Xã hội

Từ chuyện “bắt vợ” nghĩ về văn hóa yêu

Vừa qua báo Nghệ An điện tử (ngày 05-2-2017) có bài viết: Thiếu nữ gào khóc thảm thiết khi bị nhóm thanh niên "bắt vợ", tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

<< Tục “Trộm vợ”: Hiểu thế nào cho đúng?


Ngay sau đó, danh tính chủ mưu trong vụ "bắt vợ" nói trên đã được xác định, đó là anh Trương Văn Biển (25 tuổi) trú tại bản Quèn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), và thiếu nữ "bị bắt" trong clip được đăng kèm theo trong bài báo là chị Vi Thị Hiền (17 tuổi) trú tại bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

Trả lời phỏng vẫn của báo chí, anh Trương Văn Biển nói rằng anh và Hiền quen nhau tại bản Quắn trong một đêm trăng tròn hồi tháng 6 năm 2016. Từ thời gian đó đến nay hai người thường xuyên liên lạc qua lại với nhau. Tết vừa rồi Biển cũng đưa Hiền đến nhà chơi và đã nhiều lần muốn thổ lộ tình cảm với Hiền nhưng chưa có cơ hội. Được biết, ra tết Hiền sẽ vào miền Nam để đi làm nên Biển rất buồn chán. Ngày 03-02-2017 vừa qua, biết Hiền sẽ đón xe vào miền Nam làm việc, Biển đã đến nhờ anh Vi Văn Phong, Lữ Văn Hải và Vi Văn Bốn ở cùng bản ra ngã ba Châu Lộc để tìm gặp Hiền. Theo Biển “Nếu Hiền nói yêu em thì em sẽ bắt Hiền về làm vợ. Nhưng khi ra, chưa nói gì thì các anh đã nhảy vào bắt làm cho Hiền hoảng sợ...” (Trong bài: Lời trần tình của nam thanh niên ‘'bắt vợ’’ ở Quỳ Hợp - Báo Nghệ An điện tử, ngày 08-4-2017).

Vậy là chỉ vì tình yêu đơn phương mà nên chuyện buồn.

Nếu giả thiết rằng không có ai đó quay được cái cảnh nhóm thanh niên người dân tộc Thái ở bản Quèn (xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) và nhanh chóng đăng lên mạng xã hội (ngày 04-02-2017), thì liệu chính quyền các cấp và mọi người dân khác có biết được câu chuyện này không nhỉ? Và cũng với giả thiết rằng cuộc “bắt vợ” của nhóm thanh niên ấy nếu thành công, thì cuộc đời của cô gái sẽ ra sao, khi mà cô ta gào thét, khóc lóc van xin, kêu cứu và giãy dụa.... đến mức rơi cả xuống lòng đường. Nếu tiếp tục giả thiết rằng... thì chắc chắn câu chuyện “bắt vợ” sẽ được xem là chuyện “bình thường”, thậm chí được cho là “tục” là “lệ”... và theo thời gian, mọi chuyện đều bị xí xóa, lu mờ... để rồi cứ thế tái diễn mãi!?

Tình yêu là một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp của con người, nên tình yêu đòi hỏi cung cách ứng xử của chúng ta cũng phải cao đẹp tương ứng với nó. Từ cách xưng hô đến hò hẹn, cả khi trách cứ giận hờn cũng phải mang màu sắc đặc thù của tình yêu. Nếu chúng ta xử sự một cách suồng sã thì dù có yêu nhau đến đâu chăng nữa cũng chỉ là một thứ tình yêu thiếu văn hóa mà thôi.

Bắt một người con gái không yêu mình về để làm vợ, đó là một việc làm phản cảm, sai trái và phạm pháp thực sự. Với người Thái thì “bắt vợ” không phải là một tục lệ. Từ xưa đến nay cả nhân tình thế thái, cả dư luận mường bản và cả luật pháp nữa, đều không chấp nhận chuyện “bắt vợ” và luôn coi đó là một việc làm vô văn hóa nhất.

Ngày nay chúng ta đang xây dựng một nền văn hóa mới mang đậm đà bản sắc dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có “văn hóa yêu”.

Văn hóa yêu đã có từ xa xưa, đó là sự tôn trọng nhau giữa người con trai và người con gái. Sự tôn trọng nhau trong tình yêu là yếu tố đầu tiên nuôi dưỡng tình yêu giữa hai con người. Khi không nhìn thấy giá trị của sự tôn trọng thì những giá trị như yêu thương, bao dung... cũng mất đi. Trong tình yêu rất cần có những nét văn hóa để hai bên không chỉ ứng xử trong tình yêu đôi lứa mà còn thể hiện cách đối nhân xử thế giữa hai con người với toàn xã hội.

Tại sao có những mối tình bền lâu suốt cuộc đời, nhưng cũng có mối tình chỉ “ba bảy hăm mốt ngày” đã chia tay. Có người cho là số phận, may rủi, nhưng thật ra nếu đúng là tình yêu thì bao giờ khởi đầu cũng đẹp, chỉ do chúng ta không biết cách cư xử với nó cho có văn hóa nên làm cho nó xấu đi, tàn lụi dần mà thôi.

Yêu không phải chỉ là cho, là sự ban phát, mà còn cần có chiều ngược lại - chính điều đó đã làm nên sự kỳ diệu của tình yêu, khiến người cho không bị “nghèo”đi, xơ xác héo hon đi, mà được nhận trở lại một nguồn năng lượng tương ứng. Tình yêu đích thực làm cho con người chúng ta sung mãn hơn, đẹp hơn, tràn đầy sức sống hơn.
trom vo 1
Nét đẹp trong hôn nhân của người Thái ở Châu Quang (Quỳ Hợp, Nghệ An) ngày nay

Văn hóa trong tình yêu còn thể hiện ở tính lành mạnh của nó, đó là yêu nhau chân thành, yêu nhau thực sự cả từ hai phía, kết hôn đúng với độ tuổi mà luật pháp đã quy định, không tảo hôn, không “bắt ép” dưới mọi hình thức để có được vợ hoặc chồng. Sự vô văn hóa trong tình yêu đôi khi quá mức khiến những kẻ cuồng si dám làm những việc phạm pháp, thậm chí mất hết tính người, như việc “bắt vợ” chẳng hạn...

Yêu là một trong những bản năng của con người. Đã sinh ra làm người, ai cũng biết yêu, nhưng văn hóa trong tình yêu thì không phải ai cũng biết. Xã hội càng văn minh, tự do yêu đương càng được tôn trọng thì ứng xử văn hóa trong tình yêu càng cần phải được quan tâm. Nếu không, chúng ta sẽ không còn thấy vẻ hào hoa thanh lịch của tình yêu, mà chỉ còn lại sự trao đổi những nhu cầu bản năng một cách thô thiển.

Sự lựa chọn bạn đời lại càng cần phải cẩn trọng hơn, bởi không hẳn người có học vấn cao là có văn hóa yêu cao. Sự vô văn hóa khi yêu thường bộc lộ rõ nhất khi người ta không đạt được điều mình mong muốn. Không dễ gì một ngày, một tháng... mà nhận ra được trình độ văn hóa yêu của “đối tác”. Vì vậy, lời khuyên dành cho những người đang yêu là hãy thường xuyên kiểm tra trình độ văn hóa yêu của chính mình, nếu không, hậu quả sẽ chỉ mình mình gánh chịu.

Tuy nhiên việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào là điều cần thiết, là việc làm thường xuyên, liên tục, bền vững. Đối với bà con các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, ít học vấn, còn nhiều khó khăn về kinh tế, lạc hậu về nhận thức xã hội, thì việc tuyên truyền theo kiểu câu chữ, văn bản, pano, áp phích thường rất ít đạt được hiệu quả. Vì vậy, cần tìm hình thức tuyên truyền phù hợp với văn hóa, trình độ nhận thức, gắn liền với tư duy, nếp nghĩ của bà con. Nếu họ hiểu được rằng làm như vậy là vi phạm pháp luật thì sẽ hiểu được chuyện “cướp vợ” gây thiệt thòi, gây mặc cảm, đau đớn suốt đời cho người phụ nữ.

Để xây dựng một xã hội bình đẳng cần có sự quan tâm của toàn xã hội và cộng đồng. Các cấp, các ngành, các tổ chức (nhất là Thanh Niên và Phụ Nữ) phải vào cuộc thực sự. Người dân khi chứng kiến sự việc cần mạnh dạn can thiệp để giúp đỡ chứ không nên thờ ơ, mặc kệ, hoặc coi đó như một “tục lệ” bình thường...

Việc tuyên truyền cần mang tính chia sẻ, có thể chỉ là một câu chuyện vui để kể cho bà con nghe, tránh giáo điều, khuôn phép ... để tiếp cận dần dần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Những người làm văn hóa ở cơ sở mường bản cũng nên có những chương trình tuyên truyền, giáo dục “văn hóa yêu”, lồng những chương trình ấy trong các hoạt động của chi đoàn, chi hội phụ nữ và các tổ chức gia tộc, dòng họ... bằng nhiều cách nhưng quan trọng nhất vẫn là phải thực sự phù hợp với trình độ nhận thức của người dân ở chính nơi mà họ đang sống.

Tác giả bài viết: Thái Tâm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP