Kinh tế

Xây dựng cụm cảng ở Nghệ An cho tàu 10 vạn tấn cập bến

Cùng Cảng Cửa Lò - Bến Thủy đang khai thác hiệu quả, trên địa bàn Nghệ An có các bến cảng được các tập đoàn xi măng The Vissai, Tuấn Lộc, Thiên Minh Minh Đức… đầu tư xây dựng, tạo nên cụm cảng có khả năng đáp ứng cho tàu trên 10 vạn tấn vào bốc xếp hàng hóa.

a1
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cửa Lò. Ảnh Nguyên Sơn

Dự án cảng chuyên dùng Nghi Thiết do Tập đoạn The Vissai làm chủ đầu tư với khoảng 2.200 tỷ đồng, xây dựng tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Đến nay, cầu cảng đã cơ bản hoàn thành, dự kiến tháng 8/2017 đưa vào khai thác. Bến cảng được quy hoạch thành cảng biển quốc tế đáp ứng cho tàu 7 vạn tấn, khu bến nội địa đáp ứng cho tàu 1 vạn tấn.

Cảng Nghi Thiết khi đi vào hoạt động sẽ vận tải, tiêu thụ các sản phẩm Cliker, xi măng. Bên cạnh đó xem xét nâng cấp công suất cảng phù hợp nhằm phục vụ vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lượng hàng giai đoạn 1 (đến năm 2018) là 9 triệu tấn, giai đoạn 2 (sau năm 2020) là 15,4 triệu tấn.

a2
Cầu cảng Nghi Thiết vươn ra biển phục vụ tàu trên 7 vạn tấn vào bốc xếp hàng hóa, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 8/2017. Ảnh: Nguyên Sơn

Cùng đó, dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 cảng Cửa Lò, đầu tư theo hình thức BOT, do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc làm chủ đầu tư.

Dự án này gồm khu hậu cần 23,4ha; cầu cảng dài 450m, rộng 40m có khả năng tiếp nhận cùng một lúc 2 tàu có trọng tải 3 vạn tấn cập cảng. Bên cạnh đó khu vực hậu cần của bến có bãi hàng hóa 9,5ha, bãi container rộng 1,1ha, kho CFS diện tích 3ha… Theo tiến độ, công trình này sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 10/2017.

a3
Các vật liệu được tập kết cho thi công bến cảng 5,6 Cảng Cửa Lò. Ảnh: Nguyên Sơn

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Cụm cảng Cửa Lò sẽ có khoảng 18 cầu cảng/3569,5m, diện tích sử dụng đất 158 ha; đến 2040 có khoảng 23 cầu cảng/4729,5m, diện tích sử dụng đất 252 ha; đến năm 2050, có khoảng 32 cầu cảng/6.789,5m, diện tích sử dụng đất 355 ha. Đến khi hoàn thành nâng cấp, đảm bảo cho tàu trên 100.000 DWT (10 vạn tấn) ra vào và năng lực bốc xếp hàng hóa từ 65 - 85 triệu tấn.

Cảng nước sâu Cửa Lò cũng đã quy hoạch chi tiết đáp ứng tàu 10 vạn tấn ra vào khi có lượng hàng hóa khi các khu Công nghiệp VSIP, Hamaraij, đường cao tốc Viêng Chăn- Hà Nội hoạt động.

Trên địa bàn tỉnh, còn có cầu cảng riêng biệt dài 1,5 km, tiếp nhận tàu từ 2 – 3 vạn tấn phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững cho Tổng kho xăng dầu DKC, do Công ty CP Thiên Minh Đức làm chủ đầu tư.

Và cảng nước sâu Đông Hồi (Hoàng Mai) đã được phê duyệt phục vụ cho Khu công nghiệp Đông Hồi và vùng kinh tế các huyện phía Tây Bắc Nghệ An trong tương lai.

a4
Công nhân bốc xếp hàng hóa tại cảng Cửa Lò. Ảnh Nguyên Sơn

Việc phát triển các bến cảng gắn với việc sử dụng quỹ đất, đảm bảo thuận lợi nhất cho việc vận hành, khai thác cảng, đồng thời tạo điều kiện hình thành khu trung tâm phân phối hàng hóa sau cảng (khu logistic). Quá trình đó, đảm bảo kết nối hợp lý, thuận lợi nhất với hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng về đường bộ, đường sắt và hạ tầng luồng lạch.

Hệ thống cảng biển của Nghệ An được dự kiến kết nối với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ khi tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn đi Cửa Lò giai đoạn I đã được quy hoạch xây dựng. Cùng đó, gắn với quy hoạch xây dựng ga Nam Cấm và đường sắt nối Nam Cấm- Cửa Lò; gắn kết phát huy tối đa hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội qua Thanh Thủy (Thanh Chương-Nghệ An) đến Viêng Chăn (Lào)...

Tác giả: Nguyên Sơn
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP