Tuy nhiên, hai nước láng giềng tại châu Á này vẫn có rất nhiều điểm chung. Và chúng không hề có lợi cho tương lai kinh tế của Trung Quốc. Trường hợp của Nhật Bản sẽ là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách nước này.
Bắc Kinh đã theo đuổi chính sách kinh tế tương tự Tokyo để phát triển nhanh. Chính chúng đã nhấn chìm Nhật Bản, đến giờ vẫn chưa thể hồi phục.
"Cũng như Nhật Bản, chúng tôi tin rằng Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm hơn nhiều", các chiến lược gia đầu tư tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo đầu năm nay. Đến tháng 5, các nhà phân tích tại hãng đánh giá tín nhiệm - Moody’s cũng cảnh báo Trung Quốc có thể trải qua "quá trình tăng trưởng kinh tế dưới chuẩn kéo dài, áp lực giảm phát thường trực, hoặc thậm chí không tăng trưởng", James Chanos - nhà sáng lập quỹ Kynikos Associates từng ví quỹ đạo của Trung Quốc là "dạng mạnh hơn" của Nhật Bản.
Nhiều nhà phân tích lo ngại Trung Quốc sẽ chịu hậu quả như Nhật Bản. Ảnh: AP, Alamy
Một số có thể coi nhẹ những cảnh báo này, cũng như những dự báo bi quan mà Trung Quốc bỏ ngoài tai suốt những năm qua. Nhưng nếu nhìn lại 30 năm trước, cũng rất ít người có thể đoán được Nhật Bản sẽ xuống dốc. Họ là gã khổng lồ của Đông Á, được dự báo soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ.
Khi đó, hệ thống kinh tế của họ được nhiều người coi là trội hẳn so với chủ nghĩa tự do tại Mỹ. Bằng cách tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty nhà nước lớn và các ngân hàng, giới chức Nhật Bản khuyến khích đầu tư và định hướng chiến lược công nghiệp quốc gia. Họ can thiệp vào thị trường bằng cách bảo vệ các ngành công nghiệp mới và chuyển hướng hỗ trợ tài chính cho các công ty và lĩnh vực được ưu tiên. Với những sự hỗ trợ này, các công ty Nhật Bản đã bùng nổ trên thị trường thế giới và dồn đối thủ Mỹ vào chân tường.
Nhưng ngay cả khi Nhật Bản dường như đang có ưu thế, nền kinh tế của họ thực chất đã bắt đầu có vấn đề. Mối quan hệ về tài chính, công ty và Chính phủ khiến dòng vốn được phân bố không hợp lý, gây lãng phí đầu tư. Tăng trưởng càng được đẩy cao bởi tín dụng rẻ cuối thập niên 80, nhưng cũng đồng thời khiến khối nợ tăng vọt, và đẩy giá chứng khoán, bất động sản lên. Khi "nền kinh tế bong bóng" này vỡ vụn đầu thập niên 90, ngành tài chính đã gần như đi ngang. Nhật Bản từ đó vẫn chưa thể về như cũ.
Trung Quốc cũng có thể chịu ảnh hưởng theo cách tương tự. Biện pháp Bắc Kinh áp dụng để tạo ra tăng trưởng nhanh cũng không khác Nhật Bản. Đó là điều hướng tín dụng, hỗ trợ một số ngành công nghiệp mục tiêu và khuyến khích xuất khẩu. Và vì vai trò của Chính phủ Trung Quốc trong nền kinh tế còn lớn hơn Nhật Bản trước đây, sự can thiệp của họ vào thị trường cũng ở mức độ cao hơn.
Tam giác Chính phủ - doanh nghiệp - ngân hàng tại Trung Quốc đã gây ra tình trạng dư thừa quy mô lớn tại các nhà máy thép, xi măng và tòa nhà căn hộ. Bắc Kinh lại phản ứng bằng cách tiếp tục bơm tiền để giúp động cơ tăng trưởng đã quá cũ này tiếp tục hoạt động. Dòng NDT chảy vào thị trường đã khiến giá tài sản tăng không bền vững, tương tự Nhật Bản.
Năm ngoái, thị trường chứng khoán Trung Quốc lên kỷ lục và xì hơi ngay sau đó. Còn giá bất động sản tại Thượng Hải, Thâm Quyến và nhiều thành phố lớn khác lại tăng nhanh đến mức giới chức phải can thiệp để kiểm soát.
Có lẽ nguy hiểm hơn là chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Trung Quốc đã khiến khối nợ ngày càng tăng - như Nhật Bản thập niên 80. Hãng xếp hạng tín nhiệm - Fitch cho biết tổng nợ của Nhật Bản so với GDP đã tăng thêm 80%, lên 275% trong giai đoạn 1980 – 1989. Đây là thời điểm trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra tại đây.
Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy tốc độ tăng tại Trung Quốc nhanh hơn nhiều. Giai đoạn 2007 – 2015, nợ trên GDP của Trung Quốc tăng thêm hơn 100%, lên 255%.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng khối nợ của Trung Quốc không nguy hiểm như người ta nhìn thấy bên ngoài. Do phần lớn chúng là ngân hàng quốc doanh cho vay doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, Chính phủ có thể can thiệp và hỗ trợ thị trường tài chính. Và vì nợ Trung Quốc gần như hoàn toàn là nội địa, được hỗ trợ bởi lượng tiền gửi khổng lồ, thị trường tài chính nước này không thể sụp đổ vì các cú sốc bên ngoài.
Tuy nhiên, những gì xảy ra với Nhật Bản lại cho thấy điều ngược lại. Họ cũng là quốc gia có thặng dư thương mại lớn và tiền tiết kiệm dồi dào đầu thập niên 90. Nhưng điều đó cũng không giúp họ ngăn được khủng hoảng tài chính.
Nhật Bản có thể là mẫu cho Trung Quốc về cái gì nên và không nên làm khi giải quyết những vấn đề như thế này. Thay vì để các công ty ngập trong nợ nần và kinh doanh kém hiệu quả sụp đổ, Nhật Bản lại giữ họ hoạt động bằng cách bơm tín dụng liên tục, hoán đổi nợ lấy cổ phiếu và nhiều biện pháp khác. Những công ty "zombie" (xác sống) như vậy đã kéo tụt nền kinh tế như ngày nay.
Để duy trì tăng trưởng, Chính phủ cũng chuyển sang các biện pháp kích thích nhân tạo. Đó là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và ngân hàng trung ương in tiền với quy mô chưa từng có. Việc này đã khiến tổng nợ của Nhật Bản tăng lên gần gấp 4 GDP, tính đến cuối năm 2015. Mà kinh tế Nhật Bản vẫn chưa hồi phục. Giới quan sát cho rằng nước này chưa bao giờ cắt giảm quy định và mở cửa thị trường đủ để kích thích cạnh tranh và khởi nghiệp.
Tại Trung Quốc, Chủ tịch nước này - ông Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện hàng loạt cải tổ theo hướng thị trường, để chuyển hướng phát triển kinh tế, giảm dư thừa và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc lại đang nối gót Nhật Bản. Họ vẫn giúp các công ty zombie tồn tại bằng tín dụng và các gói kích thích.
Khối nợ của Trung Quốc cũng ngày một nặng thêm khi tăng trưởng tín dụng vượt tốc độ tăng GDP. Mà dòng tín dụng đó cũng không kích thích được nền kinh tế. Cũng như ở Nhật Bản, khối tiền mặt này có rất ít hiệu quả. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng chỉ dùng để trả nợ cũ. Tức là ngày càng ít tiền thực sự đi vào đầu tư - lĩnh vực có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Trung Quốc và Nhật Bản còn có chung vấn đề già hóa dân số. Số người trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã giảm với tốc độ 0,4% mỗi năm giai đoạn 1990 - 2015. Việc này ảnh hưởng đến tăng trưởng do hiệu quả lao động giảm, và mỗi nhân lực lại phải làm việc để hỗ trợ lực lượng nghỉ hưu ngày càng tăng.
Tại Trung Quốc, chính sách một con suốt 3 thập niên qua cũng khiến lực lượng lao động nước này được dự báo co lại với tốc độ 0,5% một năm trong 25 năm tới, Goldman Sachs cho biết.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn có thể tránh dẫm phải vết xe đổ của Nhật Bản nếu thực hiện đúng những cải tổ họ đã cam kết. Nhưng cho đến lúc đó, rủi ro trở thành Nhật Bản thứ 2 sẽ vẫn đeo bám nước này. Bắc Kinh và Tokyo đều đang chịu hậu quả từ cùng một sai lầm chết người - kiên quyết bám theo mô hình tăng trưởng từ lâu đã không còn tác dụng.
Tác giả bài viết: Hà Thu (theo Bloomberg)
Nguồn tin: