Cộng đồng mạng

Chiếc mũ người lính gây sốt mạng xã hội

Những chiếc mũ của người lính đã hy sinh tại Trạm kiểm lâm 67 (vụ việc sạt lở núi đêm 12/10/2020) tại khu vực xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đăng trên báo Tiền Phong (ngày 15/10) đã gây “sốt” cộng đồng mạng. Hình ảnh những chiếc mũ giữa bùn lầy đã chọn đúng “điểm rơi” cảm xúc…

Những chiếc mũ cối còn sót lại hiện trường trong vụ sạt lở kinh hoàng. Ảnh: Văn Chương

Tuyến đường 71 chạy men giữa 2 khe núi cao. Đoạn đường từ trung tâm xã Phong Xuân vào đến Trạm kiểm lâm 67 là 20 km và đi thêm 10 km nữa thì tới Thủy điện Rào Trăng 3. Sáng 14/10, tuyến đường này đã được đặt hai chốt gác. Cánh báo chí bị giới hạn tác nghiệp, nên chỉ chạy vòng quanh trước trụ sở xã Phong Xuân, gặp vài nhân chứng, chĩa ống kính lên trời chụp ảnh chiếc trực thăng đang bay vào điểm nóng để thả hàng là…chấm hết! Muốn vào khu vực đang tìm kiếm 13 tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, lãnh đạo chính quyền vừa mất tích phải xin phép, nhưng cơ bản là khó mà vào được.

Quên đi cảm giác ẩm ướt của bộ quân phục, tôi gục đầu chào thật nhanh những người trực ở hai chốt gác đầu đường khi phi xe máy mượn của dân để đi vào điểm nóng là Trạm kiểm lâm 67. Hối hả chụp ảnh, hối hả quay phim trên đường đi. Vì đã 15 giờ chiều và màu u ám của núi rừng chẳng mấy chốc sẽ sập xuống, nhất là khi trời trút mưa tầm tã. Đi được gần 10 km trong con đường ngoằn ngoèo trên lưng núi thì đập tràn hiện ra và hàng trăm người lính công binh thuộc Lữ đoàn công binh 414, Quân khu 4 đang lót đá để nâng đường. Mưa lớn trút xuống biến đây chính là điểm cô lập, “nhốt” người vào rừng phải kiếm chỗ ngủ tạm.

Người chỉ huy ngăn tôi lại và nói luôn “ê, đi xe tay ga không trèo dốc nổi đâu, đường còn xa, trơn trượt và nguy hiểm, dừng lại ở đây chờ đón xe của các đoàn”. Cuối cùng, tôi vẫy được chiếc xe cứu thương và bỏ lại chiếc xe máy bên bờ suối.

Hiện trường ở Trạm kiểm lâm 67 tiếp cận đã khó, khi vào tới nơi và đi tìm góc độ chụp ảnh cũng khốn khổ như lúc tìm đường vào. Bởi bùn ngập ngụa khắp nơi, ngập tới đầu gối, thậm chí sâu hơn nữa. Tôi rời xa đám đông đang đào xới phụ họa cùng chiếc xe gàu múc và dõi theo một người lính đang cúi mặt, mắt không rời mặt đất. Gần đó là những tấm tôn bị xé nát, cắm xuống bùn, như những vệt dao lam cứa vào da thịt. Giữa bãi bùn đất có những chiếc mũ cối nằm cạnh nhau…

Người lính này khoát tay chỉ về hướng chiếc mũ cối và phán đoán có ai đó chạy theo hướng này rồi trôi ra vực núi, những chiếc mũ cối có thể xem là vật dẫn đường. Còn tôi thì cố hình dung những góc độ nào khi chụp sẽ lưu lại cảm xúc, chứa đựng nhiều nội dung, thông điệp nhất.

Phải ném thêm hai đoạn cây, vài hòn đá tôi mới tiến lại hơi gần những chiếc mũ cối và chụp. Những tấm ảnh này rõ ràng có tính biểu cảm hơn hẳn hình ảnh những người lính đang ra sức đào xới giữa bãi bùn lầy. Vì nhìn vào chiếc mũ nằm cạnh, những manh quần áo, vài đồ vật sót lại, người đọc có thể hình dung rằng, 13 liệt sĩ đã nằm xuống, nhưng họ mãi mãi là ánh sao, là niềm thương cảm trong tâm trí người ở lại…

Trong xe cứu thương có 3 quân nhân. Chiếc băng ca màu đỏ được đặt cạnh một can đựng cồn dung tích 50 lít. Mùi cồn trên xe cứu thương tạo ra cảm giác ớn lạnh, vì liên quan đến việc ướp, rửa tử thi đã bị chôn vùi 3 ngày trong bùn lầy.

Tác giả: Lê Văn Chương

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP