“Khát” bác sỹ
H.V là sinh viên Đại học Y khoa Vinh, được một huyện miền núi tỉnh Nghệ An hỗ trợ đi đào tạo bác sĩ cử tuyển. Về lý, sau khi ra trường H.V phải về phục vụ tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều khả năng em không thực hiện cam kết này.
Lý do H.V đưa ra là các huyện miền núi có điều kiện khó khăn, giao thông cách trở, các đơn vị y tế thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị; môi trường làm việc kém, ít cơ hội nâng cao trình độ tay nghề. H.V cho biết: “Trong lớp em có bạn quê ở huyện Con Cuông đã nghỉ học. Khi nghỉ, nghe đâu bạn ấy sẽ phải đền bù 200 triệu đồng...”.
Việc H.V đang dự định cầm tấm bằng bỏ đi làm nơi khác và trả lại tiền cho tỉnh, huyện là sự lãng phí lớn, đồng thời cho thấy thực trạng có những bác sĩ không tha thiết về với vùng sâu, vùng xa.
Các y, bác sĩ tình nguyện tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho người dân xã Yên Tĩnh (Tương Dương). Ảnh: Thanh Sơn |
Năm 2013, ở huyện miền núi Con Cuông, tổng số trạm y tế xã có bác sỹ về công tác hiện là 7/13 xã, thị trấn. Ngành Y tế huyện thời điểm bấy giờ đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 11/13 trạm có bác sĩ, sau đó là 100% trạm có bác sĩ (dựa vào nguồn đội ngũ cử đi đào tạo bác sĩ chuyên tu, cử tuyển).
Và đến năm 2017 này, số trạm có bác sĩ 10/13 xã. Song trong đó có 2 bác sĩ là Bệnh viện Đa khoa Tây Nam tăng cường, 1 bác sĩ về hưu được hợp đồng làm thêm. Sau 4 năm, lượng bác sĩ ở xã không tăng thêm.
Bác sĩ La Dương Thành - Trưởng Phòng Y tế huyện Con Cuông lý giải: "Sau 6-7 năm ăn học, các bác sĩ mới ra trường thì không muốn về trạm y tế miền núi nơi có điều kiện sống, điều kiện phát triển chuyên môn kém. Bác sĩ sau đào tạo chuyên tu thì cũng sẵn sàng bỏ hệ thống công lập ra làm bệnh viện tư. Còn cơ chế chính sách thu hút của tỉnh như hiện nay có thể coi tạm ổn, nhưng để nói hấp dẫn là chưa bởi tỉnh còn nghèo, rất khó để nâng các mức hỗ trợ”.
Bác sĩ Thành phân tích: “Một vài chục triệu đồng từ chính sách thu hút không có nhiều ý nghĩa với các bác sĩ. Cái họ cần là điều kiện hoạt động, phát triển chuyên môn mà y tế cơ sở thì không thể đáp ứng. Bây giờ, trong điều kiện thông tuyến BHYT, nhiều bệnh nhân không khám, chữa bệnh tại trạm y tế mà xuống các Bệnh viện đa khoa hạng 2 như Thanh Chương, thành phố Vinh để khám. Điều này cũng sẽ khiến y tế miền núi kém sức hút hơn”.
Có bác sĩ, chất lượng khám chữa bệnh và hoạt động của Trạm y tế xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ được đảm bảo tốt. Ảnh: Thanh Sơn |
Không những trạm y tế mà nhiều bệnh viện miền núi có tiếng cũng “khát” bác sĩ. Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương hiện có 42 bác sĩ. Với khoảng 400 - 600 bệnh nhân/ngày, các bác sĩ đang chịu áp lực làm việc liên tục.
“Thiếu bác sĩ nên ai tốt nghiệp ra trường về đăng ký công tác, bệnh viện nhận ngay. Bệnh viện có nhiều chủ trương như bố trí chỗ ăn, ở, cho làm việc đúng chuyên môn, sở trường. Huyện thì tạo điều kiện như hợp lý hóa gia đình cho vợ, chồng làm việc gần nhà. Song bệnh viện chỉ tuyển được 1-3 người/năm, tất cả là con em địa phương” - Bác sĩ Nguyễn Thịnh Khuyên - Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay.
Vướng cơ chế
Tình trạng thiếu bác sĩ cũng đang diễn ra tại các đơn vị y tế huyện Quỳ Châu. Bác sĩ Đặng Tân Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trung tâm hiện có 202 người nhưng chỉ có trên 30 bác sĩ (trong đó có 9 bác sĩ ở trạm), không đủ bác sĩ để thực hiện nhiệm vụ.
Thời điểm này, Trung tâm có 5 bác sĩ tốt nghiệp các trường đại học y chính quy trong nước về học việc. Tất cả đều là con em Quỳ Châu. Trung tâm muốn nhận cả 5 vào làm, nhưng chỉ tiêu chỉ cho tuyển 2 người (1 bác sĩ ở trung tâm và 1 ở trạm).
Ở huyện Quế Phong, bác sĩ Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trước đây, Trung tâm đã “đặt hàng” với Sở Y tế Nghệ An - nếu có bác sỹ nào đăng ký về thì huyện đưa xe xuống đón ngay cũng như có thêm các nguồn hỗ trợ, ưu đãi khác. Năm nay có tới 8 bác sĩ về, nhưng Trung tâm không thể nhận hợp đồng hay thử việc một ai bởi không có định biên, chủ trương tuyển dụng.
Câu chuyện thiếu - thừa ở y tế miền núi khá mâu thuẫn: Huyện, xã thì rất khao khát có bác sĩ về công tác. Tuy nhiên, khi có bác sĩ về lại không còn biên chế. Dù từ năm 2007, Bộ Nội vụ – Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch 08 ngày 05/6/2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước nhưng các ngành liên quan ở tỉnh đến nay vẫn không triển khai thực hiện thông tư này.
Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Thanh Sơn |
Tính đến cuối năm 2016, tổng số nhân lực tại các đơn vị y tế công lập của tỉnh là 10.042 người, trong đó bác sĩ là 1.892 người (năm 2016 tuyển được 112 bác sĩ; cử đi học liên thông đại học 10 bác sĩ; thực hiện tinh giản biên chế cho 75 người).
Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Y tế cử 13 bác sĩ đi học liên thông; tuyển được 44 bác sĩ, tinh giản 16 người... Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ /vạn dân ở Nghệ An vẫn thấp so với bình quân chung của cả nước (7,6% so với 7,8%).
Dược sĩ Hoàng Văn Hảo - quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thừa nhận: “Nhân lực y tế vừa thiếu, vừa hạn chế về chất lượng, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính sách thu hút cán bộ về làm việc tại các vùng khó khăn còn nhiều bất cập.
Sắp tới, Sở Y tế sẽ tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh để thực hiện Quyết định số 2348 ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới để thay đổi tình hình hiện nay”.
Quyết định số 2348 ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. |
Tác giả: Thanh Sơn
Nguồn tin: Báo Nghệ An