Trong thế hệ hiện tại của bóng đá Việt Nam và Thái Lan, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh là những người đầu tiên có mặt tại Nhật Bản hồi 2016. Một năm sau ngày đó, Chanathip Songkrasin của Thái Lan mới đến Nhật.
Nhưng kể từ đó, cầu thủ Thái Lan đã liên tục đổ bộ Nhật Bản. Người Thái đi muộn nhưng về sớm. Họ chinh phục các CLB J.League, lấy suất đá chính và tỏa sáng. Chiều ngược lại, chưa cầu thủ Việt Nam nào chen chân chứ chưa nói là được thi đấu ở các đội J.League 1.
Thất bại của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan trên con đường xuất ngoại là một nghịch lý khi hai đội tuyển vẫn bất phân thắng bại ở sân chơi quốc tế. Vì sao người Thái thành công ở Nhật Bản, còn Việt Nam thì không?
Công Phượng và Chanathip là hai cầu thủ Việt Nam và Thái Lan từng và đang chơi bóng tại Nhật Bản. Đồ họa: Minh Phúc. |
Chanathip già, Công Phượng trẻ
Khi gia nhập Mito Hollyhock hồi năm 2016, Công Phượng 21 tuổi. Lúc đến Consadole Sapporo năm 2017, Chanathip 24 tuổi. Cách biệt là 3 năm.
Phần lớn các thương vụ xuất ngoại của bóng đá Việt Nam và Thái Lan đã diễn ra theo công thức tương tự. Thái Lan già, Việt Nam trẻ. Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu lần lượt 21, 21 và 20 tuổi khi xuất ngoại lần đầu. Chiều ngược lại, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Thitiphan Puangchan lần lượt 30, 28, 26 tuổi khi sang Nhật.
Trên bàn tiệc xuất ngoại, đầu bếp Việt Nam sẽ nhanh nhảu bưng lên những món ăn mới nhất. Còn Thái Lan sẽ bình tĩnh chế biến, cẩn thận chọn lựa trước khi mời thực khách. Thận trọng và chắc chắn, người Thái đã giành lợi thế đầu tiên ngay từ vạch xuất phát.
Có ngạc nhiên không khi cầu thủ Việt Nam duy nhất xuất ngoại thành công cho tới hôm nay là Đặng Văn Lâm? Ngày sang Muangthong, Văn Lâm 26 tuổi.
Sự khác biệt giữa cầu thủ Việt Nam và Thái Lan khi xuất ngoại. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tuổi tác cũng liên quan tới trình độ. Ở tuổi trưởng thành, cầu thủ Thái Lan là trụ cột tại CLB và đội tuyển quốc gia. Chanathip sang Nhật với tư cách cầu thủ hay nhất Đông Nam Á, Dangda là huyền thoại khu vực còn Bunmathan là đội phó tuyển Thái. Chiều ngược lại, Tuấn Anh, Xuân Trường còn chưa lên tuyển hồi năm 2016.
Cộng thêm cách biệt giữa Thai League và V.League, chênh lệch về đẳng cấp, kinh nghiệm giữa hai nhóm cầu thủ càng rõ ràng. Nên nhớ bóng đá Việt Nam không có suất vào thẳng AFC Champions League trong khi Thái Lan có 1,5 suất, nghĩa là rất ít cơ hội chơi bóng ở đẳng cấp châu Á cho cầu thủ Việt.
Một điểm cộng khác cho người Thái là quy định sử dụng ngoại binh. Các nền bóng đá hàng đầu đều mở cửa cho ngoại binh nước ngoài. J.League 1 mùa 2020 cho mỗi CLB đăng ký 5 cầu thủ ngoài châu Á và không giới hạn suất ASEAN. Thái Lan khá tương đồng khi cho đăng ký 3 ngoại binh ngoài châu Á, 1 ngoại binh châu Á và 4 cầu thủ ASEAN. Còn V.League chỉ cho 3 ngoại binh và một nhập tịch.
Nhiều ngoại binh dẫn tới hai hệ quả. Thứ nhất, cầu thủ Thái Lan đã quen cạnh tranh với những ngôi sao nước ngoài. Họ buộc phải thích ứng, thay đổi, hòa nhập với đồng đội cả trong tập luyện lẫn sinh hoạt. Thứ hai, họ phải nâng cao trình độ nếu muốn tồn tại, từ đó đạt tới trình độ bóng đá cao hơn.
4 cầu thủ này có điểm gì chung? Họ đều đã và đang chơi bóng tại Nhật Bản. Ảnh: Minh Chiến. |
Bóng đá Việt Nam thiếu phương hướng
Từ năm 2016 tới nay, bóng đá Việt Nam đã tìm kiếm cơ hội ở 5 quốc gia khác nhau là Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Các giải vô địch này khác nhau rất nhiều về trình độ, văn hóa bóng đá, cách biệt về địa lý và ngôn ngữ.
Chiều ngược lại, tuyển Thái Lan chỉ tập trung cho J.League. Kawin Thamsatchanan là tuyển thủ Thái Lan duy nhất chơi bóng tại châu Âu trước khi tiếp tục gia nhập Sapporo hè vừa qua.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, sự tập trung ấy giúp bóng đá Thái Lan có điều kiện dồn toàn lực, tập trung mọi tri thức, hiểu biết để chinh phục Nhật Bản. Cầu thủ Thái Lan đi trước có điều kiện truyền lại kinh nghiệm cho đồng đội, đàn em sang sau có các anh lớn hỗ trợ. Nếu thương vụ của Sarach Yooyen hoàn thành thời gian tới, người Thái sẽ có gần nửa đội hình chơi bóng ở J.League 1.
Từ 2016 tới nay, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Lâm, Văn Hậu là 5 tuyển thủ quốc gia đã xuất ngoại. Các thương vụ của họ được thực hiện bởi 3 CLB khác nhau. Ba đội bóng này không có liên kết nào, không có một chiến lược chung, không tìm được môi trường phù hợp với lối chơi của cầu thủ Việt Nam.
Lấy HAGL làm ví dụ, cầu thủ của họ được đào tạo đồng nhất theo triết lý bóng ngắn của JMG nhưng khi chuyển nhượng, đội bóng dường như không quan tâm tới lối chơi của CLB đích đến.
Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật Bản hồi 2014 và gia hạn năm 2018 nhưng chúng ta hiện không có cầu thủ nào chơi ở J.League 1. Ảnh: VFF. |
Vai trò của Liên đoàn
Tháng 3/2017, Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) tại Tokyo. Nội dung văn kiện cam kết đôi bên sẽ hợp tác toàn diện về mọi mặt, trong đó có sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho chiến lược xuất khẩu cầu thủ của Thái Lan.
Điều thú vị là Thái Lan không phải nước duy nhất ký văn kiện này với Nhật Bản.
Tháng 10/2018, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) gia hạn thỏa thuận hợp tác toàn diện với Nhật Bản. Văn kiện này được ký lần đầu từ năm 2014.
Ngoài Việt Nam và Thái Lan, JFA còn hợp tác với gần chục quốc gia khác. Phần lớn trong số đó tới từ Đông Nam Á. Nghĩa là người Nhật cũng hướng tới thị trường ASEAN và chủ động mở cửa. Vấn đề chỉ là các quốc gia Đông Nam Á có nắm được cơ hội này không.
Thực tế chứng minh Thái Lan là nước tận dụng tốt nhất mối quan hệ này. Vài tháng sau lễ ký ở Tokyo, Chanathip Songkrasin gia nhập J.League. Liên tục từ đó tới nay, bóng đá Thái Lan mỗi năm lại đưa vài gương mặt mới tới Nhật Bản.
Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung nói trong lễ ký: “Nhật Bản đã kiên nhẫn trên con đường phát triển và đang thu lại thành tựu ngày hôm nay. Thành tựu của họ là ví dụ tốt cho chúng ta tiến lên”.
Xuân Trường là một trong những cầu thủ ASEAN tới Thái Lan trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trong khi liên tục hướng ra bên ngoài, người Thái cũng không quên tăng cường sức mạnh giải quốc nội. Họ là giải vô địch lớn duy nhất tại Đông Nam Á có suất ngoại binh dành riêng cho những cầu thủ cùng khu vực.
CEO Benjamin Tan bảo: “Chúng tôi muốn nâng cao trình độ bóng đá ASEAN. Những cầu thủ khu vực có thể chơi ở giải Thái vốn giàu tính cạnh tranh và tiếp tục phát triển nó. Sau cùng, tất cả các bên đều nâng cao trình độ và hưởng lợi từ đó. ASEAN mạnh hơn thì bóng đá Thái cũng mạnh hơn”.
Bên cạnh Văn Lâm ở Muangthong, Xuân Trường (từng ở Buriram), Soukaphone Vongchiengkham của Lào, Aung Thu của Myanmar, phần lớn đội hình tuyển Philippines đều đang chơi bóng tại Thái Lan. Bên trong, người Thái tạo cơ hội cho ASEAN để phát triển chính giải quốc nội của mình. Bên ngoài, họ chinh phục Nhật Bản trong lúc Đông Nam Á bận chinh phục Thai League.
So với FAT, vai trò của VFF hay các liên đoàn khác trong khu vực mờ nhạt hơn nhiều. Bóng đá Việt Nam vẫn coi xuất khẩu cầu thủ là chuyện riêng của từng CLB hay các cá nhân. Văn Lâm, Công Phượng hay Công Vinh trước đó không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ liên đoàn. V.League hiện cũng không có cơ chế thu hút các tài năng nước ngoài. Bằng chứng là không một tuyển thủ quốc gia Đông Nam Á nào có mặt tại Việt Nam.
Nếu xuất khẩu cầu thủ là một con đường thì bóng đá Việt Nam mới đi những bước đầu tiên phía sau cái bóng của người Thái.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: zing.vn