Giáo dục

Tranh cãi bỏ khẩu hiệu 'tiên học lễ, hậu học văn' ở trường tiểu học, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm lên tiếng

Chuyên gia giáo dục đã bày tỏ quan điểm trước nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” ở trong trường tiểu học đang xôn xao dư luận.

Đề xuất xem lại khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn" ở trường tiểu học

Nhiều ý kiến cho rằng, khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" tại các trường tiểu học khó hiểu với các em học sinh. Khẩu hiệu này tại các trường chỉ là dòng chữ dán lên tường, không có nhiều ý nghĩa đối với thầy cô giáo, học sinh và cả các phụ huynh.

Bình luận vấn đề này, GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Hồng Hà cho rằng thực chất, “tiên học lễ, hậu học văn” không phải là khẩu hiệu mà là phương châm giáo dục đúng muôn đời và đúng với tất cả các nền giáo dục.

Học sinh trường Tiểu Học Nguyễn Khuyến (Hà Nội) hào hứng tham gia đóng góp từ thiện ủng hộ nhân dân miền Trung trong đợt bão lụt vừa qua.

“Ví dụ như giáo dục Nhật Bản, người Nhật Bản luôn dạy trẻ rằng thành công không quan trọng bằng việc làm người tốt, trung thực và nhân hậu.

Vì thế những quy tắc như cúi chào người khác, nói năng lễ phép hay thái độ khiêm nhường được thầy cô giáo và phụ huynh Nhật Bản dạy trẻ rất kỹ. Và những nét đẹp này trong cách cư xử của người Nhật đã luôn khiến cả thế giới phải nghiêng mình trước dân tộc này”, GS Vũ Tuấn chia sẻ.

GS Vũ Tuấn cũng rất tâm đắc với câu nói: “Ngày nay, người ta cố gắng đem đến một cuộc sống tốt hơn cho trẻ nhỏ, nhưng lại quên không tạo ra những đứa trẻ tốt hơn cho cuộc đời”

Nhiều phụ huynh chỉ lo đến việc cho học sinh cuộc sống đầy đủ hơn, học hành nhiều kiến thức hơn nhưng lại quên mất những điều trước đây được coi là quan trọng nhất như sự lễ phép, biết tôn trọng người khác, biết cư xử đúng mực tại nơi công cộng hoặc kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng thích nghi và ứng phó tình huống.

Nhiều phụ huynh và giáo viên lại cho rằng những điều này không thật thiết thực cho cuộc sống, rằng học giỏi để sau này kiếm được công việc tốt và có cuộc sống giàu có quan trọng hơn những kỹ năng.

“Nhưng thực tế những kỹ năng mà người xưa thường gọi là “lễ” đó lại cực kỳ quan trọng với trẻ trong tương lai”, GS Vũ Tuấn bày tỏ.

Học sinh trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) tham gia ngoại khóa vì môi trường kết hợp với tổ chức Keep Hà Nội Clean để dọn rác tại Quảng Bá – Hồ Tây – Hà Nội.

Đó là những thứ giúp người khác đánh giá tốt hoặc có cái nhìn tôn trọng hơn khi trẻ trở thành người trưởng thành, và điều đó quyết định rất nhiều đến thành công và hạnh phúc trong tương lai.

“Bởi vậy, “tiên học lễ, hậu học văn” có nên là khẩu hiệu treo ở khắp nơi hay không không quan trọng, điều quan trọng nhất là chúng ta có thể biến điều đó thành sự thực đối với giáo dục hay không”, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ.

Thực tế bao năm nay, ai cũng có thể nhìn thấy những dòng chữ như vậy ở khắp các trường học, nhưng hầu hết học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo cũng chưa thực sự quan tâm.

Bởi những khẩu hiệu này không được xây dựng thành văn hóa và phương châm thật sự trong trường học, bao trùm lên toàn bộ hoạt động dạy và học của thày cô và học sinh trong trường.

Khi các trường chỉ được đánh giá bằng số học sinh giỏi, đỗ vào các trường điểm, đoạt giải Violympic…., thì đương nhiên tất cả các giáo viên phải chạy đua để học sinh mình đạt được những điều này, để lớp mình, trường mình được danh hiệu trường điểm, và được toàn bộ phụ huynh tín nhiệm và muốn con theo học.

“Giá như nếp sống văn hóa và lễ nghĩa trong trường học cũng được đánh giá một cách công bằng và công khai, thì chắc chắn toàn bộ giáo viên và lãnh đạo các trường sẽ tìm ra được biện pháp để dạy dỗ uốn nắn học sinh tốt hơn về cách cư xử và phép tắc trong cuộc sống”, GS Vũ Tuấn bày tỏ.

GS Vũ Tuấn chia sẻ thêm nếu các hiệu trưởng thực sự đánh giá được tầm quan trọng của tư tưởng “ Tiên học lễ, hậu học văn” thì sẽ có rất nhiều cách để giáo dục tư cách đạo đức cho học sinh một cách hiệu quả.

Không chỉ là những bài học đạo đức hay giáo dục công dân khô cứng trên lớp mà cần có sự uốn nắn hàng ngày trong mọi hoạt động dạy, học và giao tiếp giữa thầy cô và học sinh tại trường. Ngoài ra, cũng có thể lồng ghép những nội dung này trong các hoạt động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại.

Tác giả bài viết: Phương Liên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP