Giáo dục

Học sinh chuyển trường thực hiện khi kết thúc học kỳ I hoặc trong thời gian hè

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy định về việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS, THPT...

Ảnh minh họa.

Với quy định chuyển trường, đối tượng chuyển trường là học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do chính đáng;

Học sinh THCS chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố: Hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác, phòng Giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận và giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã được kiểm tra;

Học sinh THPT chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố: Hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác, Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường;

Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Trường hợp ngoại lệ về thời gian do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp THCS), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp THPT) nơi đến xem xét, quyết định.

Với quy định xin học lại, trong trường hợp xin học lại tại trường cũ: Hiệu trưởng nhà trường cho phép nhập học sau khi đã kiểm tra hồ sơ; Trường hợp xin học lại tại trường khác, hồ sơ bổ sung và thủ tục thực hiện như đối với học sinh chuyển trường; Trường hợp xin học lại vào lớp đầu cấp THPT, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định trên cơ sở kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển của học sinh trước khi nghỉ học;

Việc xin học lại được thực hiện trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới.

Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, quy định đối với học sinh Việt Nam về nước: Về điều kiện văn bằng thì học sinh vào học tại trường THCS phải có học bạ hoặc giấy xác nhận kết quả học tập các lớp học trước đó, cùng với xác nhận của nhà trường về việc được chuyển lên lớp học trên; Học sinh vào học tại trường THPT phải có văn bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp THCS tương đương bằng tốt nghiệp THCS của Việt Nam;

Học sinh đã học ở Việt Nam, sau thời gian học ở nước ngoài, khi về nước phải có bằng tốt nghiệp bậc học đã học ở Việt Nam;

Học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước năm xin học được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học.

Quy định về chương trình học tập: Chương trình học tập ở nước ngoài phải có nội dung tương đương với chương trình giáo dục của Việt Nam với những môn học thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Với những môn học thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải bổ túc thêm kiến thức cho phù hợp với chương trình giáo dục của Việt Nam;

Những học sinh đang học dở chương trình của một lớp học ở nước ngoài xin chuyển về học tiếp lớp học tương đương tại trường THCS hoặc THPT Việt Nam phải được nhà trường nơi tiếp nhận kiểm tra trình độ theo chương trình quy định của lớp học đó;

Học sinh muốn vào học trường trung học chuyên biệt (phổ thông dân tộc nội trú, trường chuyên, trường năng khiếu) thực hiện theo quy chế của trường chuyên biệt đó.

Với quy định tiếp nhận học sinh người nước ngoài, học sinh người nước ngoài có nguyện vọng vào học tại các trường THCS hoặc THPT phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp tương đương bằng tốt nghiệp của Việt Nam được quy định tại Luật Giáo dục Việt Nam đối với từng bậc học, cấp học;

Học sinh phải được kiểm tra sức khỏe khi nhập học. Trường hợp mắc các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam thì được trả ngay về nước. Khi mắc các bệnh thông thường phải điều trị trong vòng 3 tháng, nếu không đủ sức khỏe cũng được trả về nước;

Học sinh người nước ngoài trong năm xin học tại Việt Nam được gia hạn thêm 3 tuổi so với tuổi quy định của từng cấp học. Trong thời gian học tập tại trường trung học Việt Nam, học sinh người nước ngoài học các môn học bằng Tiếng Việt như đối với học sinh Việt Nam; Học sinh chưa biết Tiếng Việt sẽ phải học qua chương trình đào tạo Tiếng Việt dự bị, khi học hết chương trình phải được kiểm tra trình độ Tiếng Việt trước khi vào học chính khóa;

Học sinh người nước ngoài được phép lựa chọn học môn ngoại ngữ có trong chương trình học và không trùng với ngôn ngữ đang sử dụng.

Tác giả: Thanh Xuân

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP