Túp lều lá trên đồi tràm
Những con đường đất đỏ chạy dài mải miết lên triền đồi, nơi nhưng hàng tràm xanh mỗi ngày vẫn thầm thì cùng con suối nhỏ, nơi mái nhà lá của chú Tánh và cô Phích bao năm nay vẫn nằm đó, bình yên đón nắng mưa. Nghe tiếng xe máy từ ngoài xa, thằng Điệp và thằng Hiền đã chạy tót ra sau nhà trốn. Cô Phích đứng trông theo hai cậu con nhỏ rồi cười tít mắt: "Sống ở đây vắng vẻ, nên tụi nhỏ bị nhát người, cứ thấy người lạ đến là lại chạy ra sau nhà trốn".
Chú Châu Văn Tánh (50 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Bố mất sớm, một mình mẹ phải gánh vác cả gia đình, hiểu được những khó khăn đó, ngay từ nhỏ cậu con trai út đã cố gắng học thật giỏi để đổi đời. Thế nhưng, chẳng ai tính trước được chuyện gì. Sau khi tốt nghiệp lớp 9 chú trải qua một cơn bạo bệnh khiến cột sống bị thoái hoá, lưng còng gập không thể đứng thẳng người, cũng vì thế mà chú buộc phải thôi học.
Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, 4 mẹ con quyết định rời Bình Định để đến vùng đồi núi thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tìm kế sinh nhai. Họ khai khẩn đất hoang trên đồi để dựng nhà, trồng cây, dẫu vất vả nhưng miếng ăn đủ đầy hơn ngày trước.
Thấm thoắt đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày xa quê, 2 người anh lớn của chú Tánh đã có gia đình và ra ở riêng. Chỉ còn chú và người mẹ già thui thủi bên nhau trong ngôi nhà vách đất. Tuổi tác, bệnh tật và nghèo khó bủa vây khiến người đàn ông ấy chẳng bao giờ dám nuôi hy vọng về một mái ấm.
Cô Vũ Thị Phích (46 tuổi) vẫn thường bẽn lẽn khi nhắc đến tên của mình, cô cười: "Ngày xưa ông bà nghĩ sao mà đặt cái tên nghe buồn cười, chắc đặt tên xấu cho dễ nuôi". Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở Nam Định, tuổi thơ cô Phích sớm trải qua những ngày vất vả vì bố mẹ mất sớm.
Năm 2003, cô Phích theo một người bà con vào Nam chơi và vô tình gặp được chú Tánh. Một người phụ nữ lỡ thì, nghèo khó và một người đàn ông tật nguyền, họ thương nhau, là thương chứ không hẳn là yêu, bởi nếu chỉ yêu thì chẳng đủ mạnh mẽ để ở bên nhau. Sau 1 năm qua lại, cô về ở cùng chú, không lễ cưới cao sang, không họ hàng cô bác chúc tụng. Đơn sơ một mâm cơm cúng ông bà, rồi cô ở lại ngọn đồi này, không về Bắc nữa.
Sức khoẻ chú Tánh khá yếu, thế nên từ ngày về làm dâu, cô Phích quán xuyến công việc từ nội chợ đến đồng áng. Bàn tay vốn đã đen đúa nay càng thêm chai sạn, nhưng người phụ nữ ấy chẳng than lấy một lời. Cô không biết chữ, nên chỉ quanh quẩn ở nhà, mọi chuyện mua bán hay đi chợ đều do chú lo liệu.
Cô chú có với nhau 2 người con, thằng lớn đặt tên là Điệp, thằng nhỏ tên là Hiền. Họ bảo mình đã nghèo và dốt rồi nên phải ráng cho tụi nhỏ đi học để thoát cái khổ. Hai vợ chồng cùng nhau làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, cũng chỉ đủ lo miếng ăn cho cả nhà. Những hôm cơn dông kéo đến ngọn đồi, gió lùa từng cơn giật bay mái lá, nước mưa chảy thành từng dòng lênh láng, mấy bà cháu thằng Điệp phải chui xuống gầm tủ núp mưa. 3 năm trước người ta có xây tặng một căn nhà tình thương, nhưng ở chưa bao lâu thì tường nứt toạc ra, chẳng ai dám vào ở, đành quay về nhà lá.
Tụi thằng Hiền nhạy lắm, hễ nghe tiếng gió rít trên mấy ngọn tràm là chúng nhanh chân chạy vào báo cho bố mẹ, ngôi nhà xiên vẹo bao năm ngó chừng chẳng chống nổi cơn dông, nên cả gia đình nấp vào gian bếp nhỏ sau nhà. Ngoài trời gió mưa rít từng cơn, bên trong này 5 con người nép vào nhau, chỉ nghe hơi ấm trên vành tai. Và lần nào cũng thế, chú Tánh lại thủ thỉ: "Rồi mưa sẽ sớm tạnh thôi".
Tấm áo cô dâu
Đời người có mấy ai lấy chồng lần thứ hai, thế nên ngày cưới trọng đại và thiêng liêng lắm. Cô Phích cũng như bao người phụ nữ khác, cũng ước ao được một lần khoác lên mình tấm áo cô dâu, thế nhưng từ ngày về ngọn đồi này, cô chưa bao giờ dám mơ đến chuyện đó.
Bùi Dũng và những người bạn nhiếp ảnh của anh đã tìm đến đây để giúp cô chú được một lần trong đời làm cô dâu chú rể.
Ngày nhóm Bùi Dũng đến chụp ảnh, mẹ chồng cô Phích ngồi phía xa ngắm nhìn thật lâu con dâu mặc váy cưới, mắt bà buồn rười rượi, cả cuộc đời bà nợ cô con dâu này quá nhiều, nợ một mâm cau trầu sính lễ, nợ một tấm áo cưới đường hoàng...
Cô Phích cười tít mắt: "Cảm giác không thể tả được, cứ như mình được làm đám cưới lần thứ 2 trong đời ý". Chú thì tặc lưỡi: "Phải chi chú đứng thẳng lên được thì chụp hình sẽ đẹp hơn". Sức khoẻ chú yếu nên mọi người cũng chỉ quanh quẩn chụp ở bụi chuối, rừng tràm gần nhà. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Trên đồi tràm heo hút này, suốt mười mấy năm qua, người ta chẳng bao giờ nghe thấy một tiếng cã vãi to tiếng. Mà cũng đúng, khổ thế này rồi, không thương nhau thì thôi chứ sao lại chửi mắng nhau. Cô bảo chú hiền khô à.
Hạnh phúc trên ngọn đồi này không phù phiếm như những lời thề nguyện hẹn ước, hay những món quà đắt tiền, hạnh phúc đơn giản là được ở cạnh bên nhau những lúc khó khăn. Hay những lúc dành dụm được một ít tiền, chú xuống chợ mua tặng cô chiếc áo mới. Chỉ thế thôi.
Ai đó nói về một túp lều tranh hai quả tim vàng, tôi chẳng tin. Trong mái nhà tranh này, chẳng có tim vàng, chỉ có những con người thương nhau bằng tất cả những gian khó đã trải qua. Họ nuôi những niềm hạnh phúc giản đơn mà bền bỉ. Nuôi cả những hy vọng trong xanh. Về một ngày không xa, khi thằng Điệp, thằng Hiền lớn khôn, chúng sẽ bước ra thế giới ngoài kia và trở thành những người thành đạt.
Tác giả bài viết: Toàn Nguyễn
Nguồn tin: