Đó là câu chuyện của Lâm Đức Nhuận (SN 1992, TP.HCM).
Gần 10h tối, Đức Nhuận mới hoàn thành xong chuyến xe cuối cùng trong ngày và bắt đầu có thời gian để trò chuyện. Anh cho biết, một ngày sẽ bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc và lúc đêm muộn, thậm chí có ngày sẽ chạy đến 12h đêm nếu vẫn có khách đặt. Ngày đông khách, Đức Nhuận sẽ lái khoảng 30 cuốc xe, còn ngày bình thường thì dưới 25 chuyến.
Để kể chi tiết về mình, Đức Nhuận cho hay đó là một hành trình dài từ những ngày chưa có ý định đi du học rồi lại trở thành sinh viên RMIT ở Úc; khi còn làm thêm tại tiệm bánh mì của gia đình đến cửa hàng khởi nghiệp đầu tiên ở nước ngoài và phá sản; đến những ngày quay trở lại Việt Nam bắt đầu với công việc văn phòng - nghỉ việc - rồi rong ruổi từ shipper đến tài xế xe công nghệ như hiện tại.
Đi lên từ số 0, thành ông chủ rồi lại quay về điểm ban đầu
Đức Nhuận cho biết, ban đầu anh và gia đình đều không có suy nghĩ đến việc sẽ đi du học. Tuy nhiên may mắn, Nhuận lại trúng suất đi học trao đổi ở nước ngoài, thời còn đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Việt Nam.
Năm 2011 - cột mốc đầu tiên của Đức Nhuận là học ngành IT tại trường Đại học ở Malaysia. Song, anh nhận thấy khả năng tiếng Anh của mình chưa thực sự tốt để đáp ứng môi trường quốc tế nên sau khi học xong, Nhuận trở lại Việt Nam.
Đến năm 2012, Đức Nhuận chính thức đặt chân đến Úc để theo học ngành Kế toán doanh nghiệp tại Đại học RMIT. “Khá may mắn khi lúc đó, Úc đang nới điều kiện cho sinh viên quốc tế nên chỉ khoảng 6 ngày nộp hồ sơ, mình đã đậu visa. Sang Úc, mình được cô ruột sống tại Melbourne hỗ trợ về chỗ ở, ăn uống,...”, Nhuận kể.
![]() |
Lâm Đức Nhuận từng là du học sinh Úc |
![]() |
Anh theo học ngành Kế toán doanh nghiệp tại Đại học RMIT (Úc) |
Ngay sau ngày đầu tiên đến Úc, Nhuận đã nhanh chóng bước chân vào lò bánh mì của gia đình để học việc và làm thêm để có chi phí trang trải cuộc sống. Một ngày khi đó của Đức Nhuận sẽ bắt đầu từ 2h sáng để nướng bánh, 6h đi tàu điện đến trường học, chiều họ thêm tiếng Anh và những thời gian rảnh khác lại cắm mặt ở lò bánh mì. Có những ngày, anh chỉ ngủ khoảng 4 tiếng để có thể hoàn thiện đủ bài tập và vẫn đảm bảo thời gian cho công việc.
Bắt đầu là một “tay mơ” nhưng sau thời gian làm ở tiệm bánh, Đức Nhuận thấy công việc này cũng phù hợp và không quá khó với mình. Do đó sau khi tốt nghiệp, anh đã quyết định khởi nghiệp, mở một tiệm bánh mì ở khu Richmond (vùng ngoại ô phía Đông TP Melbourne).
“Mình có thử kiếm việc ở công ty nhưng thời điểm mình tốt nghiệp tại Úc là năm 2016, ngành kế toán đang có phần bão hòa, tỉ lệ cạnh tranh nhiều nên sinh viên quốc tế như mình rất khó để xin việc. Do đó từ số vốn có được, cộng thêm sự hỗ trợ của gia đình, mình mở tiệm bánh đầu tiên. Doanh thu ban đầu khá ổn, đủ để trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên sau một thời gian thì vị trí cửa hàng không thuận lợi, tiền mặt bằng cao và một số vấn đề khác nên kinh doanh thua lỗ, năm 2019 mình đóng cửa tiệm”, Lâm Đức Nhuận kể.
Sau khi phá sản, Đức Nhuận đi làm thêm một số công việc khác trong vòng 2 tháng rồi quyết định quay trở lại Việt Nam. Nói về cảm giác thất bại đầu tiên ở xa nhà, anh bày tỏ: “Cũng có một phần buồn và bồn chồn. Lúc về nước mình cũng có chút gì đó tiếc nuối vì dù sao mình cũng đã dành 7 năm thanh xuân ở Úc, cũng đã có những lúc thành công tự mua được xe riêng, thu nhập tốt. Hành trình của mình là đi từ con số 0, thành ông chủ rồi lại quay trở về điểm ban đầu nên cũng có khá nhiều suy nghĩ”.
![]() |
Thời gian đi học, Đức Nhuận làm thêm tại tiệm bánh mì của gia đình |
![]() |
Trước khi trở về Việt Nam, anh từng làm chủ một cửa hàng riêng tại Úc |
Làm shipper, chạy xe ôm để kiếm vốn khởi nghiệp lần 2
Thời gian đầu tiên trở về Việt Nam, Đức Nhuận “dắt túi” vài trăm đô để không phải phụ thuộc vào gia đình. Anh đi du lịch 1 tháng để thư giãn, sau đó vào làm nhân viên văn phòng tại một công ty ngành vận tải. Tuy nhiên, vốn làm việc trái ngành, cộng thêm việc cảm thấy không phù hợp với môi trường công sở, Đức Nhuận xin nghỉ việc để làm những thứ tự do hơn.
Anh được một người bạn giới thiệu đi làm shipper giao đồ ăn trên ứng dụng công nghệ. “Mình bắt đầu làm shipper từ năm 2020, công việc này thì cho mình thu nhập dao động 15 - 20 triệu đồng/tháng, cũng tương đương với mức lương khi đi làm văn phòng. Mình thấy công việc này khá thú vị vì được đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều người, thậm chí có thể học được cách vận hành của các quán ăn, nhà hàng mà mình đến”, anh Nhuận nói.
Đỉnh điểm là khoảng thời gian dịch Covid-19, Đức Nhuận nhận thấy rằng công việc shipper cũng là một nhánh của logistic và ngày càng cần thiết, quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy với góc nhìn của mình, cùng thế mạnh có ngoại ngữ tốt, Đức Nhuận phát triển bản thân theo hướng học hỏi từ công việc đang làm, lấy kinh nghiệm để phát triển du lịch và xa hơn là khởi nghiệp tiệm bánh mì riêng ở Việt Nam.
![]() |
Từ shipper giao hàng, Đức Nhuận chuyển qua xe ôm công nghệ và hiện tại là tài xế xe ô tô công nghệ |
“Mình chuyển hướng sang chạy xe ôm công nghệ để có thể tiếp khách nước ngoài. Vì trở ngại của đa số khách du lịch là ngôn ngữ nên trong chuyến xe của mình, mình luôn chủ động trao đổi, họ cần giúp gì mình đều sẵn sàng. Dần dần họ book mình làm hướng dẫn viên riêng, đưa đi khám phá thành phố và cũng giao lưu, trò chuyện nhiều hơn. Từ đó mình bắt đầu xác định được thêm hướng đi cho bản thân”, Đức Nhuận chia sẻ.
Hiện tại, anh đã “nâng cấp” từ tài xế xe ôm lên thành tài xế xe ô tô công nghệ để tiếp tục hành trình làm tour du lịch của mình. Đức Nhuận hoạt động song song khi có khách du lịch đặt tour, anh sẽ tập trung vào việc đưa họ đi trải nghiệm. Còn lại những thời gian khác, anh vẫn chạy xe đưa khách di chuyển trong thành phố để kiếm tiền. Cùng với đó, Nhuận tự học thêm tiếng Đức và sắp tới là tiếng Trung Quốc để phục vụ khách du lịch.
Đức Nhuận chia sẻ: “Công việc này mình hay nói vui là có làm mới có ăn, nếu mình siêng một chút sẽ đạt được thu nhập như mong muốn. Mình tự đặt cho bản thân phải kiếm 1 triệu/ngày. Vì mình có rất nhiều dự án đang ấp ủ cần đến thu nhập. Sau khi có thể hoàn thiện được về định hướng du lịch, phát triển công ty ổn định, mình sẽ tính đến tiếp về thương hiệu bánh mì”.
“Mình nghĩ là 2 năm, với sự nỗ lực hiện tại và nếu may mắn thì sau 2 năm nữa mình sẽ mở được tiệm bánh mì”, Đức Nhuận hào hứng nói thêm.
![]() |
Anh dự định vừa chạy xe kiếm tiền, vừa làm du lịch song song và sau này sẽ mở lại tiệm bánh mì ở Việt Nam |
Chạnh lòng khi nghĩ đến mẹ, người luôn nói: “Cố lên con”
Mặc dù luôn cố gắng trên con đường riêng của mình, biết mình muốn gì và cố gắng từng bước để đạt được nhưng khi nhắc tới gia đình, Đức Nhuận vẫn có một chút chạnh lòng. Anh cho biết, mẹ luôn đặt kỳ vọng để con trai có một cuộc sống ổn định ở Úc. Tuy nhiên thời điểm còn là du học sinh, anh từng đưa mẹ sang chơi và biết cuộc sống ở nước ngoài không màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ nên khi trở về Việt Nam làm việc, mẹ của Nhuận vẫn luôn ủng hộ.
“Mẹ chỉ nói: ‘Cố lên con, mình thất bại ở đâu thì đứng lên ở đó. Để cho mọi người thấy mình không từ bỏ’. Cũng từ đó mà mình có thêm động lực để làm việc. Thực sự mình cũng cảm thấy có lỗi với mẹ. Ba mình mất sớm, mẹ là người chăm lo cho mình từ nhỏ. Bên ngoài, nhiều người cũng nói ra nói vào rằng sao đi du học về rồi lại chạy shipper, sao không kiếm công việc ổn định,... Những lần như vậy, mẹ luôn bênh vực mình, cho mình thời gian để phát triển chứ không gò bó. Hiện thì mình cũng đang đi lên từ từ, chậm mà chắc”, Đức Nhuận chia sẻ.
Về những ý kiến trái chiều, cho rằng năng lực yếu kém hay thất bại, Đức Nhuận chỉ cười xòa vì mỗi người sẽ có những góc nhìn khác nhau, anh cũng không trách hay đôi co. Thế nhưng, Đức Nhuận quan niệm: “Mọi người đừng đặt nặng vấn đề cứ đi du học, ở lại nơi đó làm việc mới là thành công. Với mình, định nghĩa thành công là tự vượt qua được giới hạn bản thân, nhận được những điều xứng đáng. Mình cũng không có áp lực đồng trang lứa vì mỗi người có xuất phát, hay mục tiêu, hành trình phát triển riêng. Mình chỉ tự đi lên và tự tin vào con đường của mình”.
Cuối cùng, Đức Nhuận bày tỏ anh cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Được gần gia đình, được gần bạn bè và vẫn có thể làm những gì mình thích và học hỏi nhiều hơn mỗi ngày. “Mình nghĩ, đam mê và ước mơ đôi khi chỉ đến 1 lần, nên nếu được hãy cứ sống chết vì nó. Cứ sẵn sàng bỏ hết những sĩ diện nghề nghiệp xuống để làm công việc mà mình thấy phù hợp, yêu thích và miễn sao bản thân cảm thấy hài lòng và hạnh phúc là được”, Đức Nhuận chia sẻ.
Tác giả: Trúc Hà/ Ảnh: NVCC
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn