Trong nước

Tỉnh ủy Bình Dương xin lỗi nhân dân

Sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các dấu hiệu vi phạm, các lãnh đạo trong thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết nghiêm túc rút kinh nghiệm và xin lỗi nhân dân.

Các lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 (từ trái qua): Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam, Phó bí thư thường trực Phạm Văn Cành và Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm - Ảnh: B.S.

Ngày 17-6, Tuổi Trẻ Online trao đổi với một số lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra về dấu hiệu vi phạm tại Bình Dương.

Ông Phạm Văn Cành - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương (ông Cành là người từng chỉ đạo trực tiếp đối với hoạt động của Tổng công ty 3-2) - cho biết hiện vụ việc đã có kết luận chính thức của cơ quan chức năng nên ông không có ý kiến.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam (bí thư nhiệm kỳ 2015-2020 và tiếp tục tái cử nhiệm nhiệm kỳ 2020-2025) cũng cho biết không có ý kiến gì khác về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền. Ông Nam cho biết Tỉnh ủy Bình Dương đã triệu tập hội nghị cán bộ chủ chốt để thông tin chính thức với cán bộ của tỉnh về vụ việc.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tại hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương được tổ chức sáng 16-6, các lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã "xin nhận lỗi trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh", đồng thời "đã nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ vi phạm của mình, đã tự nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc và sẽ chấp hành mọi hình thức kỷ luật của cấp có thẩm quyền".

Hội nghị cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Dương đã nhận định nguyên nhân xảy ra vi phạm "chủ yếu là do thường trực Tỉnh ủy, các cá nhân có liên quan thiếu kiểm tra, giám sát", đồng thời giải thích rằng "xuất phát từ mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của tỉnh, không có tư lợi, vụ lợi, không có lợi ích nhóm"...

Sau khi phát hiện vi phạm, doanh nghiệp mua hai khu "đất vàng" liền kề nhau tại Bình Dương đang có định hướng nộp tiền khắc phục (dự án 43ha) hoặc chuyển lại cho Nhà nước (dự án 145ha) nhưng cần có ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền - Ảnh: B.S.

Tỉnh ủy Bình Dương cũng cho biết về hướng khắc phục, hiện nay Công ty Âu Lạc (doanh nghiệp tư nhân đã mua lại dự án 43ha) và Tổng công ty 3-2 (doanh nghiệp vốn Tỉnh ủy Bình Dương chi phối) đã nộp tổng cộng trên 252 tỉ đồng tiền chênh lệch giá chuyển nhượng đối với dự án 43ha, phần chênh lệch còn lại thì các doanh nghiệp cam kết sau khi có xác định chính thức của cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nộp bổ sung.

Đối với dự án 145ha (dự án sân golf), tới nay cả ba cổ đông đã có văn bản xin nhượng lại cổ phần cho doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy theo giá gốc sổ sách để chuyển giao tài sản về cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian thực hiện và phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với các lãnh đạo trong thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tác giả: BÁ SƠN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP