Giáo dục

10 thành tích nổi bật của ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An và những đề xuất, kiến nghị

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 460 xã, phường, thị trấn. Địa hình tự nhiên đa dạng, phức tạp với ba vùng sinh thái: miền núi, trung du và đồng bằng ven biển.

Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã chủ động, linh hoạt,kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn dạy và học phù hợp với các diễn biến của đại dịch, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc về GD&ĐT.

10 thành tích nổi bật của ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An năm học 2020-2021

1, Là đơn vị đầu tiên trong cả nước tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ, phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học, góp phần đưa Luật Giáo dục năm 2019 đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục.

2. Tiếp tục giữ vững vị trí tốp dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi. Có 81 học sinh đạt giải quốc gia. Chất lượng phổ cập giáo dục; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chuyển biến tích cực, thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận “Thành phố học tập toàn cầu”.

3. Tạo dấu ấn quan trọng trong sân chơi toàn quốc. Lần đầu tiên học sinh Nghệ An đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16, năm 2020”. 1 dự án đạt giải Nhì toàn quốc, giải Nhất vòng Bình chọn tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020". 2 dự án đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. 1 học sinh đạt giải nhì cuộc thi Quý III năm 2021, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21.

4. Là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, bài bản. Đứng đầu cả nước với 26 giáo viên THPT, trên tổng số 33 giáo viên THPT toàn quốc được thăng hạng I chức danh nghề nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi thảo luận của kỳ họp Quốc hội điểm cầu tại Nghệ An

5. Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng môi trường giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục miền núi, được Bộ GD&ĐT xem là điểm nhấn của toàn ngành trong năm học 2020-2021.

6. Triển khai hiệu quả việc xây dựng mới các mô hình trường học. Mô hình thí điểm xây dựng 14 trường trung học trọng điểm, chất lượng cao; hoàn thành biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2 và lớp 6, theo Chương trình GDPT 2018. Dạy học chương trình tăng cường ngoại ngữ, tin học, Giáo dục STEM trong các trường phổ thông. Tổ chức các lớp tuyển sinh theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thực hiện đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

7. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức tốt các phong trào thi đua, các kỳ thi, hội thi tạo động lực để toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuyên dương 119 học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, khu vực, học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôn vinh 128 cá nhân, 25 tập thể điển hình tiên tiến giai đoạn 2015- 2020. 02 giáo viên được vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020. 32 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 15.

8. Cải cách hành chính có tiến bộ vượt bậc, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong quản lý.. Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của Sở GD&ĐT tăng 9 bậc. Thực hiện hiệu quả việc dạy học, hội họp, tập huấn trực tuyến, online. Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử trong cơ sở giáo dục. Tổ chức dạy trên NTV được 124 số. Cổng thông tin điện tử của ngành là một trong 10 Cổng thông tin điện tử hoạt động hiệu quả nhất theo đánh giá của Bộ GD&ĐT.

9. Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Kết thúc nhiệm kỳ, có 1.055 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,66%, phấn đấu kết thúc năm 2021, có 1065 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 73,34%.

10. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, THPT Chuyên Phan Bội Châu năm học 2020-2021. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến hết sức phức tạp, Nghệ An đã tổ chức cho 34.478 học sinh trên địa bàn tỉnh (có cả diện F2, F1) tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Những đề xuất và kiến nghị của ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An

1, Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội quan tâm giám sát công tác triển khai cơ chế, chính sách, nguồn lực của trung ương và địa phương cho đảm bảo chất lượng giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Ưu tiên cơ chế đặc thù đối với tỉnh Nghệ An.

2, Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục, đào tạo của tỉnh Nghệ An đã được Trung ương thông qua, đặc biệt là xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm về giáo dục, đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ, đề xuất kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT đưa nội dung “Tái cơ cấu các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An” thành Đại học Nghệ An'' tương xứng với yêu cầu và nhiêm vụ. Trước mắt, năm 2022 đề xuất sáp nhập, tái cơ cấu 3 trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An.

3, Hiện tại, biên chế giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang thiếu, rất khó khăn khi đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học, kính đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng Bộ Nội vụ để tham mưu trình Chính phủ bổ sung cho Nghệ An 7.843 biến chế giáo viên.

4, Hỗ trợ Nghệ An về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; trước mắt ưu tiên Nghệ An trong phân phối Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Bộ GD&ĐT.

5, Thực hiện Kết luận tại buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT và Tỉnh ủy - UBND tỉnh Nghệ An về việc xây dựng Đề án xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh dân tộc bán trú, tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án, kính đề nghị Bộ GD&ĐT giúp đỡ kêu gọi các nguồn lực trong nước và quốc tế giúp Nghệ An thực hiện đề án thành công.

6, Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 sang năm học 2025 - 2026 với 3 lý do sau:

Thứ nhất: Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta chưa có các nguồn lực như xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, kinh phí, để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình.

Thứ hai: Các địa phương chưa chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên dạy các môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, vv, và chưa có giáo viên để hợp đồng.

Thứ ba: Mặt lôgic, các em học sinh lớp 6 được học chương trình mới từ năm học 2020 - 2021 và theo lộ trình đến năm học 2024 - 2025 vào lớp 10 là phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trên đây là tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo để giáo dục Nghệ An tiếp tục phát triển trở thành Trung tâm về GD&ĐT của khu vực Bắc Trung Bộ.

Tác giả: Nguyễn Hữu Mai

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP