Pháp luật

Bài 5: Nhiều uẩn khúc cần được cơ quan công an Nghệ An điều tra làm rõ

Những bất thường trong cái chết của nữ kế toán, đã được Luật sư Nguyễn Duy Dụ phân tích, đánh giá chứng cứ và nêu quan điểm thống nhất đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc, vì có dấu hiệu của tội phạm.

Bài 1: Người con trai từ Mỹ gửi đơn kiến nghị làm rõ cái chết bất thường của người mẹ tại Nghệ An
Bài 2: Cần làm rõ chủ nhân của những cuộc điện thoại lạ đến số máy nạn nhân

Bài 3: Những bức ảnh… “biết nói”
Bài 4: Có dấu hiệu của việc dựng hiện trường giả?


Cẩu thả hay tắc trách?!

Theo phân tích của Luật sư Nguyễn Duy Dụ: Một điều đáng được chú ý nữa trong biên bản khám nghiệm và trong nội dung văn bản số 6561/HS-Đ3, ngày 29/11/2012 của Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Nghệ An do Thủ trưởng Thượng tá Phạm Hoài Nam trả lời ông Ngô Sỹ Mỹ (chồng nạn nhân).

Trong biên bản có ghi: "Sau khi khám ngoài xong không giải phẫu tử thi khám bên trong vì gia đình chị Đào Thị Hoa (bên nội và bên ngoại) thống nhất viết đơn xin không yêu cầu khám nghiệm tử thi và cam đoan chị Đào Thị Hoa chết do tự mình treo cổ, gia đình không khiếu kiện gì.

Đơn do anh Thái Bá Dũng công tác tại Đội điều tra hình sự công an thành phố Vinh đại diện bên nội, anh Đào Quang Nghị (em trai chị Hoa) công tác tại Đảng ủy khối cơ quan các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đại điện bên ngoại viết có xác nhận của chính quyền xã Bắc Thành.

Xác định không thấy có dấu hiệu tội phạm nên Hội đồng khám nghiệm đồng ý cho gia đình đưa tử thi chị Hoa về mai táng theo phong tục tập quán”.

Trong khi đó, theo lời của anh Nghị, em ruột nạn nhân: “Tối ngày 12/09/2012, sau khi phát hiện chị Hoa chết, ông Ngô Sỹ Thập, Trưởng công an phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An có tổ chức cuộc họp tại nhà anh Mỹ.

Lúc này mẹ tôi là Hoàng Thị Thào có mặt tại đây đã kêu khóc: “Các anh làm thế nào thì làm chứ con tôi không tự tử, con tôi bị giết, bị chết oan, mổ tử thi thì mổ chứ chết rồi thì biết chi đau đớn”.

Lúc này có rất đông người gồm cán bộ tỉnh, huyện, xã, bà con ngõ xóm và gia đình bên nội, ngoại đều biết sự việc này.

Anh Thập còn nói gia đình cần động viên mẹ tôi đừng kêu khóc làm ồn ào, và ngày mai không nên cho mẹ tôi đến hiện trường để công việc khám nghiệm ngày mai được tiến hành nhanh gọn, kịp giờ khâm liệm”.

Cũng theo lời anh Đào Quang Nghị, anh không tham gia chứng kiến khám nghiệm hiện trường, tử thi, nhưng có ký vào Biên bản theo yêu cầu của cán bộ khám nghiệm. Lý do, theo lời của cán bộ khám nghiệm, là để nhanh chóng nhận tử thi về khâm liệm lo ma chay theo phong tục (theo Bản tường trình ngày 20/08/2016 của anh Nghị).

Ngoài những nội dung nêu trên, còn một số sự việc thực tế xảy ra nhưng Hội đồng khám nghiệm không đưa vào Biên bản khám nghiệm như: chiếc điện thoại của nạn nhân ở túi áo, chìa khóa để túi áo nạn nhân (đây là vấn đề quan trọng) và đôi dép của nạn nhân để cách hiện trường từ 200 m-300m.

