Bà Chu Thị Bình đáp trả ra sao với “hung tin” đầu năm?
Những ngày đầu năm 2020, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú của vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang - Chu Thị Bình đã nhận được tin xấu về việc Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Minh Phú tại Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp của vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình đang gặp rắc rối tại thị trường Hoa Kỳ |
“Hết sức bất ngờ” về quyết định nói trên, lãnh đạo Minh Phú đánh giá, CBP đã chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi tổ chức AHSTEC - đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn.
Luật sư của Minh Phú tại Hoa Kỳ đã đăng ký với CBP để Minh Phú chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Doanh nghiệp này cho biết sẽ hợp tác đầy đủ với CBP và chứng minh quyết định của CBP là “mang tính chất áp đặt, không minh bạch và chỉ dựa trên thông tin một chiều”.
VinFast và VinSmart mang về cho ông Nhật Vượng bao nhiêu tiền?
Trong 3 tháng cuối cùng của năm 2019, Vingroup đạt tổng doanh thu thuần hợp nhất 38.176 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.255 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.590 tỷ đồng.
Trong đó, phân nửa vẫn đang đến từ nguồn doanh thu chuyển nhượng bất động sản. Cụ thể, doanh thu chuyển nhượng bất động sản của Vingroup trong quý IV/2019 đạt 15.027 tỷ đồng, cả năm 2019 đạt 64.501 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Vingroup thì “ông lớn bất động sản” nay đang chuyển mình sang hoạt động chính ở lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.
Theo đó, trong quý IV/2019, số liệu báo cáo tài chính ghi nhận, doanh thu hoạt động sản xuất mang lại cho Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng 5.643 tỷ đồng.
Cuộc chơi lớn của tỷ phú bậc nhất
Năm 2019, TTC của ông Đặng Văn Thành đã vươn lên trở thành nhà sản xuất điện hàng đầu, với tổng công suất vận hành các nhà máy điện của TTC đạt gần 500 MW, tăng 158 MW so đầu năm, mà đơn vị chủ lực là Điện Gia Lai (GEC).
Bên cạnh các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, TTC tập trung vào năng lượng tái tạo và đang thử nghiệm nhiều loại hình điện mặt trời mới mà nước Israel, Nhật Bản, Australia... đang phát triển thành công. TTC cũng ngày càng mở rộng đầu tư đa lĩnh vực: nông nghiệp, BĐS, năng lượng và du lịch, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Riêng với ông Trần Bá Dương, sự hợp tác với Bầu Đức hướng tới một 'đế chế' nông nghiệp có tổng doanh thu xuất khẩu 2020 đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó Thadi (công ty con của Thaco về mảng nông nghiệp) dự kiến mang về 600 triệu USD, HAGL Agrico của Bầu Đức 400 triệu và còn Thủy sản Hùng Vương 550 triệu USD.
Masan của ông Nguyễn Đăng Quang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và gần đây đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và bắt tay với tỷ phú Vượng trong lĩnh vực bán lẻ.
Tham vọng của các tỷ phú giàu nhất Việt Nam
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ chi 2 tỷ USD từ tài sản riêng cho VinFast để bán ô tô điện sang Mỹ vào năm 2021. Cùng với đó, VinFast cũng đang đầu tư dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ 5 triệu sản phẩm mỗi năm cho xe ô tô và các loại xe khác và dự kiến dự án hoàn thiện và đưa vào kinh doanh khai thác vào quý IV/2022.
|
Trong khi đó, sang năm 2020, ông Đặng Văn Thành sẽ mang sản phẩm đường Organic xuất khẩu sang châu Âu - một trong những thị trường “khó tính” nhất, và 21 thị trường khác.
Trong lĩnh vực bất động sản, TTC Land của ông Thành cũng hợp tác với các đối tác quốc tế khi bắt tay hợp tác với Lotte E&C cuối 2019, dự kiến đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Nhiều đại gia mất “tiền tấn” vì nỗi ám ảnh virus corona
Cổ phiếu ngành hàng không phiên giao dịch ngày 31/1 diễn biến tiêu cực nhất. VJC của nữ tỷ phú Phương Thảo giảm sàn 9.800 đồng xuống còn 130.200 đồng/cổ phiếu, không có dư mua trong khi dư bán sàn hơn 200 nghìn đơn vị. Đây cũng là mã có ảnh hưởng xấu nhất lên VN-Index, lấy đi của chỉ số 1,54 điểm.
Cùng với đó, HVN của Vietnam Airlines cũng đánh mất 1.850 đồng xuống còn 28.700 đồng và gây thiệt hại 0,76 điểm cho VN-Index. Một số mã lớn khác như VNM, GAS, VIC, FPT cũng diễn biến tiêu cực.
Ngược lại, DHG của Dược Hậu Giang tăng trần lên 99.500 đồng và là một trong những mã có diễn biến tích cực nhất trong phiên. Nhóm cổ phiếu ngân hàng “hồi sinh” với trạng thái tăng giá từ BID, CTG, VCB, MBB; VHM và MSN cũng tăng giá.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí