Liên quan đến câu chuyện cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư Hà Nội) đã có một góc nhìn riêng về việc hai bị cáo này được thay đổi biện pháp ngăn chặn theo phán quyết của HĐXX cách đây 1 năm.
PV: Thưa luật sư, trường hợp nào bị can bị bắt giam trở lại để phục hồi điều tra? Cụ thể trong trường hợp của Trương Hồ Phương Nga khi CQĐT phục hồi điều tra thì bị cáo có bị bắt tạm giam?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định luật Tố tụng Hình sự, khi có quyết định khởi tố, các cơ quan tố tụng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh… đối với bị can, bị cáo để phục vụ quá trình điều tra, truy tố xét xử.
Luật sư Cường. |
Đối với biện pháp tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn… theo quy định Điều 119, BLTTHS 2015.
Còn đối với trường hợp cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án.
Trở lại vụ việc, khi bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú thì có thể bị thay thế thành tạm giam nếu có căn cứ xác định bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn, có nơi cư trú không rõ ràng hoặc gây khó khăn, cản trở quá trình điều tra;…
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 174, BLTTHS 2015, trong trường hợp khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, CQĐT sẽ có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định, trường hợp có căn cứ theo quy định cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung.
Như vậy, nếu quá trình điều tra bổ sung mà CQĐT xét thấy cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra (như bị can có dấu hiệu bỏ trốn, gây cản trở quá trình điều tra,…) thì CQĐT có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam trở lại. Khoản 4, Điều 174, BLTTHS về Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại quy định, khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, CQĐT có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại thực hiện theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật này.
PV: Việc Hoa hậu Phương Nga được tại ngoại từ phán quyết của tòa dựa trên nhiều căn cứ pháp lý. Vậy khi điều tra lại, cơ quan CSĐT có nên bắt giam hay nên tôn trọng phán quyết của toà?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại BLTTHS, cả Tòa án, Viện kiểm sát hay CQĐT đều có thẩm quyền hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
Phương Nga bị tố lừa đảo 16,5 tỷ đồng. |
Khoản 2, Điều 125 về Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn quy định, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
Như vậy, nếu trong trường hợp cơ quan trước áp dụng biện pháp ngăn chặn mà sau đó nhận thấy biện pháp ngăn chặn không còn phù hợp hay không còn cần thiết nữa thì cơ quan sau đều có quyền hủy bỏ hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên việc hủy bỏ hay thay thế biện pháp ngăn chặn phải đảm bảo đúng quy định pháp luật.
PV: Việc bắt giam trở lại khi trước đó Phương Nga được Toà án cho tại ngoại là thẩm quyền của CQĐT hay phải xin ý kiến của toà án?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại khoản 2, Điều 125, BLTTHS 2015 về Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn quy định, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.
Điểm a, khoản 1, Điều 113 về Bắt bị can, bị cáo để tạm giam quy định, những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;….
Như vậy, Tòa án, Viện kiểm sát hoặc CQĐT có thể thay thế biện pháp ngăn chặn khi thấy cần thiết. Đối với trường hợp biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn phải do Viện kiểm sát quyết định.
Trong trường hợp CQĐT khi thấy cần thiết thay đổi biện pháp ngăn chặn thì cần được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp.
PV: Việc bắt giam Phương Nga có lo ngại trách nhiệm bồi thường nếu như bị cáo này được chứng minh không có tội, việc không bắt giam trở lại có làm giảm đi mức độ thiệt hại cho Phương Nga?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định pháp luật, trong trường hợp sau này có kết luận bị cáo vô tội thì các cơ quan tố tụng phải bồi thường thiệt hại cho bị cáo đối với thời gian tạm giam, tạm giữ theo quy định luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc mà các chứng cứ buộc tội chưa chắc chắn, có dấu hiệu oan sai thì cơ quan tố tụng có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để giảm bớt thiệt hại.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
Điều 109 quy định về Các biện pháp ngăn chặn 1.Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. 2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ. |
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Người đưa tin