Deidre Sanders, phụ trách mục “Dear Deidre” huyền thoại trên trang The Sun của Anh 30 năm, từng tư vấn cho nhiều người về các vấn đề tâm lý, tình dục... Gần đây, bà nhận được bức thư “cầu cứu” khá đặc biệt từ một người đàn ông trẻ:
“Chào chuyên gia! Khi tôi nhận ra nhu cầu sex vượt ngoài khả năng kiểm soát của bản thân, tôi đã nghĩ tới việc lên mạng mua một chiếc “khóa trinh tiết”. Tôi hy vọng nó sẽ ngăn mình lang chạ trước khi bị người yêu phát giác tội ngoại tình.
Tôi 27 tuổi và đang sống chung với bạn gái 26 tuổi. Chúng tôi đã ở bên nhau 2 năm. Bạn bè tôi luôn trêu rằng tôi chẳng thể “giữ nổi ‘chú em’ trong quần” và họ đúng.
Người đàn ông mua "khóa trinh tiết" nhằm giữ bản thân khỏi không chung thủy với người yêu. (Ảnh minh họa) |
Khi trêu đùa, một người bạn từng nói với tôi về những chiếc khóa trinh tiết - loại vòng bằng kim loại dùng để “nhốt” chú em lại và khóa chặt. Tôi nghĩ vật dụng này thường được dùng cho những người muốn chơi trò khổ dâm nhưng cuối cùng tôi đã bí mật sắm một cái cho mình. Liệu sử dụng món đồ này có ngăn được tôi không chung thủy?”.
Trong bài đăng trả lời, nhà tư vấn Deidre Sanders khẳng định: Một chiếc “khóa trinh tiết” có thể khiến ngăn cản chuyện quan hệ miễn là bạn đưa chìa khóa cho người khác giữ, nhưng nó không phải là gốc rễ lý do bạn ngoại tình.
“Không ai “phải có sex” cả. Bạn có thể khao khát nhưng không có lý do gì bạn không thể tự thỏa mãn bản thân thay vì quan hệ ngoài luồng. Có vẻ như bạn đã bị nghiện tình dục”, chuyên gia viết.
Theo bà, người đàn ông trẻ thay vì sử dụng chiếc khóa kim loại để kìm kẹp “cậu nhỏ” thì hãy tìm kiếm sự trợ giúp của người có chuyên môn để điều trị chứng nghiện sex.
Nghiện tình dục là gì và mang tới hậu quả thế nào?
Còn được gọi là hội chứng cuồng dâm hay rối loạn hành vi tình dục cưỡng chế, đây là một tình trạng liên quan đến việc người mắc trở nên bận tâm quá mức với những suy nghĩ hoặc hành vi nhằm thỏa mãn ham muốn tình dục. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tổng thể mà còn gây đảo lộn cuộc sống cũng như các mối quan hệ xung quanh của người trong cuộc.
Những người mắc chứng nghiện tình dục thường tìm kiếm nhiều bạn tình hoặc không thể kiểm soát hành vi của mình.
Nhiều người không thể kiểm soát việc liên tục quan hệ ngoài luồng vì chứng cuồng dâm. (Ảnh minh họa) |
Một người có thể mắc chứng nghiện tình dục nếu họ có một số hoặc tất cả các dấu hiệu sau:
- Luôn có những suy nghĩ và tưởng tượng về tình dục mạn tính, ám ảnh.
- Thường xuyên có thôi thúc phải quan hệ với người khác, kể cả người lạ.
- Nói dối để che đậy hành vi.
- Sao nhãng những việc khác trong sinh hoạt hằng ngày, công việc vì luôn bận tâm nghĩ đến “chuyện ấy”…
- Không thể kiểm soát hay dừng lại hành vi tình dục, thậm chí có thể đặt bản thân hoặc người khác vào tình trạng nguy hiểm vì hành vi này.
- Cảm thấy hối hận hoặc tội lỗi sau khi quan hệ…
Cần lưu ý rằng, thích hoạt động tình dục không phải là dấu hiệu của chứng cuồng dâm. Tình dục là một hoạt động lành mạnh và việc muốn tận hưởng nó là điều bình thường. Ngoài ra, nếu bạn quan tâm tới chuyện chăn gối hơn hẳn “nửa kia” thì cũng không phải là dấu sự thể hiện chứng nghiện - đơn giản là mỗi người có mức độ ham muốn và sở thích về sex khác nhau.
Điều trị nghiện tình dục ra sao?
Hiện nay, việc điều trị nghiện sex không đơn thuần chỉ là sử dụng thuốc để giúp ổn định hormone mà còn áp dụng các biện pháp như tư vấn tâm lý, trị liệu hành vi nhận thức, thiền...
Không có công thức chung cho việc điều trị chứng bệnh này. Mỗi người mắc có thể được trị liệu theo cách khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe tâm thần, nguyên nhân tạo động lực, mức độ bệnh của bệnh nhân, các mối quan hệ và chuẩn mực văn hóa nơi họ sống…
Tác giả: THÁI PHONG
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn