Trump đắc cử ngoạn mục
Ngay từ khi Trump bắt đầu tranh cử, không ít người dè bỉu và coi thường vị ứng viên ngoại đạo. Hàng loạt các bê bối lớn xảy đến với Trump như bị chính phần lớn quan chức đảng Cộng hoà quay lưng, bị lên án gay gắt vì phát ngôn thô tục về phụ nữ, trốn thuế… nhưng vị tỷ phú vẫn trụ vững và tiếp tục chạy đua.
Cho đến 24 tiếng trước ngày bầu cử, tình hình vẫn có vẻ có lợi cho bà Clinton khi giám đốc FBI lên tiếng “minh oan” về cuộc điều tra các email liên quan đến bà. Tất cả các thăm dò đều khẳng định nữ ứng viên đảng Dân chủ sẽ đắc cử với tỷ lệ cơ hội chiến thắng luôn khoảng 90%.
Nhìn lại 2016, trang Politico thừa nhận một trong những dự đoán sai lầm nhất được đưa ra từ cuối năm 2015 là chiến thắng của bà Clinton. Tờ Washington Post thì cho rằng năm 2016 là năm thất bại thảm hại của tất cả các hãng thăm dò.
Năm 2017, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều bất ngờ từ những chính sách của Trump khi vị tỷ phú đã tỏ rõ sẽ điều hành theo phong cách riêng.
So với Trump, chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines của ông Rodrigo Duterte tuy không có hiệu ứng lớn với cả thế giới nhưng cũng kéo theo nhiều sự kiện gây kinh ngạc.
Được giới truyền thông gọi là “Trump của châu Á”, Duterte tỏ ra là nhà lãnh đạo hành động chỉ theo ý riêng của ông mà không màng đến các thông lệ. Ông không ngần ngại chỉ trích nhiều nguyên thủ thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama hay quan chức Liên Hợp Quốc, và doạ bãi bỏ những hợp tác với đồng minh là Mỹ để chuyển sang các đối tác khác như Nga...
Chiến dịch chống tội phạm ma tuý do Duterte khởi xướng là tâm điểm khiến phương Tây lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Philippines. Chỉ sau nửa năm phát động, gần 6.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch này.
Hồ sơ Panama phơi bày chiêu thức trốn thuế
Tháng 4/2016, thế giới chấn động vì vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử, thậm chí quy mô hơn cả Wikileaks.
Liên đoàn phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố 11,5 triệu tài liệu mật của hãng luật Mossack Fonseca thuộc “thiên đường trốn thuế” Panama.
Các tài liệu này cho biết cách thức những người giàu và quyền lực giấu giếm tài sản ở nước ngoài bằng cách thành lập các công ty, quỹ đầu tư với mục đích rửa tiền, trốn thuế từ năm 1977 tới 2015. Số tổ chức doanh nghiệp này lên tới hơn 200.000.
“Nạn nhân” đầu tiên của hồ sơ Panama là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson sau khi các thông tin về tài khoản bí mật của vợ ông bị nước ngoài bị phanh phui. Ông Gunnlaugsson buộc phải từ chức sau một ngày tiết lộ.
Ngay sau đó, nhiều nước bắt tay vào điều tra những nhân vật có tên trong hồ sơ Panama. Biểu tình diễn ra ở nhiều nước yêu cầu các lãnh đạo từ chức. Nhiều nhà kinh tế kêu gọi các chính phủ tẩy chay “thiên đường thuế”, tìm cách minh bạch hóa các hoạt động và chủ sở hữu của công ty nước ngoài.
Việc có tên trong hồ sơ Panama không có nghĩa là phi pháp. ICIJ cho biết đây chỉ là danh sách những cá nhân mở tài khoản nước ngoài để quản lý tiền, điều này là hoàn toàn hợp pháp. Các công ty có mục đích xấu nếu chúng được mở ra để giữ tiền và không có hoạt động kinh doanh. Dù vậy, vụ rò rỉ này vẫn không khỏi khiến thế giới chấn động và tò mò.
Dân Anh quyết rời châu Âu
Sau hơn 40 năm gắn bó với Liên minh châu Âu (EU), nước Anh đã quyết định chấm dứt mối quan hệ này với cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử ngày 23/6/2016.
Nhiều lý do để người Anh, đặc biệt là những người cao tuổi, chọn phương án rời khỏi EU. Trong đó, lý do lớn nhất là việc họ cảm thấy bị lấn át bởi những người nhập cư ngày càng gia tăng.
Trước đó, không ai nghĩ nước Anh sẽ đồng ý rời khỏi EU. Nhưng sự thờ ơ của những người trẻ đã tạo nên kết quả bất ngờ và xót xa. Họ là những người phản đối Brexit, nhưng lại không đi bỏ phiếu. Thống kê của BBC cho thấy tỉ lệ người đi bỏ phiếu tăng theo độ tuổi.
Theo các nhà nghiên cứu, Brexit có thể khiến nền kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn trong ngắn và trung hạn. Cơ hội du lịch và việc làm của người trẻ cũng có nguy cơ bị thu hẹp.
Trước mắt, quá trình “ly dị” giữa Anh và EU còn nhiều vấn đề thủ tục cần giải quyết. Tân Thủ tướng Theresa May cam kết London sẽ bắt đầu quá trình đàm phán rời EU vào tháng 3/2017.
Brexit là dấu hiệu cho thấy sự lung lay của Liên hiệp Anh và EU trước các vấn đề kinh tế xã hội. Sự ra đi của Anh có thể tạo nên tiền lệ cho các quốc gia khác trong khối. Hiện tại, phe ủng hộ rời EU ở Italy đã bắt đầu có kế hoạch của mình.
Tổng thống Hàn Quốc bị đình chỉ chức vụ
Hai tờ báo của Singapore như Straits Times và Asia One đều bình chọn việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị quốc hội luận tội và đình chỉ chức vụ là sự kiện gây sốc nhất châu Á năm qua.
Bê bối chính trị chấn động Hàn Quốc xuất phát từ một thông tin hồi tháng 10 rằng người bạn thân “pháp sư” của bà Park, bà Choi Soon Sil, đã tận dụng ảnh hưởng để thao túng chính trường Hàn Quốc dù không nắm giữ chức vụ nào.
Toà án Hàn Quốc đã kết tội bà Choi và hai trợ lý cũ của Tổng thống Park về tội lạm dụng chức quyền. Trong khi đó, người dân Hàn Quốc thể hiện làn sóng phản đối dữ dội trên cả nước đòi nữ tổng thống đầu tiên của họ phải từ chức. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình với gần 2 triệu người tham gia vào cuối tháng 11.
Ngày 9/12, quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật đình chỉ chức vụ của tổng thống. Bà Park đã chuyển giao mọi quyền lực cho Thủ tướng Hwang Kyo Ahn ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị chính thức từ quốc hội.
Trong thời gian này, bà Park vẫn sống tại Nhà Xanh và chờ đợi Tòa Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra quyết định cuối cùng về việc có phế truất tổng thống hay không.
Tác giả bài viết: Thế Long - Minh Anh
Nguồn tin: