Kinh tế

350 ngàn 1 múi sầu riêng: Xếp hàng tranh mua như iPhone X

Loại quả có gai và mùi “kinh khủng” tại các nước Đông Nam Á nhưng lại khiến Trung Quốc thèm thuồng. Nhu cầu về loại quả này ngày càng tăng tại Trung Quốc nên các nước như Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam đang tìm cách xuất khẩu.

"Cơn thèm sầu" của Trung Quốc

Sầu riêng từng được gọi là “vua của trái cây”, theo nhà thiên văn học người Anh thế kỷ 19 Alfred Russel Wallace. Đây là loại quả có mùi đặc trưng, đã bị cấm tại các khách sạn và phương tiện giao thông công cộng khắp châu Á hay các sân bay, bệnh viện. Tuy nhiên, sầu riêng lại khiến người Trung Quốc phát cuồng.

Theo chuyên gia về thực phẩm và đồ uống Loris Li thuộc công ty nghiên cứu thị trường Mintel Group (Thượng Hải), người Trung Quốc dùng sầu riêng trong nhiều món ăn khác nhau, từ sữa chua, cà phê đến bánh quy và cả pizza.

Một số người nói rằng bây giờ ở Trung Quốc có hai thứ mà người ta sẵn sàng xếp hàng để mua là iPhone X và sầu riêng. Một quả sầu riêng thường tách ra được 5 khía, mỗi khía ở Trung Quốc có giá khoảng 100 nhân dân tệ, tương đương 15 USD.

Sầu riêng các nước Đông Nam Á đang hướng tới thị trường Trung Quốc

Người Trung Quốc ngày càng giàu và nhu cầu các sản phẩm cao cấp cũng tăng theo. Sầu riêng có mặt ở tất cả các cửa hàng hoa quả ở Trung Quốc.

Số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỷ qua, đạt giá trị 1,1 tỷ USD vào năm 2016. Nhu cầu cao tại Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng tăng 20 lần trong 4 năm qua. Thị trường sầu riêng Trung Quốc hiện trị giá khoảng 12.000 tỷ đồng và vẫn đang tăng.

Thái Lan hiện là nước duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bao gồm quả tươi hoặc đông lạnh. Thông qua tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, Thái Lan và Trung Quốc đã ký kết quyết định trao đổi hàng hoá hai bên.

Trung Quốc, tính cả Hong Kong, nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất. Trung Quốc mua gom khoảng từ 80 đến 90% tổng lượng sầu riêng Thái Lan tính đến năm 2016. Nhu cầu từ Trung Quốc quá lớn cũng khiến cho doanh số bán nội địa giảm.

Một thỏa thuận mới đây giữa chính phủ Malaysia và Trung Quốc đã cho phép nông dân Malaysia xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trực tiếp sang nước này từ tháng 1 năm sau.

Thực tế, để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc không hề dễ dàng. Trung Quốc đang từng bước thể hiện nước này không còn là thị trường dễ tính bằng các rào cản kỹ thuật.

Đường vòng của trái sầu riêng

Từ ngày 1/4/2018, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả trong nước, khi làm thủ tục xin Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu, phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Thông tin bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.

Nông dân Malaysia bị cấm xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc, mà phải xuất dạng tách múi sẵn. Nguyên nhân là do họ chờ sầu riêng chín và rụng xuống đất để nhặt thay vì chủ động hái trước từ trên cây. Điều này làm Trung Quốc lo ngại nguy cơ dơ bẩn và côn trùng tiếp cận vào quả sầu riêng.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bày tỏ quyết tâm: “Đã đến lúc trồng sầu riêng trên quy mô lớn và có hệ thống. Riêng Trung Quốc có 1,4 tỷ người thưởng thức trái cây này”. Malaysia đã hướng dẫn nông dân làm mạng lưới dây để buộc quả sầu riêng, tránh nó rơi chạm đất khi chín.

Sầu riêng được chế biến thành nhiều món khác nhau

Theo Nikkei, năm 2017, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan thay đổi bước ngoặt khi Việt Nam bất ngờ vượt qua Trung Quốc, trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất sầu riêng Thái Lan. Lượng xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc giảm 29% trong khi đó xuất khẩu sang Việt Nam tăng gấp 3 lần, lên 256 nghìn tấn. Con số này cao gấp 26 lần so với 3 năm trước đó.

Thực tế, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu tỉnh Chanthaburi, trong số sầu riêng xuất sang Việt Nam, có đến 80 hoặc 90% sầu riêng được tái xuất sang Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Thái Lan chỉ đang mượn Việt Nam là nơi để tạm nhập và tái xuất sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường sầu riêng tại Việt Nam cũng đang có nhiều biến động. Giá sầu riêng mà thương lái mua giảm hơn một nửa so với hàng năm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu của sầu riêng Việt Nam và hầu hết đều qua con đường tiểu ngạch.

Tác giả: Nam Hải

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP