![]() |
Đoàn cán bộ của đối tác Trung Quốc tới Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) trao đổi về hợp tác đào tạo. Ảnh: Đình Tuệ |
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, áp lực nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội phát triển chưa đủ sức thu hút khiến việc tuyển dụng và giữ chân giáo viên dạy nghề đang là bài toán khó.
Khó tuyển, dễ mất
Nhiều năm nay, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú (DTNT) Nghệ An trong tình trạng thiếu giáo viên nhưng chưa có giải pháp nào “bù đắp”. Thầy Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi năm, trường đào tạo trung cấp, sơ cấp nghề cho 700 đến 900 học sinh. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có 30 giáo viên, trong đó, 18 biên chế, 12 hợp đồng. Theo tính toán, để đáp ứng nhu cầu dạy học, trường còn thiếu tới 40 giáo viên.
Số giáo viên còn thiếu tập trung vào các nghề như: May thời trang, hàn, thú y, điện dân dụng… Đây cũng là các nghề hằng năm tuyển khá đông học sinh và có nhiều cơ hội việc làm sau khi các em tốt nghiệp. Dù thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn vì trường đóng tại Con Cuông - huyện miền núi cao, cách xa trung tâm tỉnh. Nhiều năm qua, nhà trường không được giao thêm biên chế, chủ yếu tuyển dụng hợp đồng, nên càng khó thu hút giáo viên ứng tuyển và gắn bó lâu dài.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp DTNT Nghệ An chia sẻ thêm câu chuyện oái oăm nhưng không hiếm ở các trường nghề hiện nay. Trước đó, trường từng cử giáo viên hợp đồng dẫn học sinh đi thực tập tại một số công ty thuộc khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Sau khi kết thúc đợt thực tập, cả 2 giáo viên này xin nghỉ việc ở trường. Lý do các công ty tại Bắc Ninh trong đợt thực tập đã “thu hút” giáo viên của trường với mức đãi ngộ cao, lương gấp 3 - 4 lần khi làm việc ở trường.
“Thời điểm đó, nhà trường thuyết phục, mong muốn giáo viên tiếp tục ở lại và đưa ra thêm một số ưu đãi. Tuy nhiên, họ chỉ là giáo viên hợp đồng, không có nhiều ràng buộc, chế độ lương không thể đủ cạnh tranh với doanh nghiệp nên đã dứt áo ra đi. Chúng tôi hiểu nguyện vọng của giáo viên, họ có năng lực thì dễ dàng tìm được công việc với đãi ngộ tương xứng. Nhưng về phía nhà trường sẽ thiếu càng thêm thiếu đội ngũ”, thầy Lê Anh Tuấn cho hay.
Trường Trung cấp Kỹ thuật huyện Yên Thành (Nghệ An) hiện cơ bản đủ giáo viên đứng lớp, đáp ứng nhu cầu đào tạo hơn 700 học sinh mỗi năm. Tuy nhiên, hoạt động của nhà trường có vai trò to lớn của đội ngũ giáo viên hợp đồng khi chiếm tới gần 20 người, còn cán bộ giáo viên biên chế là 16 người và có 1 giáo viên hợp đồng diện hưởng lương ngân sách.
Thầy Trần Văn Thọ là kỹ sư cơ khí, nhưng hơn 10 năm gắn bó với trường vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng. Dù có nhiều cơ hội đến với các doanh nghiệp với thu nhập cao hơn, nhưng do hoàn cảnh gia đình và tâm huyết với nghề nên thầy chọn ở lại. Theo thầy Trần Trung Thuận - Phó Hiệu trưởng phụ trách điều hành nhà trường, phần lớn giáo viên hợp đồng đã dạy học tại trường lâu năm, người thâm niên nhất là 15 năm. Thu nhập, quyền lợi của họ đều thiệt thòi so với giáo viên biên chế.
Dù rất muốn nâng cao chế độ lương cho giáo viên hợp đồng, nhưng ngân sách của trường hạn hẹp, chủ yếu trích lại từ nguồn thu học phí. Còn giáo viên trẻ nguy cơ biến động cao, không ít trường hợp đã bị doanh nghiệp “thu hút”, kể cả những người trong biên chế mới được bổ sung. Việc tuyển mới giáo viên trẻ cũng gặp khó khăn.
“Chúng tôi đưa ra phương án tạo nguồn giáo viên trẻ từ việc bồi dưỡng, phát triển chính học sinh giỏi của nhà trường, nhưng không thể “giữ chân” các em. Làm giáo viên tại trường, mức lương theo hệ số chỉ 2 - 3 triệu/tháng, trong khi doanh nghiệp đến tận nơi tuyển dụng và sẵn sàng trả lương khởi điểm từ 9 - 10 triệu đồng đối với học sinh giỏi”, thầy Trần Trung Thuận nói.
![]() |
Thầy trò Trường Cao đẳng nghề Hà Nam trong giờ học thực hành. Ảnh: Đình Tuệ |
Chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn
Thầy Lê Thiên Huy - quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hoa Sen (Công viên phần mềm Quang Trung, Quận 12, TPHCM), nhận định, tình trạng thiếu giáo viên không chỉ là bài toán của giáo dục nghề nghiệp mà còn trở thành vấn đề chung của ngành Giáo dục.
Trường Cao đẳng nghề Hoa Sen hiện có hơn 30 giảng viên cơ hữu. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, trường phải hợp đồng thỉnh giảng hơn 100 giảng viên. Đa số giảng viên thỉnh giảng công tác tại các trường đại học, không có nhu cầu tuyển dụng, gắn bó với trường. Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại các trường nghề là khó khăn trong công tác tuyển sinh. Khi số lượng học sinh ít, giờ dạy không đủ nên ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Bên cạnh đó, dù theo quy định, giáo viên dạy nghề chỉ cần tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành, nhưng xu hướng chung vẫn là giáo viên luôn nâng cao trình độ chuyên môn. Các trường nghề muốn chuẩn hóa đội ngũ giảng viên với trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, khác với trường đại học, trường nghề chưa đủ điều kiện để xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ. Khi có bằng thạc sĩ, nhiều người có xu hướng chuyển sang các trường đại học thay vì gắn bó với trường nghề.
Ngoài ra, việc giảng dạy tại trường nghề thường kèm theo nhiều áp lực do phần lớn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều em học lực chưa tốt, chưa ngoan. “Quá trình giảng dạy vất vả, áp lực có thể ảnh hưởng đến cơ hội phát triển sự nghiệp sau này nên đa số giáo viên khi có đủ các điều kiện thông thường sẽ không chọn trường nghề để giảng dạy”, thầy Lê Thiên Huy thông tin.
Chung quan điểm trên, cô Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho hay, việc tuyển dụng của nhiều trường nghề đang gặp khó khăn. Lương chưa hấp dẫn cộng với yêu cầu điều kiện hồ sơ văn bằng, chứng chỉ tiêu chuẩn đối với nhà giáo giảng dạy nghề nghiệp phải theo yêu cầu của ngạch giảng viên. Trong khi nhiều người mới ra trường cần thời gian đi học để có đủ các chứng chỉ nghiệp vụ cần thiết.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam, thầy Vũ Hữu Ý cũng chỉ ra, điều kiện môi trường làm việc của trường nghề chưa thực sự hấp dẫn. Nhiều người có trình độ chuyên môn cao lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp thay vì làm giáo viên dạy nghề do mức lương, cơ hội phát triển nghề nghiệp tại các doanh nghiệp thường cao hơn.
![]() |
Sinh viên thực hành pha chế tại Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn. Ảnh: NTCC |
Cách nào giữ chân giáo viên?
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trường nghề, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam kiến nghị, Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh cần cụ thể hóa chế độ đãi ngộ, tiền lương đối với nhà giáo dạy nghề. Đồng thời, có thể vận dụng quy định với ngành nghề nặng nhọc, độc hại và cơ chế thu hút nguồn nhà giáo; cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghề cho giảng viên giảng dạy nghề nghiệp.
Từ thực tế đơn vị, thầy Nguyễn Văn Hạng - Trưởng phòng Hợp tác doanh nghiệp & Quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) trao đổi, vấn đề tuyển dụng và giữ chân giảng viên luôn là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp, trường nghề.
Những năm trước, công tác tuyển dụng rất khó khăn nhưng vài năm gần đây, khi nhà trường dần được nhiều người biết đến thì số lượng giảng viên tuyển được ngày càng cải thiện, đáp ứng yêu cầu về giảng dạy cho sinh viên.
Hiện tổng số giảng viên cơ hữu và hợp đồng của trường có 45 thầy cô, trong đó số lượng tuyển mới là 15 người đều có tay nghề cao và đảm bảo trình độ bằng cấp theo quy định. Khi tuyển được rồi, nhà trường duy trì nhiều giải pháp để giữ chân giảng viên bằng cách tạo thuận lợi tối đa về điều kiện làm việc, cơ chế phụ cấp cho thầy cô thêm yên tâm công tác.
“Chúng tôi luôn áp dụng linh hoạt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường làm việc và thu nhập cho nhà giáo. Ngoài lương cứng theo vị trí việc làm, nếu thầy cô có tiết dạy thừa giờ cũng được chi trả thù lao một cách xứng đáng, đảm bảo nhu cầu cuộc sống. Vì thế, dù không quá cao so với các trường khác nhưng chúng tôi cũng cố gắng để các thầy cô có mức thu nhập bình quân từ 12 - 18 triệu đồng/tháng tùy năng lực, vị trí mỗi người”, thầy Hạng thông tin.
Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, giúp giáo viên nhận thức rõ vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Nêu quan điểm, thầy Nguyễn Hoàng Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn (Tân Phú, TPHCM) đồng thời nhấn mạnh, các trường nghề cần đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị để giáo viên phát huy năng lực, yên tâm công tác giảng dạy.
Nhà trường đã tăng cường điều kiện học tập thực tế, như khu thực hành nhà hàng - khách sạn, xưởng chế biến món ăn, xưởng ô tô. “Với hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, chúng tôi hy vọng thầy và trò có thể thỏa sức dạy và học, góp phần tăng tỷ lệ tuyển sinh và giảm áp lực lên đội ngũ giảng viên”, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn nhấn mạnh.
Nghệ An được xem là trung tâm giáo dục nghề nghiệp của khu vực với 53 trường nghề, trong đó có 9 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, trùng lặp chức năng nhiệm vụ, ngành nghề đào tạo. Công tác phân luồng, hướng nghiệp có hiệu quả, số lượng người học nghề ngày càng tăng trong khi giáo viên, giảng viên không đủ đáp ứng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Để khắc phục những hạn chế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án 14 về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, quy hoạch lại mạng lưới các trường nghề, thực hiện giải thể, sáp nhập một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không đảm bảo điều kiện quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao hiệu quả hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh.
Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Yên Thành (Nghệ An), thầy Trần Trung Thuận cho rằng: Quy hoạch, sáp nhập sẽ tạo cơ hội để các trường phát triển, giải quyết được các bài toán khó về đội ngũ giáo viên. Vấn đề đặt ra là sau sáp nhập đảm bảo quyền lợi và nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Một mặt giữ chân đội ngũ đang có, mặt khác thu hút thêm giáo viên có trình độ, chất lượng cho trường nghề.
Để giữ chân nhà giáo, theo cô Phạm Thị Hường, các trường cần được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp cho giảng viên; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các thầy cô được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới nhất. |
Tác giả: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn