Kinh tế

Hàng loạt khách sạn phố cổ đóng cửa

Mỗi sáng thức dậy, bà Hằng, chủ 8 khách sạn ở phố cổ mất hàng trăm triệu đồng. Từ khi nCoV bùng phát, bà đã sụt gần chục kg.

Chiều qua (27/2), bà Hằng cùng một nhóm chủ các khách sạn ở phố cổ Hà Nội hẹn gặp nhau. Thay vì kể những chuyện vui như các buổi gặp mặt mọi lần, họ ngồi đếm với nhau con số thiệt hại ban đầu và bàn tính các phương án để trụ qua dịch Covid-19.

Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, lượng du khách trong hai tháng đầu năm khoảng 3,56 triệu, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế chỉ 844.000 người. Tính riêng tháng 2, khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 45,5%. Tổng thu từ khách du lịch cũng giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do không có khách thuê phòng, một số người phải cho nhân viên nghỉ việc. Dù tạm dừng hoạt động, chủ khách sạn vẫn đang phải căng mình tìm kiếm các nguồn lực để bù đắp chi phí cố định, trả lương trợ cấp cho nhân viên.

Bà Phạm Thị Hằng được xem là một trong những người thiệt hại nặng nhất trong nhóm. Bà đã phải đóng cửa 3 trên 8 khách sạn ở phố cổ do tệp khách lâu nay chủ yếu là người trung và cao tuổi, quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Theo bà, khó khăn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12 – khi Trung Quốc bắt đầu khởi phát dịch bệnh. Từ đó, khách đặt phòng huỷ hàng loạt còn đến giờ không còn khách nào.

Sau gần 1 tuần đóng cửa, khách sạn của bà Hằng trên phố Lò Sũ đóng chiều 27/2 tắt hết đèn, chỉ còn 1 nhân viên trông coi. Ảnh: Anh Tú

Không có doanh thu trong khi vẫn phải chi trả các chi phí vận hành mỗi ngày, bà Hằng đành đóng cửa dần khách sạn, cho nhân viên nghỉ việc từ giữa tháng 2. "Trước khi cắt giảm, mỗi ngày mở mắt ra mất khoảng 300 triệu đồng, còn giờ co cụm lại vẫn mất khoảng 180 triệu đồng", bà nói. Bà đã dùng quỹ dự phòng để trả nhân viên trợ cấp thất nghiệp tối thiểu 1,5 triệu đồng một tháng với hy vọng giữ được họ đến khi hết dịch để phục hồi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn tiền này cũng sắp cạn.

Gần đây, bà bảo trong giấc ngủ cũng mơ thấy tiền. Hơn một tháng nay, bà đã sụt gần chục kg. "Tôi đã tính đến phương án xấu nhất. Nếu đến tháng 10 tình hình không được cải thiện, tôi có thể phải trả mặt bằng, dừng hẳn kinh doanh", chị Hằng nói. Bà và một số người còn tính trả mặt bằng rồi đi làm thuê cho các thương hiệu lớn vì đã có kinh nghiệm lâu năm làm quản lý.

Ông Đính, chủ 10 khách sạn quanh hồ Gươm cũng động viên cả nhóm: "Là thuyền trưởng, mọi người không thể bỏ lại con tàu đang đắm được. Cuộc sống của nhiều anh em cấp dưới, nhân viên đang trông chờ cả vào chúng ta".

Từ 5/2, ông Đính cũng phải đóng 3 khách sạn với 70 phòng. Sau 2 tháng dịch, ông ước tính thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. 10 cơ sở có hơn 200 nhân viên nhưng ông chưa cho ai nghỉ. Ông cố gắng duy trì bằng những cách như giảm số ngày làm việc từ 26 xuống 16, cấp quản lý nhận 80% lương, cắt giảm tiện ích của khách sạn...

Khách sạn tại Cầu Gỗ, một trong ba cơ sở của ông Đính đã đóng cửa vì dịch. Ảnh: Anh Tú

Hiện tại, thu được đồng tiền phòng nào, ông phải xoay trả nhân viên ngay. Sau khi giảm giá, công suất phòng của 7 khách sạn còn lại của ông Đính hiện cũng chỉ đạt 47%, kém xa mức cần để hoà vốn. Phương án xấu nhất trong hai tháng tới là phải đóng cửa thêm, trả lại một số khách sạn nhỏ hoặc sắp hết hợp đồng để dồn sức vào cơ sở lớn.

Dù vậy, ông vẫn cố giữ liên lạc chặt chẽ, liên tục với các hãng du lịch, lữ hành. Ông cho biết các đơn vị đối tác cũng đang tích cực tìm kiếm nguồn khách thay thế nhưng thực sự quá khó.

Gần 20 năm trong ngành khách sạn, ông Đính hay bà Hằng thực tế đã vượt qua dịch SARS hay khủng hoảng kinh tế nhưng đều nhìn nhận, chưa có giai đoạn nào khó khăn như hiện nay. Đến nay, họ vẫn tiếp tục phải chạy vạy lo lương, thu xếp với chủ nhà. Đồng thời, họ cũng đang rất mong chờ các biện pháp chung tay hỗ trợ cụ thể từ các cơ quan quản lý.

"Đã dấn thân kinh doanh, chúng tôi không có ý định xin miễn phí. Trong thời kỳ khó khăn, chúng tôi chỉ mong được lùi thời hạn nộp các loại thuế, phí của doanh nghiệp", bà Hằng nói. Còn ông Đính hy vọng ngân hàng sẽ có chính sách giãn nợ.

Với ông Bình, cũng là chủ hai khách sạn ở phố cổ, quan trọng nhất là duy trì được công ty, giữ được nhân viên trong giai đoạn này. Để có được đội ngũ chuyên nghiệp, các khách sạn thường phải mất công sức đào tạo hàng năm. Đây cũng là lúc để các đơn vị tự nhìn lại, đánh giá các sản phẩm chờ ngày trở lại.

Còn hiện tại, bà Hằng vẫn duy trì một nhân viên ban ngày và một ban đêm để trong coi, dọn dẹp sảnh khách sạn tại Lò Sũ. Bà nói, dù tạm dừng hoạt động, tôi vẫn muốn duy trì hình ảnh một khách sạn đẹp trong mắt mọi người.

Tác giả: Anh Tú

Nguồn tin: Báo Vnepress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP