Cụ thể, hợp đồng thế chấp tài sản giữa gia đình bà Nguyễn Hồng Phấn và Ngân hàng VCB ký ngày 9/10/2006 tại Sở Giao dịch Ngân hàng VCB. Được công chứng ngày 9/10/2006, tại Phòng công chứng số 6. Được nộp vào Phòng TN và MT quận Ba Đình chứng nhận ngày 9/10/2006. Và ngay lập tức được ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng TN&MT quận Ba Đình chứng nhận. Đây được coi là cách làm việc hết sức “thần tốc” từ cả phía VCB và Phòng TN&MT quận Ba Đình!
Thế nhưng, với cách làm việc “thần tốc” của mình, ông Nguyễn Hồng Phong có vẻ đã vô tình “bỏ lọt” quy định của pháp luật. Cụ thể, trong “Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” được Phòng TN&MT chứng nhận ngày 9/10/2006, tại phần ghi ngày, tháng, năm đều không có bất kì một thông tin nào. Tại mục Phần ghi của cán bộ tiếp nhận đơn cũng không có ghi các thông tin về, ngày tiếp nhận đơn, sổ tiếp nhận đơn, cán bộ tiếp nhận đơn. Thậm chí, tại mục kính gửi của đơn cũng “bỏ quên” tên đơn vị nhận đơn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng TN&MT quận Ba Đình cho rằng, trong hồ sơ tiếp nhận đơn của phía Phòng TN&MT có ghi các thông tin về ngày tháng tiếp nhận đơn, sổ tiếp nhận đơn, cán bộ tiếp nhận đơn. Còn việc trong đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không ghi các thông tin này cũng không sai.
Tuy nhiên tại thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/06/2005 về việc “Hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” giữa Bộ Tư Pháp và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Tại điều 3, mục III ghi rõ: 3. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp, bảo lãnh, cán bộ đăng ký phải kiểm tra việc đăng ký có đúng thẩm quyền của cơ quan mình hay không; kiểm tra hồ sơ đăng ký theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục này.
Nếu việc đăng ký đúng thẩm quyền và hồ sơ đăng ký hợp lệ thì cán bộ đăng ký yêu cầu người nộp hồ sơ nộp lệ phí đăng ký; ghi thời điểm nhận hồ sơ (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Đơn yêu cầu đăng ký; vào Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp, bảo lãnh và cấp cho người yêu cầu đăng ký phiếu hẹn trả kết quả đăng ký.
Như vậy, ông Nguyễn Hồng Phong có đang trả lời “ngược” so với các quy định của pháp luật về hướng dẫn đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất?!
Ngoài ra, do làm việc một cách “thần tốc” mà đơn vị gửi đơn ký thế chấp quyền sử dụng đất “bỏ quên” cả việc điền tên đơn vị tiếp nhận đơn?!
Theo đó, tại khoản 2 điều 14, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/ 3/2000 về đăng ký giao dịch đảm bảo quy định rõ về việc nhận đơn yêu cầu đăng ký giao dịch đảm bảo: Trường hợp đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm không ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu hoặc người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí, thì cơ quan đăng ký trả lại đơn yêu cầu đăng ký và nêu rõ lý do từ chối đăng ký.
Vậy vì đâu lá đơn chỉ có không địa chỉ tiếp nhận này vẫn vượt qua được các bộ phận hành chính của Phòng TN&MT quận Ba Đình để “vượt lên” cho Trưởng phòng ký chứng nhận?! Vì đâu lãnh đạo Phòng TN&MT quận Ba Đình lại “thần tốc” ký đơn đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất mà “bỏ quên” quy định của pháp luật?! Và vì đâu lãnh đạo Phòng TN&MT quận Ba Đình lại trả lời có phần “ngược” so với quy định của pháp luật?!
Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này!
Nguồn tin: Báo Thương hiệu & Công luận