Xã hội

Xin lỗi vì nước bẩn và tin nhắn vợ chủ tịch tỉnh

Cuối cùng sau rất nhiều ngày lảng tránh, hôm qua, công ty nước sạch Sông Đà mới đưa ra lời xin lỗi “đãi bôi” đến khách hàng của mình.

Bể nước ngầm của người dân đã được công ty nước sông Đà cung cấp thứ nước ô nhiễm, đen như mực. Ảnh: Zing

Nửa tháng sau sự cố nước sinh hoạt của 250.000 hộ dân Hà Nội bị ô nhiễm do dầu bẩn, Công ty nước sạch sông Đà- nhà cung cấp nước mới chính thức đưa ra lời xin lỗi và đi kèm với đó là “phần đền bù” miễn phí 1 tháng tiền nước cho người dân. Nhiều người bình luận, đây là lời xin lỗi đãi bôi bởi khi đã bị dồn ép đến bước đường cùng, phía nước sạch mới đưa ra một lời xin lỗi khi mà mọi chuyện đã đi đến đỉnh điểm sự bức xúc của người dân.

Người dân sử dụng nước sạch của sông Đà trong trường hợp này dường như không phải là khách hàng, một kiểu “Thượng đế” mà các công ty hay tuyên truyền như vậy, họ chỉ đóng vai là người được “ban phát” dịch vụ dù phải mất tiền, thế nên khi gặp sự cố, những người được ban phát dịch vụ này mới bị xem thường, rẻ rúng. Người dân đã thực sự rơi vào cảnh “sống chết mặc bay”, họ bị mặc khi phải dùng nước bẩn để ăn uống, họ bị bỏ mặc khi phải đi mua từng bình nước sạch và bị bỏ mặc khi phải thau chùi vệ sinh bể nước chứa với thứ nước đen như bồ hóng, bốc mùi khủng khiếp.

Trong khi đó, lãnh đạo nước sông Đà nhất định không xin lỗi, và khẳng định họ là nạn nhân.

Đó là một căn bệnh tâm lý kinh doanh kỳ quái nhất thế giới mà không ở đâu chấp nhận được. Một khi đã thu tiền của khách hàng, họ phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ tốt với chất lượng đạt chuẩn, không đảm bảo được điều đó, họ có lỗi, và họ phải xin lỗi, phải bồi thường cho khách hàng. Thế nhưng câu chuyện giản đơn đó vẫn không được thực thi, bởi chỉ đơn giản là công ty nước sông Đà cho rằng mình cũng là nạn nhân nên không thèm đưa ra lời xin lỗi.

Một lời xin lỗi có mất gì của họ bạc triệu bạc tỷ gì đâu? Đó chỉ là lương tâm tối thiểu của người kinh doanh, nhưng với những nhà kinh doanh này, họ xem điều đó chẳng đáng giá 1 xu mẻ.

Câu chuyện “chày cối” này cũng giống như vụ “nhắn tin nhờ xem điểm” của bà Nguyễn Thị Nga- chuyên viên Sở Tài chính- vợ của ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bà Nga đã lần lượt lọt qua 36 lần thanh kiểm tra về vụ nâng điểm thi chấn động, không hề có tên trong danh sách cán bộ bị kỷ luật. Phải mãi đến gần đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang mới công bố các tin nhắn do Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và Tập đoàn VNPT cung cấp. Trong đó nêu rõ, bà Nga đã nhắn tin qua lại với bị cáo Triệu Thị Chính nhiều lần để nhờ vả nâng điểm thi chứ không phải là “nhờ xem điểm thi cho cháu” như các kết luận trước đây. Và kết quả là bà Nga chịu mức kỷ luật “khiển trách”.

Để đi đến được mức kỷ luật khá là nhẹ nhàng này, các cơ quan truyền thông báo chí đã phải lên tiếng nhiều lần về việc có hay không việc bỏ lọt tội của bà vợ ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và yêu cầu phải làm đúng người, đúng tội. Chắc có lẽ cũng nhiều người hiểu rằng, nếu không phải là quý phu nhân của một quan chức hàng đầu của địa phương, có lẽ bà Nga không dễ dàng lọt qua 36 lần các đoàn kiểm tra làm việc về vụ nâng điểm thi như vậy. Trách nhiệm nêu gương của gia đình một cán bộ lãnh đạo cấp cao như vậy ở đâu?

2 vụ việc cùng cho chúng ta thấy một mẫu số chung, đó là chỉ khi nào “cực chẳng đã”, “chẳng đặng đừng”, người ta mới đưa ra những hành động, kết luận mà đáng lẽ họ phải làm từ đầu, theo đúng lương tâm và pháp luật.

Sao lại có kiểu hành xử “coi trời bằng vung” thế nhỉ?

Tác giả: Mi An

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP