Xã hội

Người phụ nữ “nặng lòng” với biển

Trưa hè như đổ lửa, chúng tôi về xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình tìm gặp chị Hoàng Thị Sửu, người gần mười năm nay được nhiều ngư dân miền Trung xem như chỗ dựa vững chắc cho những con tàu của mình.

Học hết lớp 7 trường làng, lại là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng sinh ra bên bờ sóng, yêu biển như máu thịt bản thân, nhờ đó chị Sửu đã vượt qua biết bao khó khăn để trở thành người thợ có “bàn tay vàng” đóng mới, sửa chữa cho hàng ngàn chiếc tàu của bà con ngư dân miền Trung đi biển.

Mặt trời đứng bóng, khi các tốp thợ đã rửa tay vào chuẩn bị ăn bữa cơm trưa, chị Hoàng Thị Sửu vẫn tay cầm cờ lê, mỏ lết đánh vật với chiếc máy tời nặng hàng chục tấn bị trở chứng. “Em thông cảm chờ chị nhé, chị phải sửa để thợ ăn xong có máy mà tời tàu lên bờ”.

Nhìn chị mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, mặt lấm lem dầu mỡ, chúng tôi hiểu quả đúng là thành công chỉ đến với những ai chấp nhận hy sinh, gian khổ với nghề. Lân la trò chuyện cùng tốp thợ và những ngư dân đang làm thủ tục sửa chữa tàu thuyền, chúng tôi nhận thấy mọi người dành cho chị Sửu nhiều sự kính trọng, yêu thương.

Sinh ra ở làng biển thôn Hà Trung, xã Bảo Ninh, chị lớn lên trong sự yêu thương của gia đình và biển cả. Lớn lên, về làm dâu làng biển bên cạnh, nhiều lần chứng kiến chiếc tàu biển của gia đình và bà con ngư dân mỗi lần bị hỏng hóc lại phải oằn mình kéo vào các tỉnh xa để sửa chữa. Hay những lần nghe tin tàu của ai trong làng bị hỏng máy, hay thủng bị nước tràn vào, tính mạng của những người trên tàu đang phó mặc cho số phận… Chị nghĩ thật nhiều.

Chị nói với chúng tôi: “Câu ca, lấy chồng nghề ruộng em theo, lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm. Dù vậy, phụ nữ làng biển lớn lên hầu hết đều chọn chồng đi biển, giờ chồng đi biển thay bằng cách lo hồn treo cột buồm thì răng mình không làm gì có ích để giúp chồng, giúp mình yên tâm hơn. Nhìn biển quê hương rộng lớn, tôi ao ước có một xưởng đóng tàu thật lớn, thật đàng hoàng để tiếp sức cho bà con quê hương mình”.

Khi chị Hoàng Thị Sửu đưa ý tưởng mở xưởng sửa chữa, đóng tàu của mình bàn với gia đình, anh em họ hàng vừa để tranh thủ sự ủng hộ vừa để vay mượn thêm tiền bạc, nhưng tất cả mọi người đều lắc đầu. Ai cũng nghĩ, làng biển này có cả ngàn đời nhưng đã có ai nghĩ, ai mở việc đóng, sửa chữa tàu, đàn ông chân cứng đá mềm còn chưa làm được, chị lại là phụ nữ. Biết lấy vốn ở đâu ra, chị luôn nghĩ vậy. Rồi chị đăng ký đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Chị Hoàng Thị Sửu, người đồng hành sửa chữa, đóng mới hàng ngàn chiếc tàu, thuyền cho ngư dân miền Trung.

Suốt 7 năm trời lao động chắt chiu từng đồng bạc ở nước bạn, chị luôn nuôi lớn dần ý tưởng: Chăm chỉ làm việc để có vốn về nước mở xưởng đóng tàu. Năm 2001, về lại quê hương làng biển, ở quê chưa ấm chỗ, chị xách ba lô quần áo vào Nha Trang, Bình Định, Phú Yên để tìm hiểu, học hỏi việc đóng tàu trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Sau mấy tháng dày công tìm hiểu, về nhà, chị động viên gia đình vay ngân hàng, cộng với số vốn chị tích lũy được để mở xưởng sửa chữa tàu. “Mèo nhỏ bắt chuột nhắt, vốn ít thì mình sửa chữa tàu đã, chưa nghĩ chuyện đóng mới”, chị Sửu nói vậy.

Dù khó khăn nhưng chị vẫn trả lương cao để thuê hai thợ giỏi sửa chữa đóng tàu giỏi nhất nhì ở miền Trung về xưởng của mình. Có thợ giỏi vừa để tạo uy tín vừa để bản thân chị học hỏi thêm để làm chủ nghề mình. Tiếng lành đồn xa, sau vài năm đi vào hoạt động, xưởng sửa chữa tàu của chị Sửu đã được tàu thuyền của bà con ngư dân tìm đến sắp hàng để sửa chữa.

Nhận thấy nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền rất lớn của bà con ngư dân. Chị tìm chọn những người siêng năng, khéo tay trong vùng đưa về xưởng của mình. Chị chia ra từng nhóm thợ vừa làm vừa đào tạo, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Nhóm thợ chuyên sửa máy tàu, nhóm chuyên lo thân vỏ, nhóm đóng mới…

Khi thợ đã lành nghề, chị Sửu quyết định đóng tàu mới. Đầu tiên là những chiếc tàu nhỏ dưới 90CV, rồi 150CV, giờ đây chị đã đóng những con tàu 800 đến trên 1000 CV. Những con tàu từ xưởng đóng tàu của chị Sửu đã vươn xa ra biển.

Nói đến việc đóng tàu, chị Sửu nhìn xa xăm: “Ngày đóng xong chiếc tàu mới đầu tiên, cả đêm thợ liên hoan, uống bia xong rồi ngủ, còn tui không mần răng chợp được mắt. Tui cầm đèn pin cứ đi quanh con tàu, kiểm tra lại từng con ốc, từng lằn thớ gỗ. Xem nó như đứa con của mình, mai nó ra biển gặp sóng gió không biết rồi ra sao”.

Công việc đóng mới, sửa chữa tàu ngày một thuận lợi, giờ chị Sửu mở rộng nhà xưởng lên gần 3.000m, với đội thợ lành nghề hơn 40 người, hàng tháng, chị và những người thợ của mình sửa chữa cho từ 40-100 lượt tàu thuyền, đóng mới 10-20 chiếc tàu. Trong đó có nhiều chiếc trọng tải 800 CV theo Nghị định 67 của Chính phủ. Chúc cho chị chân cứng, đá mềm để luôn là người bạn đồng hành cùng với ngư dân miền Trung và biển cả yêu thương.

Tác giả bài viết: Dương Sông Lam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP