Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM (Ảnh nhân vật cung cấp)
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung và phương hướng giải quyết, xử lý trong thời gian sắp tới vừa được Chính phủ đưa ra tại cuộc họp báo chiều 30/6?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi rất hoan nghênh Chính phủ cùng các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức họp báo công bố công khai nguyên nhân cá chết hàng loạt, cũng như chỉ rõ thủ phạm gây ra sự việc này là Công ty Formosa - vốn đã vướng nhiều tai tiếng gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nước trên thế giới.
Với những kinh nghiệm có được trong việc hỗ trợ người dân khởi kiện đòi Công ty Vedan và Công ty Nicotex Thanh Thái bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cách đây nhiều năm, theo ông, những kết luận về nguyên nhân cá chết, phương hướng khắc phục và đặc biệt là mức tiền 500 triệu USD mà Formosa cam kết bồi thường đã thỏa mãn sự kỳ vọng của dư luận nhân dân cả nước?
Trách nhiệm của Formosa thì đã rõ rồi nhưng thiệt hại thực tế của người dân 4 tỉnh miền Trung là bao nhiêu thì đến thời điểm này chúng ta chưa thống kê được nên đánh giá số tiền 500 triệu USD là nhiều hay ít rất khó, chưa có cơ sở.
Tôi đã coi lại tài liệu về các vụ việc đòi bồi thường ô nhiễm môi trường trên thế giới thì thấy rằng tác hại của nó ảnh hưởng rất lâu dài, ảnh hưởng từ môi trường đến kinh tế, phát triển du lịch và sinh nhai của người dân. Rất nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường tương tự đã có mức bồi thường lên tới 3-4 tỷ USD, chứ không chỉ là 500 triệu USD như thế này đâu.
Theo tôi, chúng ta cần phải thành lập ngay một Ban giải quyết. Sẽ thống kê chi tiết thiệt hại của người dân 4 tỉnh miền Trung; bồi thường cụ thể cho họ như thế nào, phương hướng chuyển đổi nghề nghiệp ra sao...
500 triệu USD chia cho 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) thì mỗi tỉnh chỉ nhận được trên 100 triệu USD, không phải là lớn. Trong khi chúng ta đã thấy cá chết hàng loạt, trải dài trên vùng biển hàng trăm km như thế. Rồi chúng ta sẽ phải tốn bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức để khắc phục cho được sự cố môi trường này. Đến nay mọi việc đều chưa rõ ràng, dù Formosa có hứa hẹn này kia.
Theo luật sư Hậu, đến nay chưa rõ thiệt hại thực tế mà người dân 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu từ sự việc này là bao nhiêu ?
Đây có thể coi là thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Theo ông, những biện pháp cấp bách mà chúng ta cần phải làm ngay trong thời gian tới đây là gì?
Chính vì Formosa gây ra tai tiếng ô nhiễm môi trường ở nhiều nước trên thế giới rồi nên tôi cho rằng trước mắt chúng ta phải tạm thời dừng hoạt động nhà máy ở khu kinh tế Vũng Áng để có đánh giá lại toàn diện hoạt động của họ, đặc biệt chú ý tới công nghệ, máy móc cũng như biện pháp xử lý nước thải ra môi trường biển.
Chúng ta phải làm rõ tại sao họ có thể gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy mà không bị phát hiện. Cái này phải có đánh giá toàn diện, bởi nếu không thì không an tâm về sau này.
Như ông nói thì phải xem xét kỹ lưỡng và xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân đã lơi lỏng trong quản lý, điều hành, cấp phép xả thải, giám sát xả thải nên đã "giúp cho” Formosa vi phạm môi trường nghiêm trọng như vậy?
Rõ ràng chúng ta có khá đầy đủ các quy định pháp luật rồi nhưng thực tiễn vẫn xảy ra những vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy thì phải có trách nhiệm của những tập thể, cá nhân. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nói với tôi rằng nếu Việt Nam làm nghiêm thì làm sao có những vụ ô nhiễm nghiêm trọng như thế? Vấn đề nằm ở con người nên trong việc này phải làm rõ trách nhiệm, rồi công khai với dư luận được biết.
Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kiểm soát xả thải tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp nằm ven biển, ven sông, mà gần đây đang gây tranh cãi là dự án nhà máy giấy ven sông Hậu. Theo ông chúng ta có cần tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xả thải, xử lý môi trường tại các dự án này?
Có một thời kỳ chúng ta đã kêu gọi, thu hút đầu tư bằng mọi giá nên đã cho nhiều khu công nghiệp, nhà máy những ưu đãi, đặc thù. Chính vì cho họ những “đặc thù”, không có sự kiểm soát nên mới nảy sinh lạm quyền, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng ta phải tính toán, kiểm tra kỹ lưỡng lại, bởi đây là câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần thì phải xem xét lại chính sách đã phù hợp, có chỗ nào sơ hở để điều chỉnh cho phù hợp chứ.
Xin cảm ơn ông!
Tại buổi họp báo quốc tế chiều 30/6, đại diện Chính phủ thông tin, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Formosa cam kết: Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD); Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra; Phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế; Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tác giả bài viết: Thế Kha (thực hiện)