Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air gửi 2 kiến nghị tới Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air. |
Thứ nhất, đại diện Vietjet kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.
Thứ hai, là đại diện của bộ phận kinh tế tư nhân, Vietjet mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.
Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên, với giấy phép mở đường cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không, sự xuất hiện của Vietjet đã góp phần thay đổi hiện trạng của ngành. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, thị phần vận chuyển hành khách của Vietjet tương đương với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Năm 2018, hãng bay này thực hiện gần 120.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trong số 49,3 triệu của toàn ngành.
Nếu như Vietjet chọn đề xuất liên quan đến hạ tầng hàng không, thì đại diện của Vingroup hướng tới giải pháp công nghệ cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đề xuất cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup. |
Là người phụ trách VinFast - lĩnh vực sản xuất hàm lượng công nghệ của Vingroup, ông Huệ cũng cho rằng cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.
Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt kiều.
Đối với riêng lĩnh vực sản xuất, ông Huệ kiến nghị cần tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ôtô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Trong đó, đại diện Vingroup nhấn mạnh việc cơ quan quản lý cần tạo ra những cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Trả lời kiến nghị của Vietjet về vấn đề đầu tư tư nhân vào hạ tầng, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, Chính phủ đã có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.
Giao thông là mạch máu của ngành kinh tế, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, kinh tế tăng trưởng đến đó. Tuy nhiên, việc đầu tư vào giao thông khá tốn kém, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó sự góp mặt của khu vực tư nhân được đánh giá là nhân tố quan trọng.
Lấy ví dụ về một số tập đoàn tư nhân tham gia trong việc đầu tư hạ tầng, Bộ trưởng cũng cho biết đang kêu gọi xây dựng sân bay Sapa, Lai Châu... và sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư nếu có phương án hợp lý. Bộ Giao thông Vận tải cũng đang đề xuất đề án phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân phát triển hạ tầng giao thông.
Phát biểu cuối phiên Toàn thể, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đưa ra thông điệp Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế.
Kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể, cùng với kinh tế tư nhân sẽ là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ. Tuy nhiên ông Bình cũng cho rằng những thành công chỉ là bước đầu, nhiều thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục; môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi, nhiều rào cản còn hạn chế kinh tế tư nhân.
Với các doanh nghiệp tư nhân, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phát huy hơn nữa lợi thế, cạnh tranh, chủ động nêu ra những khó khăn vướng mắc để cơ quan, bộ ngành cập nhật thay đổi cơ chế chính sách đồng thời hiến kế nhằm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh.
Ông cũng đề nghị cần có sự vào cuộc và tham gia quyết liệu hơn nữa của những Bộ, ngành liên quan, thường xuyên đối thoại lắng nghe tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững... Sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ gửi các kiến nghị đến bộ ban ngành và đôn đốc giám sát, ông nói.
Tác giả: Minh Sơn
Nguồn tin: Báo VnExpress