Thầy Đào Tuấn Đạt là giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) |
Chấp nhận sự thật
Thầy Đào Tuấn Đạt là giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay có một bộ phận học sinh có học lực kém.
Thầy Đạt cho rằng, không chỉ ở các tỉnh mà ngay tại Hà Nội cũng có một bộ phận học sinh không biết gì mà vẫn phải “bê” lên lớp.
Vậy nếu điểm thi quá thấp chỉ cần 0,58 điểm/ môn thì có nên chỉ xét học bạ rồi cho lên lớp không? Về vấn đề này, thầy Đào Tuấn Đạt cho rằng, nếu bây giờ không thi, không có kiểm tra thì chất lượng lại về số 0 hết. Chúng ta vẫn phải thi thậm chí phải thi nghiêm, kiểm tra nghiêm. Nhưng dù kết quả thế nào thì cả xã hội chấp nhận một sự thật để làm cái gì đó tốt cho bọn trẻ.
“Bài thi rõ ràng đề có sự phân loại từ dễ đến khó, nhưng học sinh kém thì phải thi đề dễ, nơi học sinh có trình độ khá thì thi đề khá hơn chứ làm sao đỏi hỏi công bằng giữa các vùng được. Nếu chúng ta cứ đòi công bằng giữa chỗ này và chỗ kia thì vô hình chung chúng ta giết những học sinh dốt. Vậy bao giờ chúng có động lực để mà học được”- thầy Đạt nói.
Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, về mặt nguyên tắc, học sinh học xong có quyền học lên. Vấn đề ở chỗ, tùy từng điều kiện mỗi nơi để xem xét. Nếu nơi đó số thí sinh có nhu cầu học nhiều hơn chỉ tiêu thì mới cần thi, còn nếu nhu cầu đi học ít hơn cả chỉ tiêu thì có thể không cần tổ chức thi.
Vậy khi cho những học sinh mất gốc, rất kém này lên lớp thì các trường phải làm gì?
“Phải dạy lại số học sinh này từ đầu chứ còn gì được nữa. Chúng ta phải nhìn vào sự thật qua những bài sát hạch sau đó để thấy học sinh tiến bộ hàng ngày so với bản thân là tốt rồi chứ đừng đánh giá thầy cô theo thành tích của thi cử”- thầy Đạt nói.
Theo thầy Đạt, việc hạ điểm chuẩn tới mức '"chạm đáy” để tuyển đủ chỉ tiêu đầu vào, cho các em cơ hội đi học cấp 3 là không hợp lý. Và càng không hợp lý khi những thí sinh này chỉ vì học văn hóa mà hướng cho đi học nghề.
“Không thể cho học sinh kết quả kém như vậy đi học nghề được vì chúng vào đó không thể học được cái gì. Có thực tế, các trường nghề tư đang đi vơ vét học sinh, nhốt vào đó không dạy dỗ gì. Như vậy, sẽ đào tạo ra hàng vạn học sinh dốt không biết làm gì”- thầy Đạt nói
Cũng theo thầy Đạt, có trường nghề mà trang thiết bị, cơ sở vật chất không có, không dạy học sinh mà chỉ cấp bằng, cấp chứng chỉ. Vậy như thế, học sinh không học được gì thì càng chết.
“Theo tôi, trường nghề cần phải dạy văn hóa và cả dạy nghề cho học sinh. Chỉ dạy văn hóa không thì không thể được. Chứ học nghề cũng phải cần có tư duy, biết cộng biết trừ chứ…”- thầy Đạt nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie (Hà Nội) |
Cần có sự cân nhắc chu đáo để tránh “động tác thừa”
Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần xác định rõ chất lượng các vùng khác nhau thì tuyển sinh theo vùng, miền sẽ khác nhau.
Theo thầy Khang, Nnếu khu vực nào khảo sát chỉ tiêu tuyển sinh vào trường mà với số lượng đăng ký vào trường mà xấp xỉ, thấp chí số lượng vào trường ít hơn cả chỉ tiêu thì cần gì phải thi nữa. Học sinh đã được xét THCS thì đón các em vào học dựa theo học bạ.
“Dù học bạ có thực hay không thực dẫu sao vẫn được thừa nhận. Hạn chế, bỏ đi thi tuyển sinh ở những trường như vậy. Các địa phương này cần xem lại nếu điểm thấp khong chỉ năn nay mà vài năm trước đó đều thấp thì cần thiết gì mà tổ chức thi nữa”- thầy Khang nêu quan điểm.
Thầy Khang nhấn mạnh, vấn đề học sinh đến trường là đáp ứng nhu cầu học lên cũng như sự tồn tại của nhà trường. Nhà trường không có học sinh thì tồn tại như thế nào? Cho nên phải có sự cân nhắc chu đáo để tránh “động tác thừa”, gây lãng phí gây lên sự kì cục mà dư luận phải lên tiếng.
Mặt khác, theo thầy Khang, mỗi nơi học sinh có năng lực học hành, điều kiện học tập rất khác nhau. Không vì thế mà chúng ta đều nghĩ học sinh ở đây cũng thiết tha đi học như ở thành phố.
“Một số học sinh nhiều vùng chỉ cố đến lớp 9 thôi vì học lên không có điều kiện về kinh tế, tương lai học hành mờ mịt thì sao cứ phải cho lên lớp 10. Có những học sinh tìm cách đi học nghề, đi làm sớm, thì đó là thực tế. Sao mình không tôn trọng thực tế mà mình cứ ngồi trong máy lạnh định ra một kì thi áp đặt tất cả các trường công gây ra tình huống là điểm chuẩn kì cục như thế”- Thầy Khang nhấn mạnh.
Tác giả: Đỗ Hợp
Nguồn tin: Báo Tiền phong