Giáo dục

47 người thầy cõng chữ lên đỉnh trời Mường Lống

Được mệnh danh “ngôi trường đặc biệt 40 năm không có cô giáo”, cũng là ngần ấy năm nhiều thế hệ giáo viên trường Tri Lễ 4 đã lên đỉnh trời Mường Lống dạy chữ, từ khi phải băng rừng cả ngày mới vào được bản, ngủ trên những chiếc sạp đóng bằng thân tre nứa đập dập giữa cái rét cắt da giữa biển mây, leo núi lên tận những nương rẫy xa cõng từng đứa học sinh về trường bắt học.

Trường tiểu học Tri Lễ 4 được thành lập từ năm 1976, điểm chính nằm tại bản Mường Lống.

Nằm ngay dưới chân và trải dài lên dãy Phà Cà Tún - dãy núi cao hơn 1.000 m từ mực nước biển, về phía Tây Nam, cách trung tâm huyện miền núi Quế Phong tỉnh Nghệ An hơn 30 km, xã Tri Lễ có chiều dài đường biên giới 17 km với Lào. Tri Lễ là xã cao nhất, khó khăn nhất. Xã có 8 bản người Mông, gần như cách biệt với bên ngoài. Không đường, không điện, không nước sạch, không Internet, không nhà vệ sinh, không trạm y tế, không hàng quán.

Trường tiểu học Tri Lễ 4 được thành lập từ năm 1976, điểm chính nằm tại bản Mường Lống. Mường Lống, theo một thầy giáo người H’Mông bản địa giải thích, có nghĩa là vùng rừng sâu mênh mông đến nỗi lạc lối. Trường có 5 điểm lẻ nằm tại các bản Huổi Xái 1, Huổi Xái 2 (vẫn theo thầy giáo cắt nghĩa, tiếng Thái nghĩa là Khe Cát, dòng suối có nhiều cát), Huổi Mới 1, Huổi Mới 2 (Khe Gấu, dòng suối có nhiều gấu) và Nậm Tột (Khe suối tận cùng).

Cách trở biệt lập, không điện không sóng điện thoại, nên cứ vào trường là “rơi vào hang”

Đường đi hiểm trở, địa hình khắc nghiệt nên 40 năm nay lên Tri Lễ chỉ có các thầy giáo trẻ khỏe. Tuy nhiên, đến đầu năm học này, danh xưng “ngôi trường chỉ toàn thầy giáo” đã bị phá vỡ lần đầu tiên, với cô giáo duy nhất người H’Mông dạy hợp đồng ở điểm trường Huổi Xái 2. Nhà cô cũng ở ngay bản này.

Sau nhiều thế hệ thầy giáo, hiện Tri Lễ 4 có tổng cộng 47 giáo viên và nhân viên, trong đó 24 thầy - một cô người H’Mông, 15 thầy người Thái và 7 thầy người Kinh, dạy khoảng 400 học sinh ở rải rác 6 bản.

Cách trở biệt lập, không điện không sóng điện thoại, nên cứ vào trường là “rơi vào hang”, như thầy Hiệu phó Nguyễn Trọng Quyền ví von. Có thầy giáo, cha mất ở nhà nhưng mấy ngày sau về mới biết.

Bây giờ, muốn liên lạc lên Tri Lễ 4 cũng chỉ có ba cách. Một là gọi các thầy ở các điểm trường nơi có sóng, nhờ họ xuống tận điểm chính nhắn tin. Hai là chờ người thân kiếm được điểm có sóng, chủ động gọi về. Ba là viết thư, ra đoạn ngã ba rẽ vào Mường Lống, đón xem ai về bản thì gởi theo.

Nơi núi cao biên viễn, một năm chỉ có 3 tháng nắng trong, đường khô ráo, còn đến 9 tháng chìm trong sương mù, mưa rừng và giá rét.

Ở Tri Lễ 4 có một điểm duy nhất có thể dò sóng điện thoại. Đó là dốc Thầy Tài nằm phía trên trường, cách độ 10 phút đi bộ, có thể nhìn thấy lúc đứng ở sân trường. Nó nằm trên một đỉnh núi. Có tên đó là vì cách đây vài năm thầy giáo tên Tài lên dò sóng gọi điện thoại về nhà đã bị ngã gãy chân. Ngay trong chiều tối, anh em trong trường và dân bản móc chiếc chăn đơn làm cáng, khiêng bộ thầy ra đường nhựa vì trời mưa lầy và đêm tối, không thể đi xe được.

Sau cú ngã, thầy Tài được chuyển về trường ở vùng dễ đi lại hơn, vì cái chân gãy khiến thầy không thể mỗi tuần lại vượt đường rừng lên núi.

Chỉ quanh điểm trường chính đã có đến bốn con dốc được đặt tên theo những người hay bị ngã mà các thầy, cô ai cũng nhớ: Dốc thầy Tài nì. Dốc bà Mai nì, anh Hùng nhớ không hầy. Bà Mai bổ trước xong cái xe bổ sau đè lên người. Dốc Tăng Sơn nì, thầy Sơn (thầy ở Phòng giáo dục huyện Quế Phong) nói giỏi lắm, tay gồng ri nì, nói ghê rứa, “để chắc tao đi nỏ can chi mô (để tao đi một mình không việc gì đâu/ không làm sao đâu)”. Rồi làm cái oành.

Ngay cả thầy Xồng Bá Thành là người H’Mông bản địa, nhà ở cách điểm trường Tri Lễ 4 khoảng vài trăm mét cũng vinh dự được đặt tên cho một con dốc: dốc thầy Thành. Vì thầy cứ ngã oành oạch ở dốc đó suốt.

Đường đi hiểm trở, địa hình khắc nghiệt nên 40 năm nay lên Tri Lễ chỉ có các thầy giáo trẻ khỏe.

41 năm qua kể từ khi thành lập vào 1976, nhiều thế hệ thầy giáo đã lên đỉnh trời dạy chữ từ khi phải băng rừng cả ngày mới vào được bản, ngủ trên những chiếc sạp đóng bằng thân tre nứa đập dập giữa cái rét cắt da giữa biển mây, leo núi lên tận những nải (nương rẫy) xa cõng từng đứa học sinh về trường bắt học.

Có những đứa trẻ H’Mông ở bản Mường Lống, bản Huổi Mới, bản Nậm Tột, bản Huổi Xái… học hết cấp 3, lên cao đẳng, đại học, tỏa đi khắp nơi làm việc. Ngay trong trường Tri Lễ 4 cũng có không ít thầy vốn là học trò cũ.

Thầy Thò Bá Sinh là dân bản địa, có mấy anh con trai: Một anh học xong Cao đẳng, làm công an ngoài huyện Quế Phong; Thò Bá Chò thành đồng nghiệp với bố, dạy ở điểm trường Huổi Mới 2; một đang học năm cuối Đại học Luật năm cuối ở Vinh, con trai út đang học lớp 10. Bản thân thầy Sinh là một tấm gương cho người H’Mông: Khi còn trẻ đi học sơ sơ rồi về dạy, rồi học lên dần, hết cao đẳng, đến đại học. Thầy đã tốt nghiệp đại học sư phạm cách đây vài năm, cả cha và con học một trường cùng lúc.

“Mình là người H’Mông, mình thương người H’Mông mình lắm. Nếu không đi học thì suốt đời cứ sống tối tăm thế này thôi, cả đời không ra khỏi núi mô. Ở đây người H’Mông như gia đình mình chỉ có một thôi, nên mình phải làm gương cho người H’Mông mình”, thầy Sinh nói.

Tri Lễ 4 có tổng cộng 47 giáo viên và nhân viên, trong đó 24 thầy - một cô người H’Mông, 15 thầy người Thái và 7 thầy người Kinh, dạy khoảng 400 học sinh ở rải rác 6 bản.

Nơi núi cao biên viễn, một năm chỉ có 3 tháng nắng trong, đường khô ráo, còn đến 9 tháng chìm trong sương mù, mưa rừng và giá rét. Thầy giáo trẻ Vi Văn Đào hôm 22.11 vừa rồi, lên trường Huổi Mới bị ngã lăn quay một mình dưới con dốc trơn, giữa rừng.

Thầy viết trên facebook - trang facebook rất nhiều những người bạn giáo viên đang cắm bản chỗ này chỗ nọ:

Con khóc mà chẳng thấy bụt đâu

Giữa chốn sơn lâm hiu quạnh này

Tay ôm đầu gối, mặt nhăn nhó

Môi mím chặt, mắt cay cay

Máu chảy xuống chân, đỉa ngọ ngẻo

Chờ người đi qua mà đâu có

Mình lại tự mình gắng tiếp thôi

Tay dắt xe, chân cố đẩy

Tám cây số nữa đến bản thôi,

Lòng tự nhủ rằng phải cố gắng

Học sinh đang chờ hãy cố lên.

47 thầy giáo trường Tri Lễ 4 được đề cử WeChoice Awards 2017

Lấy cảm hứng từ câu nói “Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống” của cô Nguyễn Thanh Thúy, người phụ nữ 59 tuổi xuất hiện trong chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” cách đây 2 năm, WeChoice Awards 2017 quyết định lựa chọn “Bình tĩnh sống” làm thông điệp của giải thưởng năm nay.

Ở hạng mục Nhân vật truyền cảm hứng, sẽ có 2 giải thưởng quan trọng, bao gồm: Top 10 Nhân vật Truyền cảm hứng (10 câu chuyện, 10 nhân vật truyền cảm hứng do chính độc giả bình chọn) và 5 đại sứ Truyền cảm hứng (5 nhân vật được lựa chọn bởi Hội đồng thẩm định uy tín của WeChoice Awards 2017, gồm:

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM, nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu Âu và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội);

Ông Vương Vũ Thắng (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VCCorp);

Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc;

Nhà báo Lê Quang Minh (Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài truyền hình Việt Nam);
Nhà báo Trần Mai Anh (Sáng lập, điều phối chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”).

47 thầy giáo trường tiểu học Tri Lễ 4 được đề cử ở nội dung câu chuyện nhân văn của hạng mục Nhân vật truyền cảm hứng.

Bên cạnh 2 giải thưởng trong hạng mục "Truyền cảm hứng", WeChoice Awards 2017 còn có một hệ thống giải thưởng đặc biệt ghi nhận dấu ấn của làng giải trí Việt Nam và đời sống giới trẻ năm 2017:

Hạng mục Giải trí: Nghệ sĩ có hoạt động nổi bật; Ca sĩ có hoạt động đột phá; Music video được yêu thích nhất; Album âm nhạc được yêu thích nhất; Sản phẩm âm nhạc underground được yêu thích nhất; Phim điện ảnh được yêu thích nhất; Phim truyền hình được yêu thích nhất;

Hạng mục Đời sống giới trẻ: Sự kiện có ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ; Nhóm có hoạt động tích cực đến cộng đồng; Trào lưu thu hút giới trẻ; 10 quán café được yêu thích nhất; 10 quán ăn được yêu thích nhất;

Hạng mục Du lịch: Điểm đến nước ngoài được yêu thích nhất; 10 Homestay/ Guesthouse được yêu thích nhất

“WeChoice Awards" là giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức. Đêm Gala Trao Giải WeChoice 2017 diễn ra vào ngày 4.2.2018, livestream trực tiếp trên website của chương trình: www.wechoice.vn.

Tác giả: Hoàng Xuân, ảnh Lê Kim Hưng

Nguồn tin: nguoidothi.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP