Kinh tế

Tiền ồ ạt đổ vào, nỗi lo bong bóng tài sản ngày càng lớn

Chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần liên tục theo dõi, đánh giá để có giải pháp ứng phó nếu bong bóng tài sản xuất hiện.

Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần liên tục theo dõi, đánh giá để có giải pháp ứng phó nếu bong bóng tài sản xuất hiện.

Lạm phát cao

Thị trường vừa qua chứng kiến dòng tiền lớn đổ vào thị trường bất động sản. Giá bất động sản nhiều nơi tăng mạnh. Thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục, tăng "nóng". Tiền ảo kỹ thuật số cũng "quấy đảo" thị trường...

Những tín hiệu trên cho thấy, dòng vốn rẻ một phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, song cũng là yếu tố kích thích người dân đổ vào các kênh đầu cơ. Nỗi lo về bong bóng tài sản bắt đầu xuất hiện và ngày một lớn.

TS. Quách Mạnh Hào, chuyên gia về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln cho rằng, lãi suất quá thấp sẽ kích thích hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất, tăng bong bóng tài sản.

Hơn nữa theo nhận định của ông Hào, việc nới lỏng chính sách tiền tệ không bao trùm nền kinh tế, người nghèo và doanh nghiệp nhỏ vẫn khó khăn. "Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế", ông Hào nhận định.

Theo ông Hào, chính sách tiền tệ và tài khóa vốn là chất xúc tác năm 2020 sẽ được thận trọng trong năm 2021. "Tôi cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế trong năm 2020, điều này do sự thành công sớm trong kiểm soát dịch bệnh sớm. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan GDP chỉ đạt một nửa so với kế hoạch. Trong khi lạm phát vẫn tương đương trước khi dịch bệnh xảy ra. Lạm phát tương đối cao. Đó có thể là do tác động chính sách nới lỏng tiền tệ", ông Hào nói.

Còn nhớ trong cuộc trò chuyện với Dân trí hồi tháng 9/2020, ông Quách Mạnh Hào cũng từng tỏ ra lo ngại lạm phát dần trở nên quá cao. Nếu tính thêm mặt bằng các lãi suất điều hành giảm, ông Hào cảnh bảo việc vô tình đẩy kinh tế vào trạng thái kích thích bong bóng tài sản nhiều hơn.

Thời điểm đó, ông Hào cho rằng việc tàn phá của đại dịch là không thể bàn cãi và nó là rủi ro hệ thống mang tính toàn cầu. Nhưng điều ông lo ngại lúc đó là nếu phản ứng chính sách của chúng ta vận hành theo lối mòn sẽ có thể ảnh hưởng tới diễn biến sau này. Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì đó là một thảm họa.

Trao đổi với Dân trí mới đây, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cũng lo ngại việc hình thành bong bóng tài sản khi cả hai thị trường bất động sản, chứng khoán đều ghi nhận dòng vốn đổ vào rất lớn.

"Hãy nhìn vào thị trường bất động sản thì thấy, giá tăng mạnh bất chấp cả lúc thị trường vô cùng trầm lắng, ảm đạm. Có chỗ tăng tới mức vài chục phần trăm. Nhiều người không biết đầu tư vào đầu, họ rót tiền vào thị trường bất động sản rồi đợi giá tăng. Hiện nay các tổ chức đều khẳng định chưa có bong bóng, song lo ngại là vẫn có", ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, ở thị trường chứng khoán, chỉ trong vài tháng tăng từ hơn 600 điểm lên tới hơn 1.100 điểm chỉ trong vài tháng, bên cạnh điểm tích cực là thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào nền kinh tế thì cũng có lo ngại việc tăng quá nhanh.

"Hy vọng cơ quan nhà nước quản lý nhà nước có sự theo dõi sát sao để tránh tình trạng bong bóng trên hai thị trường này. Tăng thì tốt đấy nhưng tăng nóng thì phải rất cẩn trọng", ông Thịnh nói.

Nhìn lại sự tăng "nóng" trên một số thị trường

Hôm qua (12/1), Việt Nam-Index đóng cửa tăng 7,39 điểm, tương ứng tăng 0,62% lên 1.192,28 điểm. Chỉ sau gần 10 phiên giao dịch năm mới, chỉ số này đã cộng thêm 88,41 điểm, tương ứng tăng 8% so với cuối năm 2020. Đây cũng là chuỗi ngày tăng điểm liên tục của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trước đó khi kết thúc năm 2020, chỉ số Việt Nam-Index tăng gần 15% so với đầu năm.

Khi Covid-19 xảy ra, nhiều nhận định chứng khoán sẽ lao dốc khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, trái ngược với vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Thực tế cho đến lúc này, chứng khoán tăng rất mạnh.

Theo ghi nhận của PV, tại các công ty chứng khoán những ngày gần đây diễn ra cảnh tượng nhà đầu tư vẫn "ồ ạt" đi mở tài khoản. Một số công ty chứng khoán có thể mở mới hàng trăm tài khoản chứng khoán mỗi ngày trong thời gian này.

Trên thị trường bất động sản, giá hầu hết các phân khúc đều tăng mạnh, nhiều nơi xảy ra "cơn sốt". Theo Hội môi giới bất động sản, đô thị hóa mạnh ở Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%.

Nhà đầu tư đổ xô đi xem đất thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến nghiêm trọng ở Việt Nam.

Trong khi đó, các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019. Đáng lưu ý theo lãnh đạo Hội môi giới, mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.

Các chuyên gia cho rằng, nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam vẫn có thể giảm lãi suất, thực hiện các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế… Tuy nhiên, Việt Nam cần liên tục theo dõi, đánh giá để có giải pháp ứng phó nếu bong bóng tài sản xuất hiện.

Tác giả: Nguyễn Mạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP