Kinh tế

Tin xấu dội về, cổ phiếu công ty bà Nguyễn Thanh Phượng bị bán mạnh

Với kết quả kinh doanh quý 3 sa sút mạnh, lãi trước thuế giảm sâu 37,5% so với cùng kỳ, cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt bị bán rất mạnh dẫn đến tình trạng giảm kịch sàn, trắng bên mua.

Bà Nguyễn Thanh Phượng (phải) và ông Tô Hải - CEO VCSC trong một sự kiện của công ty

VCI bị ảnh hưởng mạnh bởi kết quả kinh doanh

Giữa bối cảnh không thuận lợi của thị trường cùng tin tức bất lợi liên quan đến kết quả kinh doanh quý 3, cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã chịu áp lực bán rất mạnh.

Mã này đóng cửa giảm kịch sàn về mức giá 37.200 đồng, khớp lệnh hơn 2 triệu cổ phiếu nhưng vẫn còn dư bán giá sàn và “trắng” bên mua trên bảng giao dịch.

Diễn biến tại VCI trở nên tiêu cực sau khi công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng đồng sáng lập và lãnh đạo công bố báo cáo tài chính quý 3 gây thất vọng. Trước đó, VCI đã có chuỗi tăng rất ấn tượng. Ngay cả khi bị giảm sàn phiên hôm qua thì giá cổ phiếu VCI cũng đã đạt được mức tăng hơn 60% trong vòng 1 quý.

Theo báo cáo tài chính, trong kỳ, VCSC bị sụt giảm 19% doanh thu hoạt động so với cùng kỳ năm trước còn 280 tỷ đồng.

Công ty cho biết, doanh thu quý 3 bị sụt giảm do dư nợ bình quân cho vay giao dịch ký quỹ (margin) giảm mạnh và chính sách giảm lãi suất cho vay margin nhằm hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ Covid-19 dẫn đến doanh thu cho vay giảm 37%.

Bên cạnh đó, hai mảng chính là tự doanh và môi giới cũng đều đi lùi. Trong khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 87 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ (chủ yếu do giảm phần chênh lệch tăng về đánh giá lại FVTPL từ 40 tỷ đồng xuống còn 16,4 tỷ đồng) thì doanh thu môi giới cũng sụt gần 11% còn gần 123 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế giảm sâu lần lượt 37,5% và 36,5% xuống còn 115,7 tỷ đồng và 95,5 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu hoạt động VCSC giảm 4,7% so cùng kỳ xuống mức 1.065,7 tỷ đồng. Lãi trước thuế 9 tháng đạt 516 tỷ đồng, giảm 14,7% và lãi sau thuế 419,1 tỷ đồng, giảm 14,9%.

Chỉ số chính gặp khó với ngưỡng 950 điểm

VN-Index đã thực sự gặp khó trước vùng 950 điểm. Trong phiên 21/10, chỉ số này chịu áp lực bán mạnh cuối phiên và đã chấp nhận mất 5,39 điểm tương ứng 0,57% còn 939,03 điểm.

Trong khi đó, diễn biến trên sàn HNX cũng không khá hơn, chỉ số của sàn Hà Nội bị sụt giảm 0,34 điểm tương ứng 0,25% về mức thấp nhất phiên là 139,98 điểm. UPCoM-Index chỉ nhích nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,06% lên 63,75 điểm.

Có tới gần 400 mã giảm giá, 25 mã giảm sàn trên toàn thị trường, con số này đã vượt qua số lượng 326 mã tăng, 41 mã tăng trần.

Hơn nữa, trong nhóm giảm giá có những “ông lớn” như VCB, CTG, VIC, BVH, HPG… theo đó đã ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường chung.

Cụ thể, VCB giảm 1,7% xuống 86.200 đồng và kéo lùi VN-Index 1,58 điểm; CTG giảm 3,3% về mức giá 31.050 đồng cũng gây thiệt hại cho VN-Index 1,11 điểm.

Ở chiều ngược lại, tuy rằng, BID, VRE, VPB, VHM, VNM tăng giá, nhưng sức ảnh hưởng từ những mã này chưa đủ để “cứu” VN-Index.

Điểm tích cực là thanh khoản thị trường vẫn khá tốt. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 412,65 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 8.395,55 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 49,53 triệu cổ phiếu tương ứng 685,36 tỷ đồng và trên UPCoM là 29,48 triệu cổ phiếu tương ứng 396,14 tỷ đồng.

Về mặt thanh khoản, STB là mã “sáng” nhất phiên với khối lượng khớp đạt 25,83 triệu đơn vị. Mã này cũng tăng giá lên 14.400 đồng. Bên cạnh đó, một số mã ngân hàng khác là TCB, VPB, LPB cũng giao dịch rất sôi động.

Theo quan sát của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù có tín hiệu hỗ trợ trong phiên trước nhưng nhịp tăng của VN-Index không giữ được trọn phiên mà có động thái điều chỉnh vào cuối phiên giao dịch.

Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy động thái giảm của thị trường chưa quyết liệt và có thể sẽ được hỗ trợ tại vùng 933 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo.

Tuy nhiên, động thái điều chỉnh hôm qua cũng là tín hiệu cảnh báo rủi ro có thể đến bất ngờ. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng, nên giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang có tín hiệu phân phối và suy yếu để giảm thiểu rủi ro cho danh mục, các cổ phiếu còn tín hiệu tích cực tạm thời vẫn có thể lưu giữ chờ tín hiệu rõ nét hơn của thị trường.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP