Trao đổi với báo chí chiều 16/4, đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết 35 học sinh trường Tiểu học Hòa Khương được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Nguyên nhân ban đầu được xác định là các em ngộ độc do chơi đất sét slam nước, mua tại hàng quán trước cổng trường.
"Biểu hiện chung của các em là khó thở, ngứa, kiểm tra phổi và thần kinh không có ảnh hưởng gì. Chiều nay, nhà trường cho tất cả học sinh nghỉ để cán bộ y tế tiếp tục kiểm tra, xử lý. Nhân viên y tế đã lấy mẫu gởi kiểm định xác định nguyên nhân", Sở GD&ĐT thông tin.
Đến 13h hôm nay, 14 em được về nhà; 15 em khác đã ổn định, tiếp tục được theo dõi ở Trung tâm Y tế Hòa Vang. Sáu em còn lại được điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, trong đó 5 em đã ổn, một em còn cấp cứu do bệnh nền tim bẩm sinh.
Học sinh được theo dõi tại Trung tâm Y tế Hòa Vang. Ảnh: B.Vân/Báo Người Lao Động. |
Chiều cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng ra văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan thực hiện quyết liệt biện pháp an toàn thực phẩm trước cổng trường học.
UBND thành phố yêu cầu Sở Công thương tăng cường công tác kiểm tra kho hàng, nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, đặc biệt thường được hàng quán bán cho học sinh trước cổng trường.
Sở Công thương phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực… nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Sở Y tế và Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố có nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm đối với hàng, quán trước cổng trường học.
Hai đơn vị này phải tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; khống chế tỷ lệ người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Sở GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh, khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ, nên mua ở các địa chỉ có uy tín, hàng hóa phải có tem nhãn rõ ràng, công bố hợp chuẩn, hợp quy, không nên mua các loại đồ chơi trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường.
Phụ huynh nên hạn chế học sinh tiểu học mang tiền đến trường; giáo dục con em về sự nguy hiểm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm trước cổng trường và không giao xe gắn máy, xe máy điện cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định.
Đất sét slam - "chất nhờn ma quái"- được học sinh rất yêu thích. Ảnh: Pinterest. |
UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước cổng trường học.
Theo Lao Động, bác sĩ Nguyễn Kiên cho biết: Đất sét slam (hay còn gọi là slam, chất nhờn ma quái) có tên tiếng Anh là slime. Đây là sản phẩm đồ chơi được công ty sản xuất đồ chơi Mattel, Mỹ, chế tạo từ năm 1976. Đất sét slam dẻo, không dính và siêu đàn hồi; khi nặn, bóp, kéo, chảy dài như dầu nhờn, nên dễ dàng tạo ra nhiều hình thù khác nhau theo mọi ý thích một cách nhanh chóng. Chúng được pha trộn nhiều màu nên lấp lánh. Ở Việt Nam, nhiều nơi điều chế đất sét slam bằng những sản phẩm có sẵn như keo sữa (chính là PVA), hàn the, “tuyết” siêu mịn (hạt nhựa siêu nhỏ), nước súc miệng, bột giặt, kem đánh răng, nước rửa bát, dầu gội, kem cạo râu, xà phòng bánh, hồ nước chữa bệnh da liễu, thuốc nhỏ mắt, dầu ăn, dầu dưỡng da trẻ em (baby oil), keo trong suốt (keo Epoxy), dầu dưỡng da (lotion), muối ăn, phấn viết, đường, đến Natri hidrocacbonat, Natri bicacbonat hay dung dịch rửa kính áp tròng (gồm muối và Oxy già - Hydrogen peroxide - H₂O₂), nghĩa là những vật liệu có chất dẻo tổng hợp, Borax hay chất thay thế hai loại nguyên liệu này và tạo màu bằng phẩm màu công nghiệp, chứa hàng tá chất nguy hiểm. |
Tác giả: Minh Nhật
Nguồn tin: zingnews.vn