Du lịch

Vietravel bị "tố" ngang nhiên mở bán tour du lịch Nhật Bản dù đã bị tạm đình chỉ cấp visa

Đặt mục tiêu lọt top 10 doanh nghiệp du lịch Châu Á và đang xin lập hãng bay riêng mang tên Vietravel Airlines nhưng Vietravel lại đang bị "tố" cố tình lừa khách hàng...

Bị đình chỉ visa vẫn tổ chức tour?

Mới đây, báo điện tử Người Đưa Tin nhận được khiếu nại của anh Nguyễn Văn C. (đề nghị được giấu tên) phản ánh việc tổ chức dịch vụ tour du lịch Nhật Bản của Công ty CP Du lịch & Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel – Chi nhánh Hà Nội.

Theo phản ánh của anh C., tháng 10/2019 anh này đến Văn phòng Công ty Vietravel tại số 03 phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội để ký hợp đồng mua tour du lịch tại Nhật Bản. Chương trình tour gồm đi tham quan Nagoya – Kobe – Kyoto – Núi Phú Sỹ - Tokyo từ ngày 19/11/2019 - 24/11/2019, với giá 34,5 triệu đồng/người.

Chi nhánh Hà Nội của Vietravel bị tạm đình chỉ cấp visa đoàn cho du khách đi tour từ 1/7/2019 đến 31/12/2019.

Gia đình anh C. đã ký hợp đồng mua tour và đặt cọc cho Vietravel 20 triệu đồng, đồng thời nộp các giấy tờ theo yêu cầu. Ngày 15/11, anh C. cũng đã tới Đại sứ quán Nhật Bản để phỏng vấn xin visa. Tuy nhiên vào ngày 18/11/2019 (chỉ trước ngày chính thức đi theo lịch trình 01 ngày), gia đình anh nhận được thông báo từ Công ty Vietravel với thông tin là bị trượt visa và đóng dấu C.

Anh C. trao đổi lại với phía Vietravel thì hãng lữ hành cho biết có thể do vấn đề tài chính. Tuy nhiên, phía anh C. khẳng định tài chính không có vấn đề gì bất minh. Đáng chú ý, sau khi anh C. xem lại hồ sơ xin cấp visa mà phía Vietravel chuẩn bị thì thấy nhiều thông tin không chính xác.

Cùng với đó, một vấn đề vô cùng lớn là ngày 1/7/2019, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã thông báo hủy bỏ 7 công ty du lịch Việt Nam ra khỏi danh sách đại diện xin cấp visa (thị thực) đoàn cho du khách đi tour. Trong đó chi nhánh Hà Nội của Công ty Du lịch Vietravel bị đình chỉ có thời hạn trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2019.

Việc hủy bỏ (hoặc đình chỉ có thời hạn) này là do các công ty nêu trên có vi phạm nghiêm trọng về quy ước đã cam kết với Đại sứ quán Nhật Bản. Vậy nhưng trên website và ngay cả khi anh C. đặt vé cũng không hề được thông báo bất cứ thông tin gì về việc này.

Anh Nguyễn Văn C. khiếu nại Công ty Vietravel Hà Nội không đủ tư cách để bán tour trọn gói Du lịch Nhật Bản nhưng vẫn ngang nhiên nhận tiền đặt cọc của khách. Đồng thời, cán bộ nhân viên Vietravel Hà Nội không kiểm tra hồ sơ khách hàng cẩn thận, dẫn đến khai thông tin khách hàng bị sai, khiến khách hàng bị từ chối visa một cách oan uổng. Thêm vào đó, việc bị đóng dấu C trên hộ chiếu khiến anh C. phải mất 6 tháng sau mới có thể xin visa.

Thiệt hại này liệu chỉ có thể đền bù bằng một lời xin lỗi?

“Lập lờ đánh lận con đen”?

Ngay tại thời điểm sáng 16/12, theo khảo sát của PV báo điện tử Người Đưa Tin, trên website https://travel.com.vn của Vietravel vẫn giới thiệu rất nhiều tour du lịch Nhật Bản đi trong các ngày tháng 12/2019 do Vietravel tổ chức.

Vietravel giới thiệu rất nhiều tour đi Nhật Bản trong khoảng thời gian bị tạm đình chỉ cấp visa đoàn cho du khách đi tour.

Liên hệ theo đường dây nóng của hãng lữ hành này để hỏi về tour đi Nhật Bản trong tháng 12, PV được một tư vấn viên tên T. khẳng định chắc nịch, phía Vietravel sẽ lo visa cho khách hàng chứ không hề có thông tin nào thông báo hãng đang bị tạm đình chỉ đại diện xin cấp visa đoàn cho du khách đi tour.

Và nếu không biết về việc Vietravel đã bị Đại sứ quán Nhật Bản loại ra khỏi danh sách đại diện xin cấp visa, hẳn là PV cũng như anh C. và nhiều khách hàng khác vẫn sẽ rút hầu bao chi hàng chục triệu với kỳ vọng ngắm hoa anh đào.

Tham vọng sải cánh Vietravel Airlines

Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải (Tracodi). Công ty bắt đầu mang tên Vietravel từ năm 1995 và được cổ phần hóa vào năm 2014, chính thức không còn vốn nhà nước. Trụ sở chính được đặt tại 190 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP.HCM.

Ngành nghề hoạt động chính của Vietravel là điều hành tour du lịch, bao gồm việc kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, ngoài ra còn có xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại, dạy nghề.

Sau khi công bố ý định gia nhập thị trường hàng không vào đầu năm 2019, tham vọng của Vietravel bước đầu được hiện thực hóa khi Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) được thành lập vào ngày 19/2/2019. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu của doanh nghiệp này là 300 tỷ đồng và do Vietravel sở hữu 100% vốn.

Tới nay, quy mô vốn của Vietravel Airlines đã được đăng ký nâng lên mức 700 tỷ đồng, đặt mục tiêu hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020, khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 10/2020.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019, tại thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản của Vietravel đạt 2.243 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 1.989 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu.

Đặc biệt, trong quý III/2019, Vietravel phát hành lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cho Dự án Vietravel Airlines vào ngày 8/8 vừa qua. Quy mô của đợt phát hành trái phiếu đúng bằng vốn điều lệ đăng ký của Vietravel Airlines.

Cho đến nay vẫn chưa thấy Vietravel công bố kết quả xin ý kiến cổ đông về việc này.

9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Công ty đạt 5.808 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 54 tỷ đồng.

Tác giả: Mộc Châu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP