Đẹp

Tiền mất tật mang vì ham phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ

Phòng khám giá rẻ, chương trình khuyến mại rầm rộ và sự tiếp xúc ồ ạt với hình ảnh đẹp phi thực tế qua mạng xã hội đang tạo ra nhận thức mù mờ về tác động của phẫu thuật thẩm mỹ.

"Không có mông" là nỗi bất an thường trực đối với Míriam Parralo (Madrid, Tây Ban Nha). Sau nhiều năm tiết kiệm, không lâu trước khi đại dịch bùng phát, cô đã có đủ 8.000 USD để cấy mỡ, định hình và nâng vòng ba, theo El País.

"Tôi rất vui mừng nhưng cuối cùng đó là quyết định ngu ngốc và tôi hối hận rất nhiều".

Ca phẫu thuật của Parralo gặp trục trặc. Cô cảm thấy cơ thể bị biến dạng nhưng không có tiền để kiện phòng khám hoặc tiến hành một cuộc phẫu thuật khác nhằm khắc phục sự cố.

"Trước cuộc phẫu thuật, tôi hầu như không được thông báo về bất cứ điều gì. Họ cứ nói như sự cố là một điều gì đó bình thường, rằng bộ phận cấy ghép có thể vỡ ra nhưng không chịu trách nhiệm", cô nói.

Nhiều người gặp biến chứng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở giá rẻ, thiếu bác sĩ chuyên môn. Ảnh minh họa: Miquel Benitez.

Ở nhiều phòng khám giá rẻ, người giải thích mọi thứ cho bệnh nhân (hay đúng hơn là khách hàng) là nhân viên bình thường, không được đào tạo về y tế. Khách hàng có rất ít thời gian nói chuyện trực tiếp với bác sĩ phẫu thuật.

Theo các chuyên gia, hiệp hội y tế, điều này cùng với các chương trình khuyến mại rầm rộ và việc tiếp xúc ngày càng nhiều với hình ảnh đẹp phi thực tế, đặc biệt là qua mạng xã hội, đang tạo ra nhận thức mù mờ về tác động của các phương thức làm đẹp.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Diego Tomás Ivancich cho biết: "Một số người nghĩ rằng quy trình giống như đến tiệm làm tóc. Họ không hiểu rằng các biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật".

Tiền nào của nấy

Các phòng khám giá rẻ như cho mọc lên ngày càng nhiều đang làm gia tăng những trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ thất bại, gặp biến chứng.

Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế (ISAPS) nhận thấy xu hướng gia tăng các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ trong những năm tới, sau khi đại dịch làm giảm số liệu thống kê vào năm 2020.

Trước đại dịch, Mỹ, Brazil và Đức là những nước thực hiện nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ nhất.

Yolanda Cabrera, giảng viên ngành giới và định kiến tại Đại học Valencia, giải thích rằng điều này một phần có thể là do truyền thông xã hội đã củng cố các tiêu chuẩn khắt khe về ngoại hình.

Số người phẫu thuật thẩm mỹ có xu hướng tăng sau đại dịch. Ảnh minh họa: Mike Kemp.

Bác sĩ phẫu thuật Diego Tomás cảnh báo bất kỳ ai đang có ý định phẫu thuật thẩm mỹ tại các phòng khám giá rẻ hãy thật cẩn trọng và cân nhắc.

"Không có cái gọi là bữa trưa miễn phí. Họ tiết kiệm vật liệu, tiền lương, cơ sở vật chất, không để bệnh nhân ở lại đủ thời gian sau phẫu thuật. Họ chỉ có một bác sĩ gây mê duy nhất cho hai ca phẫu thuật cùng lúc. Điều này khiến nguy cơ gặp biến chứng tăng lên".

Esther Pineda, tác giả của Beautiful to die for: Gender stereotypes and aesthetic violence against women, nói: "Phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến, được đại chúng hóa. Nó không còn là đặc quyền của những người giàu nữa. Nhưng điều gì cũng có mặt trái, kể cả sự phát triển của ngành làm đẹp giá rẻ".

Pineda ám chỉ chương trình "đi 3 tặng 1" (phẫu thuật 3 người, miễn phí một người), các gói dịch vụ phẫu thuật ở quốc gia khác bao gồm vé máy bay, khách sạn và phẫu thuật rẻ hơn nếu đi đông người.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là chiêu trò câu kéo khách hàng của một số phòng khám. Francisco Menéndez, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hơn 40 năm kinh nghiệm, than thở rằng những trung tâm này không được quản lý bởi bác sĩ, mà chủ yếu do doanh nhân điều hành.

Mạng xã hội khuếch đại nỗi sợ

Nhà tâm lý học lâm sàng Aurora Gómez, chuyên gia về các hành vi kỹ thuật số, giải thích rằng chúng ta có xu hướng kết luận những gì mình thấy thường xuyên nhất chính là điều bình thường, chuẩn mực.

"Thanh thiếu niên thường thấy gì nhất? Đó là các hình ảnh được chỉnh sửa trên mạng xã hội: đôi mắt mở, da không nếp nhăn, gương mặt trẻ trung. Điều đó dần trở nên 'bình thường' và họ bắt đầu thay đổi nhận thức về cơ thể của chính mình".

Gómez nói về rối loạn bản thể (somatization sisorder), bệnh lý mạn tính trong đó bệnh nhân than phiền nhiều về cơ thể, có thể được tạo ra do liên tục tiêu thụ vẻ đẹp không thực tế.

"Người bệnh tạo ra nhận thức thay đổi về bản thân. Khi ngoài đời không còn bộ lọc (filter) như mạng xã hội, cách duy nhất để đạt được hình ảnh hoàn hảo đó là dao kéo".

Nhiều người dao kéo để được xinh đẹp như khi dùng filter trên mạng xã hội. Ảnh: UMD.

Điều đó phù hợp với những gì nhà xã hội học Esther Pineda định nghĩa là aesthetic violence (tạm dịch: bạo lực thẩm mỹ): Một tập hợp những câu chuyện kể, lời nói, hành động gây áp lực hoặc hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ để buộc họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cái đẹp.

Áp lực xã hội gây ra những hậu quả về thể chất và tâm lý đối với phụ nữ và điều đó thường dựa trên 4 cơ sở: phân biệt giới tính, chứng sợ tuổi già, phân biệt chủng tộc và chứng sợ béo.

Pineda giải thích nhu cầu về nữ tính, gầy, trắng và trẻ trung đã được duy trì theo thời gian và cách mà bạo lực thẩm mỹ được thực hiện ngày nay đã làm gia tăng điều đó.

"Trước đây, chúng ta chỉ nghe nhận xét từ các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng bây giờ cơ thể chúng ta thường xuyên tiếp xúc với sự đánh giá của vô số người, dù biết hay không, thông qua mạng xã hội".

Tác giả: Lê Vy

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP