Giáo dục

Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn (Nghệ An): Nhiều khoản thu “khó hiểu”

Trước phản ánh của phụ huynh về việc phải nộp nhiều loại tiền dịp đầu năm học, Ban giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn khẳng định mới triển khai các khoản thu theo quy định. Khoản tiền theo thỏa thuận hoặc thu hộ sẽ lấy ý kiến phụ huynh để có sự thống nhất.

Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Nhiều khoản thu

Theo phản ánh của phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn, tổng số tiền nộp đầu năm mỗi học sinh khoảng 4,6 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản “khó hiểu”: Tiền mua bản quyền kỹ năng sống cho trẻ: 450.000 đồng; tiền bảo vệ trường: 150.000 đồng; quỹ trường: 100.000 đồng; tiền tăng buổi cho cô: 810.000 đồng; tiền mua tivi dạy học: 290.000 đồng; tiền xây dựng nhà ăn, nhà xe: 380.000 đồng. Bên cạnh đó là các khoản tiền thu hộ như: Tiền vở viết 10 quyển: 75.000 đồng; đồng phục 4 cái: 375.000 đồng; áo khoác đồng phục: 150.000 đồng; sách giáo khoa: 730.000 đồng; quỹ lớp: 400.000 đồng; tiền lắp quạt lớp 5 cái: 30.000 đồng.

Tuy nhiên, theo giải trình của Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn, phản ánh về danh sách các khoản thu như trên không hoàn toàn chính xác. Theo đó, ngày 12/9, trường tổ chức họp phụ huynh học sinh các lớp, và đưa ra bàn bạc về thu chi trong năm học. Trong đó, trường tiến hành thu những khoản theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An: Tiền BHYT học sinh đối với khối lớp 1 là hơn 700 nghìn đồng (15 tháng)/em, từ khối lớp 2 đến lớp 5 là 560 nghìn (12 tháng)/em. Tiền trông coi xe đạp mỗi tháng 12 nghìn đồng, mức đóng cả năm học (9 tháng) là 108 nghìn đồng/em.

Bên cạnh đó, nhà trường thông báo các khoản thu theo thỏa thuận: Tiền tăng buổi cho cô theo ghi chép của phụ huynh chính là tiền dạy học 2 buổi/ngày. Học sinh lớp 1, 2 tạm thu 90.000 đồng/tháng/em, tổng cả năm học là 810.000 đồng. Học sinh lớp 3, 4, 5 tạm thu 80.000 đồng/tháng/em, tổng cả năm học là 720.000 đồng.

Ngoài ra, để tổ chức bán trú, nhà trường thu tiền ăn 16.000 đồng/ngày/em và tiền phục vụ bán trú (mua vật dụng nấu ăn, đồ dùng học sinh ở bán trú, trực trưa, cô nuôi) là 90.000 đồng/tháng/em. Tiền dạy học kỹ năng sống Poky 50.000/tháng, cả năm học sẽ là 450.000 đồng/học sinh. Những khoản thu trên là theo hình thức thỏa thuận. Về tiền mua tivi là khoản vận động tài trợ cho các cơ sở giáo dục. Mức đề nghị của nhà trường khối 5 xuống khối 1 dao động từ 210.000 đồng đến 290.000 đồng/em để mua tivi cho 25 lớp.

Bà Chu Thị Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn – khẳng định trong báo cáo: “Khoản thu dạy học 2 buổi/ngày, vận động tài trợ, dạy học kỹ năng sống Poky, nhà trường đang tiến hành hoàn thiện các hồ sơ trình phòng GD&ĐT phê duyệt. Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, nhà trường đưa ra để lấy ý kiến phụ huynh, chứ chưa triển khai thu tiền trên thực tế”.

Phụ huynh Trường Tiểu học Nghĩa Đàn thắc mắc về danh sách các khoản thu.

Sẽ bỏ các khoản thu không cần thiết

Trong báo cáo của bà Chu Thị Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn, nhà trường sẽ rà soát và bỏ các khoản thu hộ, các khoản thu không cần thiết trong số các khoản thu đã triển khai như: Tiền đồng phục, bảo hiểm thân thể, vở viết... Đồng thời rà soát lại cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, tiến hành mua bổ sung bằng nguồn ngân sách của nhà trường. Về phần quỹ lớp, trường cũng yêu cầu Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường và mỗi lớp lập dự toán chi tiết kế hoạch thu chi trong năm học. Qua đó cắt giảm các chi phí chưa thực sự cần thiết. Về vấn đề học kỹ năng sống, nhà trường sẽ xem xét lại nhu cầu của học sinh, nếu số lượng ít thì không tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cũng cho biết: Sau khi nhận thông tin của phụ huynh về vấn đề thu chi đầu năm tại Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn, phòng đã cử cán bộ xuống làm việc. Qua xác minh, nhà trường mới triển khai các khoản thu theo quy định. Còn khoản thu theo thỏa thuận, thu hộ, nhà trường thông báo, đưa ra lấy ý kiến phụ huynh. Phòng đã yêu cầu nhà trường giải trình, báo cáo sự việc với UBND huyện và Sở GD&ĐT Nghệ An.

Về tổng mức tiền nộp hơn 4,6 triệu đồng/học sinh/năm, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Với khoản thu theo thỏa thuận, tự nguyện, thu hộ, tùy nhu cầu, điều kiện từng phụ huynh mà đóng tiền theo các mục nhà trường đưa ra. Không phải tất cả phụ huynh đều phải tham gia, hoặc phải tham gia toàn bộ. Trước đó, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện Nghĩa Đàn ra văn bản hướng dẫn thu chi cho các trường. Trong đó yêu cầu giãn cách thời điểm thu, không gộp các khoản thu vào một lúc gây khó khăn cho phụ huynh.

Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn là đơn vị đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, giai đoạn 2015 – 2020. Trường đang rà soát lại các tiêu chí để phấn đấu giữ chuẩn trong giai đoạn mới. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn cho rằng: Mua sắm thêm trang thiết bị, bổ sung cơ sở vật chất là nhu cầu tất yếu đáp ứng đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học của các nhà trường, đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay SGK. Ngoài sử dụng ngân sách, xã hội hóa hay tài trợ giáo dục là chủ trương đúng đắn để vận động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, quá trình triển khai của các cơ sở giáo dục cần linh hoạt, phù hợp với thực tế. Đồng thời tuyên truyền đầy đủ, công khai, dân chủ để phụ huynh hiểu rõ và ủng hộ.

Tác giả: Ngọc Sơn

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP