khía muối thì khó mà quên được vị đậm đà khó tả của món ăn, tuy bình dân nhưng thấm đậm tình quê hương của một vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Tác giả: Như Khánh
Nguồn tin: saostar.vn