Nạn nhân Đào Thị Hoa là kế toán trưởng bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành là người nắm, quản lý về việc thu – chi tài chính kế toán có liên quan đến nhiều khoản chi theo chế độ (ví dụ như BHXH, BHYT…) nên cần thiết phải xem xét, kiểm tra kỹ nội dung.

Đây là nội dung quan trọng không thể bỏ qua được, vì trước đó đã có dư luận ở địa phương về việc có dấu hiệu tham nhũng liên quan đến một số cán bộ trong bệnh viện Yên Thành. Đề nghị truy tìm cuốn sổ theo dõi thu- chi cá nhân do chị Hoa nắm giữ đã bị mất khi chị Hoa chết.

Đề nghị cho giám định chữ viết trong tờ giấy nghi do nạn nhân viết để lại “cháu nấu cơm ăn, dì không về”. Những nội dung nêu trên cho thấy, trong vụ việc này do cẩu thả hay tắc trách của cơ quan chức năng? Điều này cần phải làm rõ.

Hiện trường thật ở đâu?

Cũng theo Luật sư Dụ, cần xác minh làm rõ việc một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Yên Thành, sáng ngày 12/09/2012 đến trường tìm gặp cháu Nghĩa có việc gì? (nhiều nghi ngờ trong việc này). Vì trước đó hai người này không hề quen biết nhau. Tại sao lại biết tên cháu Nghĩa, trong hoàn cảnh nào và tìm gặp với mục đích gì?

Bản tường trình của Nguyễn Văn Nghĩa.

Tại buổi tiết xúc vói Luật sư Dụ, Nghĩa đã viết bản tường trình và vẽ sơ đồ gửi Luật sư Dụ, điều đáng nói là nhiều câu hỏi của Luật sư khiến Nghĩa khó trả lời hoặc trả lời "không nhớ".

Những tình tiết nêu trên đều được Luật sư Nguyễn Duy Dụ đưa vào đơn kiến nghị, gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét lại và làm rõ.

Luật sư Dụ đánh gía, căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường thấy còn nhiều điều mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Cụ thể, căn cứ nội dung biên bản khám nghiệm hiện trường mô tả và bản ảnh chụp thì nạn nhân Đào Thị Hoa không thể chết bằng cách treo cổ được vì lẽ: đầu gối và chân vẫn tiếp đất, nút buộc ở cổ nạn nhân cách đất 0.83m (trong khi nạn nhân cao 1.53m), dây treo cổ không căng và không theo phương thẳng đứng rơi tự do khi có trọng lượng.

Căn cứ vào khám nghiệm tử thi và dấu vết để lại trên nạn nhân thấy: Lưỡi nạn nhân chưa thè ra khỏi miệng (hai môi miệng), mặt nạn nhân không hề phù nề, tím (da mặt vẫn thấy trắng tự nhiên. Điều đó có thể thấy đây là một hiện trường nghi giả (nạn nhân chết trước khi treo cổ).

Vậy hiện trường thật ở đâu? Đây là một ẩn số mà cơ quan điều tra chưa xác minh làm rõ. Thê nhưng, có một điều đáng chú ý được đặt ra là sáng ngày 11/09/2012, nạn nhân đi khỏi nhà từ 5h39 phút đến 6h04 phút đã có mặt tại Bệnh Viện và đến 10h24 phút lại quay về nhà (xe máy dựng ở sân, dây chuyền vàng bị đứt rơi trên ghế bàn uống nước, túi xách đi làm việc hàng ngày thường có quyển sổ không thấy.

Từ 11h đến 11h30 Nghĩa đi học về theo lời trình bày của Nghĩa, mẹ Nghĩa, bà ngoại của Nghĩa còn nhiều mâu thuẫn cần phải được xác minh để xác định sự thật khách quan.

Từ những phân tích, đánh giá và viện dẫn nêu trên, Luật sư Dụ đặt câu hỏi; phải chăng đây là một vụ án mạng?

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tác giả bài viết: Nhóm PV Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP