Xã hội

Anh Sơn: Bản Thái 11 năm liền không sinh con thứ 3

Về bản Đà Hội, một bản đồng bào người Thái ở xã miền núi Bình Sơn, huyện Anh Sơn, chúng tôi được biết đã 11 năm nay ở đây không có người sinh con thứ 3. Nhiều gia đình trong bản dù sinh con một bề là gái, nhưng họ cũng không sinh thêm mà tập trung xây dựng cuộc sống, chăm lo nuôi dạy con cái.

Cán bộ dân số xã Bình Sơn cùng với cộng tác viên dân số bản Đà Hội tuyên truyền công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho chị em trong bản

Bản Đà Hội nằm ven bờ sông Lam, cách trung tâm huyện Anh Sơn gần 30 km, bản có 26 hộ, 110 nhân khẩu trong đó 100% là đồng bào dân tộc Thái. Là một bản vùng cao, nhưng Đà Hội là bản đầu tiên của huyện Anh Sơn sớm từ bỏ việc phát rừng làm nương rẫy, là địa phương tiêu biểu của huyện Anh Sơn trong phong trào kế hoạch hoá gia đình khi 11 năm liền không có người sinh con thứ 3. Có được sự đồng thuận này là kết quả của một quá trình tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bà con.
Hình thức tuyên truyền vận động, tư vấn tại hộ gia đình, chú trọng đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng sinh con một bề được bản triển khai hiệu quả

Bà Vi Thị Thỏa- cộng tác viên dân số, người có nhiều đóng góp trong công tác vận động KHHGĐ của bản thật thà chia sẻ: “Trước năm 2000, cả bản Đà Hội có tới 80% số hộ nghèo, đói. Đói quá, những người đứng đầu bản bàn bạc với nhau phải làm gì đó để thoát nghèo. Lúc đó, mọi người nhận ra không nên sinh nhiều con để có cái ăn mà trữ, để nuôi con cho tốt, vậy nên cả bản mới ra quy ước các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3”.
Chị em phụ nữ bản Đà Hội cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp tránh thai hiện đại an toàn

Sau khi ra quy ước, bản Đà Hội thành lập CLB “không sinh con thứ 3” với sự tham gia của các cặp vợ chồng trẻ, đang trong độ tuổi sinh đẻ. Ngoài sinh hoạt CLB đều đặn hàng tháng, cán bộ dân số xã, bản đến từng nhà tuyên truyền bà con loại bỏ hủ tục, chỉ rõ tác hại của việc sinh con đông và vận động bà con thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, đến nay CLB đã có 20 cặp vợ chồng tham gia, 100% cặp vợ chồng chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đặc biệt, với những gia đình sinh con một bề hoặc những cặp vợ chồng chưa nhận thức thấu đáo về công tác này, việc tuyên truyền được bản thực hiện theo phương châm liên tục, bền bỉ, mưa dầm thấm lâu, định kỳ hàng tháng tổ chức vận động, tư vấn tại hộ gia đình, vì vậy, nhận thức của người dân về vấn đề này ngày được nâng lên.
Nhờ thực hiện tốt KHHGĐ chị Hà Thị Năm ở bản Đà Hội đã tập trung vào phát triển chăn nuôi.

Gia đình chị Hà Thị Năm, sinh con 1 bề cả hai đều gái, là một điển hình trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình và phát triển kinh tế ở bản Đà Hội. Chị Năm cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ mong muốn có sức khỏe để phát triển kinh tế gia đình và lo cho hai con ăn học đầy đủ, cuộc sống bớt khó khăn, vất vả”. Hiện nay gia đình chị tập trung chăn nuôi lợn, trâu bò. Mỗi năm nuôi từ 2 đến 3 lứa lợn và 4 con trâu bò. Ngoài chăn nuôi, gia đình chị còn trồng mía, sắn nguyên liệu. Hiện kinh tế gia đình thuộc diện khá giả trong bản, hai cháu đều chăm ngoan, học giỏi, biết kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ, nhiều năm liền gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa”.

Nhiều gia đình trong bản đã có cuộc sống khá giả
Đời sống người dân bản Đà Hội đang khởi sắc từng ngày

Cùng với thực hiện chính sách dân số, bản Đà Hội xã Bình Sơn còn vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi trong đó tập trung trồng rừng, mía nguyên liệu, nuôi trâu bò, lợn hàng hóa. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của địa phương cũng có nhiều thay đổi, không còn tập quán đốt rừng làm nương rẫy, chăn nuôi thả rông như trước, người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% số hộ đều có tivi, xe máy, an ninh trật tự được giữ vững. Bản không có người nghiện và mắc các tệ nạn xã hội, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo đều giảm từ 2- 3%.

Tác giả bài viết: Thái Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP