Cuộc sống

Bẽ bàng khi 'quý ông cháy túi'

Xã hội hiện đại nhưng vẫn không ít chị em áp dụng triệt để phương châm “muốn giữ được chồng trước hết phải “quản” được ví tiền của anh ta” khiến cho các ông chồng nhiều phen bẽ bàng…


1 UXXJ jpg ashx
Hình minh họa


Được xếp vào diện xinh xắn, học hành bài bản, lại thu nhập khá ở một cơ quan nhà nước nên Thảo My được khá nhiều đàn ông theo đuổi. Nhưng khi đã trải qua nhiều mối tình thì bến bờ hạnh phúc với My lúc đó phải là người đàn ông chín chắn, gia thất đề huề.

Tuấn xuất hiện đúng như niềm mong ước của My: con một, sở hữu hai ngôi nhà nội thành Hà Nội, công việc ổn định tại một tập đoàn kinh tế đang lên như diều gặp gió. Chỉ có điều trong khi Thảo My thông minh, hoạt bát thì Tuấn có vẻ hơi đù đờ. Dẫu vậy sau khi tính toán ngược xuôi, Thảo My vẫn coi đây là “người đàn ông đích thực của đời mình”.

Ngay sau đám cưới, Thảo My đã rạch ròi mọi chuyện tiền bạc với chồng. Cô giao ước toàn bộ tiền lương hàng tháng đổ vào tài khoản, cô sẽ là người quản lý. Tiền thưởng Tuấn phải nộp về ½. Đổi lại, mỗi tháng My sẽ đưa lại cho chồng 2 triệu để anh chi tiêu bên ngoài. Tuấn phản ứng. Vợ anh nhỏ nhẹ: “Ngày anh ăn ba bữa cơm nhà, rượu không biết uống, cà phê không, thuốc không. Tiền bạc em phải dành dụm cho con sau này”.

Nghe vợ, Tuấn cũng xuôi xuôi. Từ ngày lấy vợ, những cuộc gặp gỡ bạn bè thưa dần, thậm chí trong cơ quan có ai rủ đi ăn, đi chơi, Tuấn cũng phải tính xem nếu mình nhận lời thì lần sau mình có phải mời lại họ hay không… Lâu dần, mọi người thấy Tuấn hay có nhiều lý do từ chối nên cũng ngãng ra.

Một ngày, sau ca làm chiều, Tuấn bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một người bạn thân từ nước ngoài trở về. Lâu không gặp, nghe điện thoại xong Tuấn vội chạy ngay đến khách sạn nơi người bạn ở. Tối đó, hai ông bạn vàng dẫn nhau đi nhậu tới khuya. Đến lúc tính tiền, nhìn hóa đơn Tuấn mới sực tỉnh. Trong ví anh kể cả mấy chục USD tiền mừng tuổi để ví cho lấy may thì cũng không đủ trả hai suất ăn ở khách sạn cao cấp.
Vốn là người thật thà, lại gần như không biết xử lý tình huống nên Tuấn đành cầu cứu người bạn trong bẽ bàng tột độ… Đêm đó trở về, Tuấn cãi nhau với vợ một trận nảy lửa. Bao nhiêu tích tụ được dịp bung ra. Còn Thảo My, chưa bao giờ cô nghĩ chồng lại trái lời nên ngay hôm sau, cô đem chuyện trình báo sang cả nhà nội, nhà ngoại. Chuyện bé xé ra to, chưa giải quyết được chuyện nhà thì Tuấn nhận quyết định luân chuyển công tác đến một huyện ngoại thành do tập đoàn làm ăn thua lỗ.

Từ chỗ đưa vợ tất cả tiền lương, Tuấn thu về lo cho cuộc sống đơn độc xa nhà, My được dịp càng làm già. Những cuộc cãi vã liên tục xảy ra đến nỗi thay vì mong mỏi cuối tuần phóng xe về với vợ con, Tuấn ở lại luôn nơi công tác, hết tuần này đến tuần khác. Hôn nhân của họ đang đứng trên bờ vực…

Không như Tuấn, vợ chồng anh Tiến Quang lại có một cách chi tiêu khác hẳn. Toàn bộ tiền lương anh Quang sẽ để lo mọi chi tiêu trong nhà còn tiền thu nhập từ cửa hàng ăn uống, chị Quỳnh cất để dành với lý do sau này còn lo những việc lớn. Thỏa thuận và thực hiện nhiều năm như vậy nên đến khi bọn trẻ đã lớn, nhu cầu chi tiêu càng nhiều, cộng thêm thu nhập của anh Quang lại sụt giảm nên cứ có việc anh Quang lại phải ngửa tay xin tiền vợ.

Nào là tiền chi tiêu, đình đám, cưới hỏi, ốm đau…chưa kể chuyện phải quan hệ bạn bè, đối tác. Bị chồng đòi hỏi “hỗ trợ” thêm liên tục, chị Quỳnh ấm ức, khó chịu. Mỗi lần đưa tiền cho chồng chị lại chì chiết, đay nghiến khiến vợ chồng càng thêm mâu thuẫn. Đỉnh điểm, khi gia đình anh Quang xây lại phần mộ cho bố đẻ, anh Quang yêu cầu vợ đưa 40 triệu góp vào với các anh chị em nhưng chị Quỳnh lại cho rằng anh không phải con trưởng nên không cần phải đưa nhiều như thế.

Trong cơn tức giận, anh Quang đập vỡ cả ti vi, đầu đĩa, máy tính trong nhà… Đến nay sau gần 1 tháng, chị Quỳnh vẫn bỏ về nhà ngoại còn anh Quang cũng chưa chịu làm lành với vợ…

Mỗi gia đình là một cách chi tiêu. Thời buổi khó khăn, nhu cầu ngày càng lớn, nếu không biết cách thu vén thì sẽ không đảm bảo cuộc sống, nhất là trong trường hợp xảy ra những bất trắc cần đến những khoản tiền lớn.

Tuy nhiên, việc quản tiền của chồng như thế nào, các bà vợ cũng phải tính toán để phù hợp với hoàn cảnh của mỗi gia đình. Đành rằng, phụ nữ là tay hòm chìa khóa trong nhà, không thể để chồng tự nguyện muốn đưa bao nhiêu thì đưa nhưng điều đó cũng không có nghĩa là tàn nhẫn móc ví của chồng đến độ anh ta chẳng dám ra ngoài, chẳng dám giao lưu với ai.

Người xưa có câu giàu vì bạn, sang vì vợ, nếu các bà vợ quản lý chặt đến nỗi làm cho các ông chồng muối mặt với bạn bè, người thân… thì ắt sẽ sinh ra chuyện quỹ đen, vợ chồng mâu thuẫn, thậm chí là tan vỡ…

Theo kinh nghiệm, thay vì phụ nữ chỉ nhìn chăm chăm vào ví tiền của chồng thì hãy để cho họ tự do, nhưng phải hiểu giá trị đồng tiền trong duy trì cuộc sống gia đình để cùng biết cộng hưởng, chia sẻ trách nhiệm trong những lúc yên bình và cả khi khó khăn.


Tác giả bài viết: Ngọc Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP