Trong tỉnh

Nghệ An: Ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai

Ngày 24/8/2021, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 419/KH-UBND để triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Kế hoạch này nhằm xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua đó, nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai từng bước được nâng cao giúp công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được thuận lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh nghệ An đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai và tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Cùng với đó, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ thông qua việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, đủ năng lực, quyền hạn, hiệu lực, hiệu quả để chỉ đạo, chỉ huy điều hành kịp thời công tác phòng, chống thiên tai.

Nghệ An ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh

Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai bằng việc đầu tư củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số, tự động hóa, viễn thám trong quan trắc, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý, vận hành công trình phòng chống thiên tai và chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai.

Các giải pháp cụ thể là cần bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo mức thiết kế; xây dựng, rà soát và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống vỡ đê, vỡ đập, lũ lớn, ngập lụt, xả lũ khẩn cấp hồ chứa nước, bão mạnh, siêu bão trong đó chú trọng đảm bảo an toàn đê điều, dân cư vùng ven sông, ven biển. Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, công trình tiêu thoát nước ở đô thị, đảm bảo chống ngập lụt, chống hạn và phục vụ cấp nước, hoàn thiện các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy hoạch.

Đồng thời quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi lòng sông, nhất là đối với các tuyến sông lớn nhằm hạn chế suy thoái, hạ thấp lòng dẫn, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn và ảnh hưởng tới hoạt động giao thông, thủy lợi. Chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại...

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP