Kinh tế

VietinBank 'ưu ái' quá mức về nguồn vốn vay cho dự án nước mặt sông Đuống

VietinBank vừa là tổ chức cho vay để AquaOne thực hiện dự án, vừa là đơn vị nhận ủy thác góp vốn từ AquaOne.

Nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công tháng 3/2017, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD). Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng.

Công trình do Tập đoàn AquaOne làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhà máy đặt kế hoạch cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu hộ dân tại 8 quận, huyện của thành phố Hà Nội.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Dự án được triển khai trên diện tích 62 ha, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và Trung Màu, huyện Gia Lâm. Bà Đỗ Thị Kim Liên là chủ tịch HĐQT kiêm chủ dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tuy nhiên đầu tháng 11/2019, bà Liên thông báo rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.

Tháng 9/2019, hệ thống cấp nước bắt đầu vận hành, cung cấp khoảng 150.000m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho người dân Hà Nội. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 năm đó, cơ quan giám định của Bộ Xây dựng vẫn chưa nghiệm thu.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 12/11/2019, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, phí lãi vay tính vào giá nước 20%, tức khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước.

Một tháng sau đó, ông Nguyễn Đức Chung (khi đó là Chủ tịch Hà Nội) nhận định phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính là “rất sai lầm”, khiến dư luận hiểu lầm giá nước người dân phải chịu có tính cả lãi vay của nhà máy nước.

Mới đây nhất, Bộ Công an có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống để xác minh, làm rõ dấu hiệu sai phạm (nếu có) trong dự án này.

Theo báo cáo tài chính năm 2018 của CTCP Nhà máy nước mặt Sông Đuống, đến cuối năm 2018, công ty có vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỷ đồng. Các cổ đông của công ty hiện nay bao gồm CTCP nước Aqua One (41%), công ty Thái Lan WHAUP (34%) và Saigon Capital - này là VPS Capital (10%), Hawaco (10%) và Newtatco (5%).

Trong quá trình triển khai dự án, Công ty Sông Đuống chủ yếu huy động vốn vay từ ngân hàng. Thời điểm cuối năm 2018, khi dự án còn chưa hoàn thành, dư nợ vay dài hạn của Công ty là 2.483 tỷ đồng.

Được biết, đơn vị tài trợ vốn cho khoản vay tại dự án là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Đổi lại, toàn bộ tài sản phát sinh từ dự án này đều được mang đi thế chấp tại Vietinbank.

Cuối năm 2017, Công ty Sông Đuống đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản dự án tại Vietinbank, bao gồm Toàn bộ động sản, máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ và phương tiện vận tải hình thành trong tương lai, phương tiện truyền dẫn và các quyền tài sản phát sinh hình thành trong tương lai phục vụ cho Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Vietinbank không chỉ là đơn vị cung cấp nguồn vốn chủ yếu cho dự án. Công ty con của Vietinbank là Vietinbank Capital còn là đơn vị nắm giữ phần lớn cổ phần của Công ty Sông Đuống từ năm 2016 đến 2018. Tuy nhiên đây được xem là một khoản ủy thác đầu tư, Vietinbank Capital chỉ đứng tên, mọi quyền và lợi ích thuộc về bên ủy thác theo hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Đến ngày 12/9/2018, Aqua One lại tiếp tục vay mượn 590 tỉ đồng tại Indovina Bank chi nhánh Thiên Long. Điều bất ngờ là ở hợp đồng vay mượn này, Aqua One lại dùng chính quyền sở hữu gần 20,9 triệu cổ phần phổ thông của Cty CP nước mặt sông Đuống (tương ứng 20,9% vốn điều lệ) với định giá 206 tỉ đồng để bảo đảm cho khoản vay.

Sự tương thích về thời điểm Aqua One vay mượn Indovina Bank và thời điểm các cổ đông hoàn tất việc góp vốn vào dự án nhà máy nước sông Đuống đặt ra câu hỏi: Phải chăng ngay từ ban đầu, Cty CP Aqua One cũng sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng làm nguồn vốn góp vào dự án?.

Indovina Bank là ngân hàng liên doanh được thành lập với phần vốn góp 50% từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và 50% từ Ngân hàng Cathay United (Cathay United Bank - CUB). Như vậy, từ vai trò ngân hàng cho vay chính của Vietinbank, đến vị trí cổ đông góp vốn của VietinBank Capital tại dự án và các khoản vay hàng trăm tỉ đồng mà một ngân hàng “con” của Vietinbank dành cho cổ đông sáng lập của Cty CP nước mặt sông Đuống, “vị thế” tài chính tuyệt đối của VietinBank tại Dự án nước mặt sông Đuống là không thể bàn cãi.

Và, việc Aqua One có thể dùng vốn vay ngân hàng làm vốn góp cho Cty CP nước mặt sông Đuống cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về khả năng thẩm định, giám sát năng lực tài chính chủ đầu tư trước khi quyết định cho vay của ngân hàng.

Việc có thêm các nhà máy nước mặt là cần thiết, nhằm gia tăng mức độ cạnh tranh ở thị trường về bản chất vẫn là độc quyền này. Tuy nhiên, việc cấp phép cần cân nhắc kỹ để tránh cung vượt xa cầu, lãng phí nguồn lực xã hội. Như tại NMN Sông Đuống, nhà đầu tư đã vay tới 4.000 tỷ đồng, tương đương 80% tổng mức đầu tư, dẫn tới người dân phải chịu 20% lãi vay trên mỗi m3 nước.

Ngoài ra, nếu không rót vào các dự án không quá cần thiết, hàng nghìn tỷ đồng tín dụng có thể được điều hướng sang các lĩnh vực khác được khuyến khích phát triển như nông nghiệp hay công nghệ cao. Đây là bài toán cần có lời giải thấu đáo nhất với lãnh đạo Hà Nội.

Tác giả: Mai An

Nguồn tin: doanhnhan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP